Phụ nữ huyện Thăng Bình, Quảng Nam quan tâm đến cải thiện sinh kế vùng biển

09/04/2011 
“Chúng tôi không muốn cứ mãi phụ thuộc vào chồng mình” đó là phát biểu của chị Nguyễn Việt Hà, hội viên chi hội phụ nữ Tân An, xã Bình Nam, Thăng Bình, Quảng Nam trong khóa tập huấn về sinh kế và tín dụng phụ nữ, trong Quý 2 năm 2011.
 
“Chúng tôi hy vọng dự án Sinh kế thủy sản (RFLP) sẽ quan tâm, hướng dẫn kỹ thuật và cho chị em vay vốn phát triển nuôi gà, nuôi heo hoặc đi làm công nhân phụ thêm thu nhập cho gia đình, chứ từ tháng 7 đến tháng 3, hầu như phụ nữ làng chài xã Bình Nam chúng tôi không có việc ròng 6 tháng”. Chị Đào Xuân Nương có vợ là ngư dân khai thác biển xã Bình Nam phát biểu.
 
“Thường các khóa huấn luyện liên quan đến con tôm, con cá khi Nhà nước mời, hầu như lần nào cũng chồng tôi đi. Tôi chỉ có cơ hội đi họp khi chồng đi biển, khóa này cũng vậy, tôi may mắn được dự án mời, tôi rất quan tâm và mê lắm. Hy vọng các khóa tập huấn khác, dự án lại cho tôi đi. Các anh chưa biết đấy thôi, ở Thăng Bình phụ nữ vẫn còn bị coi là phụ thuộc, yếu thế, hầu như chúng tôi chỉ biết chờ chồng đi biển về, ngoài bán cá ra chúng tôi có được tham gia cái chi mô, mà không được học, được tham gia thì biết cái chi mà làm”. Chị Phan Hồng Thắm, xã Bình Hải chia sẻ.
 
                      
Phụ nữ vùng biển hăng say lao động
 
“Sau khóa học, tôi sẽ bàn bạc với chồng con về khả năng để gia đình giảm bớt số ngày đi biển làm nghề mới. Tôi muốn làm cái nghề chi đó để có thêm thu nhập, chứ bám biển mấy chục năm rồi mà có khá được đâu. Năm 2006, chỉ tính riêng  riêng bão cơn bão Chachu xã tôi đã có tới 40 người chết. Nghề này bạc lắm, làm miết nhưng không có ăn trong khi con cá càng ít, cơn bão càng nhiều”. Chị Huỳnh Thị Ánh phụ nữ xã Bình Minh, huyện Thăng Bình phát biểu.
 
“Chúng tôi hứng thú với nghề nuôi con nhông trên cát, do con này đã nuôi thành công ở vùng cát Tam Thanh, Tam Kỳ do giảng viên giới thiệu. Hiện đã có một số hộ ở Bình Minh nuôi thử nghiệm, dù chưa tổng kết nhưng chúng tôi tin tưởng con nhông có thể làm thay đổi diện mạo xã nghèo bãi ngang. Quan trọng nhất là con giống và đầu ra. Hy vọng dự án Sinh kế thủy sản có thể hỗ trợ chị em chúng tôi”. Bác Phan Thị Nhung, một người dân xã Bình Minh đề nghị.
 
Đây là những ý kiến của phụ nữ huyện Thăng Bình, trong khóa tập huấn do Dự án Sinh kế thủy sản (RFLP) tổ chức thông qua ICAFIS. Đại diện RECERD tham gia với vai trò cung cấp giảng viên cho khóa huấn luyện.
 
Để biết thêm thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ Ông Tưởng Phi Lai, email : lai.recerd@gmail.com
Tưởng Phi Lai
 

Phân loại tin: