Xây dựng năng lực vận động chính sách cho các Tổ chức Xã hội Dân sự

Từ ngày 30/03 đến 03/04/2009, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), Viện Sinh học Nhiệt đới (ITB) và Trung tâm Thông tin Ngân Hàng (BIC) đã cùng phối hợp tổ chức hội thảo tập huấn: “Xây dựng năng lực vận động chính sách cho các tổ chức xã hội dân sự” để đối thoại với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), nhằm khuyến khích sự tham gia và trách nhiệm giải trình trong các dự án phát triển và quản lý tài nguyên thiên nhiên tại miền Nam, Việt Nam”. Tham gia hội thảo tập huấn này là các đại diện đến từ các tổ chức xã hội dân sự, các trường đại học, viện nghiên cứu Việt Nam và quốc tế, chủ yếu đến từ lưu vực sông Mê Kông.
 
Tại Việt Nam, WB và ADB đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nhưng rất nhiều khoản tài trợ hàng năm của WB và ADB cho các ngành khác nhau ở Việt Nam được coi là khá nhạy cảm về môi trường và xã hội khi căn cứ vào những tổn hại về sinh thái và dân sinh mà chúng có thể gây ra. Ngày càng có nhiều khoản vay từ các ngân hàng phát triển đa phương (MDBs) không hề được giám sát mà vẫn được triển khai một cách tự do.

Thông qua các chính sách bảo vệ, cơ chế minh bạch thông tin và các cơ chế giải trình cùng một số biện pháp khác, các tổ chức phi chính phủ Việt Nam được đánh giá có cơ hội để gây ảnh hưởng đối với các dự án và hoạt động của các ngân hàng này. Song theo đánh giá của các chuyên gia hiện nay, họ vẫn còn yếu và chưa có khả năng để làm việc với các ngân hàng này một cách bài bản, có hệ thống.

Cuộc hội thảo này là cơ hội giúp các thành viên mở rộng hiểu biết và kiến thức về những nội dung cơ bản liên quan đến năm lĩnh vực : 1) Hoạt động vận động chính sách liên quan đến các ngân hàng phát triển đa phương (MDBs); 2) Xác định các cơ hội để gây ảnh hưởng đến chính sách, chiến lược ngành và những dự án của các ngân hàng này; 3) Tìm ra được những vấn đề chính liên quan đến sự phát triển cơ sở hạ tầng và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên cần phải giải quyết ở Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh phiá Nam và hiểu rõ, đầy đủ về vai trò của WB và ADB trong bối cảnh đó; 4) Hiểu biết về cách thức làm việc với các tổ chức xã hội dân sự hoạt động trong lĩnh vực vận động chính sách và tăng cường năng lực của người dân và các tổ chức phi chính phủ tại địa phương để đảm bảo sự đối thoại thuyết phục với MDBs nhằm thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và đảm bảo trách nhiệm giải trình từ những tác động xã hội và sinh thái do hoạt động của họ gây ra; 5) Mở rộng khả năng phân tích về những vấn đề thực tế còn tồn tại trong các dự án đầu tư của MDBs về quản lý tài nguyên, phát triển thuỷ điện và lĩnh vực giao thông ở Việt Nam cùng với mối liên quan của chúng với chiến lược hoạt động trong từng lĩnh vực của các ngân hàng ở vùng Mêkông.

Bên cạnh việc chia sẻ kinh nghiệm thực hiện vận động chính sách đối với các dự án của WB và ADB tại Lào, Campuchia, Philipines, Myanmar, Trung Quốc, các thành viên đã có buổi đối thoại trực tiếp với đại diện của WB và Uỷ ban Thanh tra WB.

Ban tổ chức và các thành viên đã bước đầu xây dựng được một “Kế hoạch hành động của các nhóm xã hội dân sự Việt Nam để đối thoại với WB và ADB nhằm khuyến khích sự tham gia và trách nhiệm giải trình trong các dự án phát triển và quản lý tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam”, với khu vực ưu tiên là miền Trung (Quảng Nam, Huế, Đà Nẵng) và đồng bằng sông Mêkông.
 

Bài và ảnh: Hải Vân

 
ShareThis Copy and Paste

Phân loại tin: