GRAISEA 2 - THAM QUAN MÔ HÌNH TRỒNG NẤM MỐI ĐEN VÀ SẢN XUÁT PHÔI NẤM MỐI ĐEN TẠI HTX NÔNG NGHIỆP TÀ ĐẢNH

 

 
THAM QUAN HỌC TẬP MÔ HÌNH TRỒNG NẤM MỐI ĐEN VÀ
SẢN XUẤT PHÔI NẤM MỐI TẠI HTX NÔNG NGHIỆP TÀ ĐẢNH
 
Thời gian: ngày 16/10/2022
Địa điểm: HTX Nông nghiệp Tà Đảnh, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang
Thành phần tham dự:
- Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Phát triển nông thôn
- Trung tâm Kỹ thuật Dịch vụ Nông nghiệp An Giang
- HTX Nông nghiệp Tà Đảnh
- Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn (An Giang); Thạnh Trị, Mỹ Tú (Sóc Trăng).
- Trung tâm khuyến nông tỉnh Sóc Trăng
- Trạm khuyến nông huyện Thạnh Trị
- Các HTX, nông dân trong và ngoài địa bàn dự án An Giang, Sóc Trăng
 
Mô hình tận dụng rơm rạ sản xuất phôi nấm mối đen thuộc HTX Nông nghiệp Tà Đảnh, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang do chị Châu Thị Nương làm chủ đã và đang góp phần nâng cao tiềm năng, vai trò của người phụ nữ, tạo ra công ăn việc làm ổn định cho hơn 10 lao động tại địa phương. Xuất sắc đạt giải nhất cuộc thi “tìm kiếm sáng kiến sinh kế trong nông nghiệp do Dự án GRAISEA 2 phối hợp với các đơn vị tổ chức. Đây là mô hình được rất nhiều đơn vị trong và ngoài vùng dự án GRAISEA 2 đặc biệt quan tâm.
 
Nhằm mục tiêu nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu do người phụ nữ làm chủ, tạo động lực cho các chị em có thêm niềm tin và sẵn sàng hành động. Ngày 16/10/2022 Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Phát triển nông thôn (RECERD – ban quản lý dự án GRAISEA 2 – chuỗi lúa gạo) phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật – Dịch vụ Nông nghiệp An Giang tổ chức chuyến tham quan học tập mô hình trồng nấm mối đen và sản xuất phôi nấm mối đen tại HTX Nông nghiệp Tà Đảnh để nghiên cứu, xây dựng các phương án đa dạng sinh kế hộ gia đình.
 
Hình 1. Đoàn tham quan mô hình trồng nấm mối đen tại HTX Nông nghiệp Tà Đảnh, Tri Tôn, An Giang
 
Tham gia vào chuyến tham quan có các đơn vị chuyên môn, đơn vị quản lý nhà nước và người nông dân trực tiếp sản xuất. Tại buổi tham quan chị Châu Thị Nương – giám đốc HTX Nông nghiệp Tà Đảnh đã chia sẻ về quá trình hình thành, phát triển của trang trại, cũng như những kết quả đã đạt được, định hướng phát triển mô hình nấm mối đen bền vững và kế hoạch phát triển sản phẩm giá trị gia tăng từ cây nấm mối đen. Chị cho biết: “những ngày mới bắt đầu trồng nấm còn gặp nhiều khó khăn, chưa nắm rõ về cây nấm, gặp phải nhiều vấn đề liên quan đến môi trường, nấm bệnh, năng suất không ổn định. Nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ dự án GRAISA 2 cộng thêm nỗ lực nghiên cứu học tập từ các giảng viên trong ngành từ trường Đại học Cần Thơ và Đại học An Giang, Chị đã từng bước hiểu được đặc tính của cây nấm, dần dần hoàn thiện quy trình trồng, gia tăng năng suất và tìm được đầu ra ổn định xây dựng thương hiệu “nấm mối Nàng Nương”.
 
 
Hình 2. Chị Châu Thị Nương chia sẻ cách nhận diện và phân loại nấm mối đen tại trại 
 
Chia sẻ từ Anh Trần Trang Nhã - phòng Nông nghiệp huyện Thạnh Trị: “Nấm mối đen là một mô hình khá mới với địa phương, trong thời gian tới chúng tôi sẽ cần đến sự hỗ trợ về kỹ thuật từ HTX nông nghiệp Tà Đảnh để có thể nghiên cứu, mang mô hình về với bà con nông dân Thạnh Trị”.
Hình 3. Ông Trần Trang Nhã - Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thạnh Trị
 
Một số hộ nông dân tham gia cũng sẵn sàng thử nghiệm trồng nấm mối đen khi nhận được hỗ trợ và cam kết đầu ra ổn định. Sau khi được lắng nghe chia sẻ về mô hình trồng nấm mối đen tại HTX nông nghiệp Tà Đảnh, tất cả thành viên tham quan đều rất háo hức, mong chờ những tín hiệu tích cực từ địa phương để sẵn sàng mang mô hình điển hình này nhân rộng đến bà con nông dân các tỉnh bạn.
 
Hình 4,5. Đại biểu tham dự chuyến tham quan trao đổi tại cơ sở trồng nấm mối đen
 
Bên cạnh việc tham quan mô hình trồng nấm mối đen, các thành viên tham gia buổi tham quan còn được ghé thăm cơ sở sản xuất phôi nấm mối đen dưới mái pin năng lượng mặt trời. Nhận được giải thưởng từ cuộc thi “tìm kiếm sáng kiến sinh kế trong nông nghiệp” HTX đã tận dụng để mua sắm thêm thiết bị hỗ trợ sản xuất phôi nấm mối đen từ rơm rạ, tiếp theo HTX sẽ chuyển giao kỹ thuật trồng và bao tiêu sản phẩm trong tương lai.
                   
                                                                                                                                  THANH QUÍ - RECERD

Phân loại tin: