Xây dựng doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt chuỗi liên kết nông nghiệp Việt

Phiên hiến kế về nông nghiệp ghi nhận nhiều giải pháp tạo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, trong đó đại diện Tập đoàn TH nhấn mạnh đến vai trò của "doanh nghiệp quy mô lớn".

8h30 Phiên hiến kế về nông nghiệp

Hội thảo chuyên đề Nông nghiệp thuộc Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 diễn ra sáng nay 2/5 tại Hà Nội.

Tại đây, hàng trăm chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp tư nhân sẽ cùng thảo luận để đưa ra giải pháp tăng cường tính liên kết của các chủ thể trong sản xuất nông nghiệp, phát triển các doanh nghiệp đầu tàu, dẫn dắt chuỗi sản xuất, giải pháp thực hiện số hóa và hình thành dữ liệu lớn với chuỗi nông, lâm, thủy sản.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh nông nghiệp là ngành cung cấp những sản phẩm lương thực, thực phẩm thiết yếu nhất của người dân, cũng là một trong những ngành được quan tâm hàng đầu, dù tỷ trọng đóng góp trong GDP ngày càng giảm từ gần 40% những năm 1990 về dưới 15% tính đến hết 2018.

Trong số những từ khóa nóng của ngành nông nghiệp thời gian qua có thể kể đến "giải cứu nông sản", "thực phẩm bẩn", "dư lượng kháng sinh", "dịch tả lợn". Trong bối cảnh đó, làm thế nào để xây dựng nền nông nghiệp bền vững, đưa nông, lâm, thủy sản Việt Nam hội nhập quốc tế là câu hỏi nhiều người nêu lên và hội thảo sáng nay được kỳ vọng sẽ đưa ra nhiều hiến kế quan trọng cho ngành nông nghiệp. 

Những hiến kế từ sự kiện sẽ được trình lên phiên toàn thể của Diễn đàn vào chiều 2/5 với sự tham dự của Thủ tướng cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và 2.500 doanh nghiệp tư nhân.

Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì. Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Báo điện tử VnExpress và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức. Hội thảo chuyên đề Nông nghiệp sáng 2/5 có sự đồng hành của Agribank, Tập đoàn TH.

Trước đó nhiều giải pháp đã được đưa ra tại Diễn đàn chuyên đề Nông nghiệp "Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt" diễn ra hồi tháng 6/2018, với công nghệ là một trong những lời giải phù hợp nhất.

8h31 Hội thảo bắt đầu lúc 8h30 với sự chủ trì của ông Cao Đức Phát - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Lê Quốc Doanh; Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh; Cục phó Xuất nhập khẩu Bộ Công thương Trần Quốc Toản.

Ông Nguyễn Ngọc Hai - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, ông Lê Văn Sử - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau và hàng trăm chuyên gia trong nước, quốc tế cùng tham dự hội thảo.

889760249d2b7875213a-4384-1556761573.jpg

Phiên hiến kế về nông nghiệp thu hút đông đảo quan chức và chuyên gia. 

8h35 Ông Cao Đức Phát: "Nông nghiệp cần dựa vào các hạt nhân là doanh nghiệp"
 

Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Cao Đức Phát - Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương nói diễn đàn lần này có các chuyên đề "rất hấp dẫn" như về du lịch, kinh tế số..., tuy nhiên nhiều đại biểu vẫn đến dự diễn đàn nông nghiệp cho thấy sự quan tâm sâu sắc về chủ đề này. "Tôi thấy anh Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có mặt ở đây, điều này phần nào nói lên việc dòng máu nông nghiệp trong anh vẫn sôi sục", ông Phát nói.

Theo ông Phát, phiên hiến kế về nông nghiệp là một phần của diễn đàn kinh tế tư nhân mà Ban cán sự đảng Chính phủ cùng Ban kinh tế Trung ương đồng tổ chức nhằm đánh giá kết quả 2 năm thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân.

Cụ thể, theo chủ trương được thông qua tại nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, Đảng đã xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

8041049cde933bcd6282-8346-1556762202.jpg

Ông Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. 

"Tôi nhớ năm 2003, một vị lãnh đạo cấp khá cao thậm chí không dám đến thăm doanh nghiệp tư nhân vì sợ mang tiếng chệch hướng. Nhưng hôm nay chúng ta ở đây cùng nhau bàn thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp", ông Cao Đức Phát nói.

Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho hay, thời gian qua đã có nhiều chủ trương, giải pháp cho lĩnh vực nông nghiệp, nhưng nay nhìn lại thì các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong khu vực này "còn rất mỏng"; trong số 500.000 doanh nghiệp hiện nay chỉ có 6.000 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Việt Nam hiện có 10 triệu hộ nông dân rất nhỏ, siêu nhỏ so với các hộ nông dân trên thế giới. "Ở Mỹ, một hộ có 500.000 ha chỉ 2 vợ chồng làm. Còn quê tôi Thái Bình, chỉ có khoảng 2.000 - 3.000 m2 cho một hộ gia đình. Muốn phát triển nền nông nghiệp vững mạnh có khả năng cạnh tranh cao trong giai đoạn mới thì không chỉ phát huy vai trò kinh tế hộ như đã làm thời gian qua, mà cần phát triển vai trò hạt nhân là các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân", ông Cao Đức Phát nói.

Ngoài ra, theo ông các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có sự liên kết vững chắc. "Hôm nay chúng tôi kỳ vọng diễn đàn sẽ cùng nhau đánh giá lại môi trường kinh doanh trong nông nghiệp, giải pháp thúc đẩy chuỗi liên kết để tham mưu cho Đảng, Nhà nước", ông Phát nhấn mạnh.

8h45 Nông sản Việt Nam có mặt ở 185 quốc gia, vùng lãnh thổ
 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc doanh nói, Việt Nam có lợi thế về phát triển nông nghiệp. Trong 30 năm đổi mới và nhất là từ khi triển khai thực hiện và thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhiều chương trình, đề án và cơ chế chính sách đã được ban hành, trong đó tập trung và nổi bật là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. 

fa4945b698b97de724a8-5345-1556762721.jpg

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Văn Đương

Nông nghiệp, nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng có ý nghĩa, hướng tới phát triển theo hướng hiện đại, bền vững và đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, tăng năng suất và chất lượng, phát triển sản phẩm có lợi thế; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia; giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân nông thôn. 

Trong 10 năm (2008 - 2017) tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt bình quân 2,66% mỗi năm, năm 2018 đạt khoảng 3,76%; quy mô GDP của ngành năm 2017 gấp 1,25 lần năm 2008. Thị trường nông sản không ngừng mở rộng, xuất khẩu chuyển mạnh sang chính ngạch và hiện nông sản Việt Nam đã có mặt trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008 - 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; năm 2018 đạt mức cao kỷ lục hơn 40 tỷ USD, tăng 23,55 tỷ USD so với năm 2008; đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới, tăng bình quân 9,24%/năm. Trong đó, 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ một tỷ USD trở lên, với 6 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Theo ông Doanh, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và do nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và hội nhập ngày càng sâu vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; thời gian qua, sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã phát triển với nhiều nội dung, hình thức đa dạng. 

Việc lựa chọn phương thức phát triển chuỗi giá trị các nhóm sản phẩm dựa trên các nguyên tắc: Lấy doanh nghiệp làm hạt nhân, liên kết với các thành phần trong chuỗi giá trị; bên cạnh vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn, Nhà nước đặc biệt lưu ý đến phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, các tổ chức của nông dân; lấy đây làm nền tảng và khâu trung gian quan trọng để kết nối nông hộ nhỏ vào các chuỗi giá trị nông nghiệp một cách toàn diện và bền vững.

Bên cạnh đó, các bộ ngành đang xây dựng liên kết chuỗi giá trị đồng bộ từ khâu đầu vào đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ để kết nối với cả thị trường toàn cầu, thị trường khu vực và thị trường nội địa; đẩy mạnh áp dụng quy trình đạt tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo năng lực cạnh tranh theo yêu cầu thị trường ở tất cả các công đoạn.

8h50 Ba loại hình liên kết doanh nghiệp với hộ sản xuất
 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho hay, hiện nay, có ba hình thức liên kết của doanh nghiệp với hộ sản xuất. Đầu tiên là liên kết với nông dân qua hợp đồng thu mua nông sản (chiếm tỷ lệ cao nhất và phổ biến nhất). 

Ông nói, thực tế, các hộ sản xuất nhỏ lẻ vẫn bán qua hệ thống thương lái, chỉ một phần nhỏ có liên kết với các doanh nghiệp thông qua hợp đồng cung cấp đầu vào. 

"Việc xây dựng theo mô hình cánh đồng lớn đã hình thành những vùng sản xuất tập trung, từ đó ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất ra nông sản với khối lượng lớn và chất lượng đảm bảo, nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia vào tiêu thụ sản phẩm. Tổng diện tích sản xuất của cánh đồng lớn đạt hơn 579.000 ha, trong đó diện tích trồng lúa trên 516.000 nghìn ha (chiếm 89,2%)", ông Doanh nói.

5b5af4f531fad4a48deb-6631-1556764271.jpg

Các diễn giả quốc tế tham dự hội thảo. Ảnh: Văn Đương

Hình thức thứ hai là, loại hình hộ nông dân hợp đồng gia công cho doanh nghiệp chủ yếu phổ biến trong chăn nuôi, nhất là trong nuôi lợn, gà. Đây là hình thức liên kết chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất đến khâu chế biến, giết mổ và tiêu thụ được thực hiện giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp. Các điển hình áp dụng mô hình này có thể kể đến, như Công ty cổ phần Việt Nam, DABACO, Emivest... 

Ba là, loại hình hộ nông dân góp vốn, đất và làm thuê cho doanh nghiệp. Đây là hình thức khá tiên tiến và có một số doanh nghiệp như Công ty Mía đường Lam Sơn, Công ty Cao su Sơn La... đang áp dụng hình thức này; một số doanh nghiệp, như Công ty Nam Cường - tỉnh Nam Định, TH TrueMilk, Trường Hải... bắt đầu xây dựng các chuỗi liên kết khép kín theo cách thuê/mua đất của nông dân và sau đó thuê chính người đã bán/cho thuê đất làm "công nhân" sản xuất theo quy trình và tiêu thụ trực tiếp trong các chuỗi cửa hàng, siêu thị của các doanh nghiệp này. 

"Tuy vậy, nông nghiệp, nông thôn nước ta cũng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn cố hữu và đang đứng trước những thách thức mới, như chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn sản phẩm thấp nên năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp hạn chế; thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa thiếu ổn định...", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói.

Ông cũng cho biết, việc cơ cấu nông nghiệp sẽ gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực (nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia; cấp tỉnh và cấp địa phương), khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng và của từng địa phương; tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng...

"Phải xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam chất lượng cao, an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường, có uy tín; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu, giải quyết các vướng mắc về rào cản thương mại để nông sản Việt Nam ngày càng tham gia sâu và nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu", ông Doanh nói thêm.

9h10 "Cần nâng cao nhận thức của người nông dân về chuỗi liên kết"
 

Sau phát biểu đề dẫn của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hội thảo đi vào phần thảo luận với sự tham gia sôi nổi của các diễn giả. Trả lời câu hỏi về vai trò của nông dân trong chuỗi liên kết, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn nói, tính liên kết của các chủ thể trong thời gian vừa qua có bước tiến triển, tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại trong cơ chế thị trường cạnh tranh; chưa khai thác hết tiềm năng trong liên kết để khai thác hết tiềm năng.

05ca0802c60d23537a1c-1769-1556763924.jpg

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn. Ảnh: Văn Đương

Theo ông, hiện 11-14% sản lượng nông nghiệp thông qua liên kết là quá nhỏ, điều này hàm ý tiềm năng còn rất lớn với hàng chục triệu ha nông nghiệp, và trong thời gian tới Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình liên kết trong nông nghiệp.

"Trong chuỗi liên kết, vai trò của người sản xuất rất quan trọng, đặc biệt là sản xuất theo quy chuẩn đáp ứng yêu cầu của thị trường, người sản xuất mà không nhận thức được điều này thì sẽ rất khó khăn. Trong khi đó, năng lực của hộ nông dân với quy mô quá nhỏ thường là liên kết không thành công. Nâng cao nhận thức của người nông dân và đẩy mạnh tích tụ quy mô để giá trị tăng lên là hướng phát triển tất yếu của nền nông nghiệp nước ta", ông nói.

9h10 "Sửa Luật đất đai để gỡ nút thắt về tích tụ ruộng đất"
 

Đại diện cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó chủ tịch tổ chức này vui mừng thông báo với hội thảo," số lượng hợp tác xã hoạt động hiệu quả cách đây 15 năm là khoảng 20% thì đến nay đã trên 50%".

Theo ông, hiện việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hoá, dịch vụ nông lâm thủy sản là xu thế tất yếu và nhu cầu không thể thiếu của các hộ dân, cá thể. HTX là phương thức sản xuất tốt nhất để thực hiện vai trò liên kết giữa các nhà. Thực tế, nhiều mô hình HTX đã làm tốt vai trò này. Thông qua liên kết, hiệu quả đem lại rõ rệt, chi phí đầu vào giảm 10%, doanh thu tăng 20%, lợi nhuận bình quân tăng 15-20%.

d42b41b072be97e0ceaf-1-2977-1556764733.j

Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh. Ảnh: Văn Đương

Về nguyên nhân nhiều HTX chưa phát huy được vai trò trong liên kết sản xuất, ông Thịnh nêu 4 vấn đề, trong đó có việc quy mô hoạt động của các HTX đa số là vừa và nhỏ; khả năng thích ứng với cơ chế thị trường còn hạn chế; năng lực quản trị của cán bộ HTX còn yếu... Ngoài ra, cơ chế chính sách khu vực HTX còn yếu. . 

Ông Thịnh cho rằng, để làm tốt vai trò liên kết của HTX, việc đầu tiên là đẩy mạnh tuyên truyền vì hiện người dân chưa nhận thức được vai trò của HTX kiểu mới, tâm lý HTX kiểu cũ để lại vẫn nặng nề. Cùng với đó, Nhà nước cần sớm sửa đổi Luật HTX vì sau 7 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều điểm không phù hợp, cản trở phát triển; sửa Luật đất đai để tháo gỡ nút thắt về tích tụ ruộng đất; sớm ban hành nghị định riêng về HTX nông nghiệp.

9h25 Đề xuất đào tạo "công nhân nông nghiệp"
 

Ông Nguyễn Ngọc Dân, Chủ tịch công ty TNHH nông nghiệp United nêu thực trạng, có những nơi nông dân trồng nông sản để bán và để ăn trên các diện tích hoàn toàn khác nhau; hậu quả là theo thời gian nông dân không có thị trường tiêu thụ. "Hiện cuộc sống cao hơn, một bộ phận người dân chấp nhận mua trái cây nhập khẩu, trong khi đó ở nhiều nơi người nông dân vẫn trồng bằng phân hoá học, sản phẩm xuất khẩu bị trả lại. Như vậy là không ổn", ông Dân nói. 

4fe1b8d698d87d8624c9-8761-1556764829.jpg

Ông Nguyễn Ngọc Dân, Chủ tịch công ty TNHH nông nghiệp United. Ảnh: Văn Đương

Ông cũng nêu thực tế một số doanh nghiệp nâng giá cao nông sản để khuyến khích người dân trồng trọt, nhưng lại hạ giá khi nông dân được mùa. Đồng thời, cũng có chuyện nơi nào mua giá cao thì người dân sẵn sàng bán, gây khó cho doanh nghiệp đã đặt hàng trước.

"Tôi đề xuất đào tạo công nhân nông nghiệp vì thực tế có những kỹ sư nông nghiệp thiếu lăn lộn. Chúng ta có thể mở các lớp trung cấp nông nghiệp, chính quyền hỗ trợ người dân đi học chuyên về một loại cây, được cấp bằng lý thuyết, trực tiếp xuống đồng ruộng để thực hành, nếu đạt thì cấp bằng", ông Dân đề xuất. 

Về chuỗi liên kết, ông cho rằng cần có yêu cầu cụ thể, gồm những thành phần nào, cụ thể hoá thành viên và cơ chế, quyền lợi kèm theo, "ví dụ khi thành chuỗi, phân bón phải được kiểm soát, có bộ phận xác định chất lượng phân bón để đảm bảo chất lượng sản phẩm".

9h30 "Nhà nước chỉ nên làm vai trò trọng tài"
 

Là người đứng đầu một trong những công ty đầu tiên sản xuất theo mô hình "cánh đồng mẫu lớn", ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, dù những năm gần đây ngành nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn bộc lộ những hạn chế như năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, không có thương hiệu...

Bên cạnh đó, theo ông Thòn, vấn đề giải cứu một số sản phẩm nông nghiệp gần đây hay câu chuyện được mùa mất giá cho thấy nút nghẽn chặn đường ra của sản phẩm.

190f89e898e67db824f7-3993-1556766432.jpg

Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: Văn Đương

Từ góc nhìn của người làm thực tế, ông nêu vấn đề, việc xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi bền vững giúp giảm giá thành sản phẩm, khép kín được chuỗi sản xuất, "nhưng khi chưa có thương hiệu thì bản chất vẫn chỉ là chuyển cái khó của nông dân sang doanh nghiệp". Doanh nghiệp Lộc Trời từ chỗ sử dụng chuỗi sản xuất khép kín với 105.000 ha đất nhưng hiện chỉ còn hơn 30.000 do những khó khăn này.

Cũng theo ông Thòn, cần phân vai giữa ba nhà là ba đỉnh tam giác "nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân", trong đó Nhà nước chỉ nên làm vai trò trọng tài, tạo lập cuộc chơi để tạo được liên kết bền vững.

Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cũng đề xuất xây dựng đội ngũ nhân lực nông nghiệp gắn với thực tiễn, đó phải là những người "nghe được hơi thở của đồng ruộng, thấu hiểu tâm tư của nông dân".

9h40 "Lập ngân hàng lưu động xuống tận thôn, xã giải ngân vốn cho nông dân"
 

Phát biểu về cho vay nông nghiệp, nông thôn, ông Lê Xuân Trung - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) nói, vừa qua, ngân hàng đã sử dụng 70% vốn với trên 700.000 tỷ đồng vào lĩnh vực này. 

Ngân hàng nông nghiệp cũng tham gia chuỗi từ đầu, như thí điểm cho vay với nhà máy mía đường Lam Sơn, cánh đồng mẫu lớn ở Cần Thơ, chăn nuôi ở Bắc Ninh...

Tuy nhiên, ông Trung đánh giá chuỗi liên kết vẫn còn "lỏng lẻo"; năng lực tài chính của khách hàng yếu, hiện tượng vi phạm hợp đồng của người dân còn nhiều, thị trường thiếu ổn định, mất cân đối cung cầu... gây khó khăn cho ngân hàng.

22ae0924142af174a83b-2837-1556766033.jpg

Ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank). Ảnh: Văn Đương

"Từ năm 2017, chúng tôi xây dựng ngân hàng lưu động, nhập xe có internet, cử một tổ xuống tận nông trường, thôn, xã để người dân không cần đi lên huyện vay vốn", ông Trung cho hay.

Lãnh đạo Agribank đề nghị thời gian tới "phải có bảo hiểm giá, bảo hiểm rủi ro cho người tham gia chuỗi liên kết, tránh thiệt hại cho người dân, tránh tình trạng vùng quy mô nhưng không có nguyên liệu".

Ông cũng cho rằng cần tăng cường vai trò của UBND các tỉnh, thành trong phát triển chuỗi, giám sát và hỗ trợ người dân tham gia chuỗi chặt chẽ hơn. "Hiện nay dư địa để đầu tư tín dụng nông nghiệp nông thôn còn nhiều, chúng tôi đề nghị bố trí nguồn vốn nhàn rỗi để tập trung đầu tư cho doanh nghiệp và người dân hoạt động trong lĩnh vực này, có thể thông qua đấu thầu", Phó tổng giám đốc Agribank nói.

9h50 "Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng với chi phí thấp"
 

Ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ về chính sách của nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ông cho hay, Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trương tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng với chi phí thấp, hướng hỗ trợ trọng tâm gồm: Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo: hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi giá trị.

dd6ef892fd9c18c2418d-8762-1556767252.jpg

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Ảnh: Văn Đương

"Chúng tôi đã quán triệt xuống các địa phương xây dựng kế hoạch hành động để hỗ trợ doanh nghiệp trong liên kết ngành, chuỗi giá trị", đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư nói.

Ông Cương cũng nêu một số chính sách khác để thúc đẩy doanh nghiệp nông nghiệp phát triển như, chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài; nghiên cứu chính sách để các tập đoàn tư nhân lớn đóng vai trò dẫn dắt, hỗ trợ chuỗi giá trị.

10h00 "Kiến nghị doanh nghiệp xã hội không chịu sự chi phối của Luật chứng khoán"
 

Ông Lê Minh Quang - Chủ tịch công ty Minh Phú, Phó chủ tịch Hiệp hội thuỷ sản Việt Nam nêu nhận định, điểm nghẽn lớn nhất ngành tôm là sản xuất nhỏ lẻ và khi sản xuất nhỏ lẻ thì không truy suất được nguồn gốc, dẫn tới không có chứng nhận quốc tế.

"Chúng ta rất khó bán hàng với tình trạng trên. Giấy thông hành bán tôm ra thị trường quốc tế và các nước lớn là phải có chứng nhận quốc tế, mỗi thị trường có những chứng  nhận quốc tế khác nhau. Người dân sản xuất nhỏ lẻ thì không thể nào có được những giấy chứng nhận đó", ông nói.

Chủ tịch công ty Minh Phú cho hay, để giải quyết bài toán liên kết chuỗi nuôi tôm, doanh nghiệp này đã nhiều năm đi tìm lời giải, "đầu tiên là mua đất, thuê đất để nuôi tôm nhưng không được, sau đó thành lập công ty cổ phần để người nông dân góp đất nuôi tôm cũng không được".

Sau nhiều năm trăn trở, Minh Phú đi đến giải pháp thành lập công ty cổ phần xã hội, là một mô hình "có thể thực hiện tốt nhất". Theo đó, tất cả những người nuôi tôm sẽ góp đất, nuôi và bán sản phẩm trên chính mảnh đất của mình; như vậy một hộ nuôi tôm coi như ao nuôi tôm của một doanh nghiệp lớn và vấn đề truy suất nguồn gốc để cấp giấy chứng nhận quốc tế đã "có lời giải".

Tuy nhiên, theo ông, doanh nghiệp xã hội lại vướng quy định của Luật chứng khoán, vì các công ty cổ phần từ 100 cổ đông trở lên, vốn điều lệ trên 10 tỷ phải hoạt động theo Luật chứng khoán. Trong khi đó, doanh nghiệp xã hôi không bắt buộc người dân đóng cổ phần mà họ tự nguyện, khi làm ăn tốt họ tham gia, khi không tốt họ ra đi. Điều chỉnh bằng Luật chứng khoán thì "mỗi lần doanh nghiệp vào, ra" lại chờ xin Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, nhanh nhất 6 tháng đến một năm.

"Chúng tôi kiến nghị Chính phủ là các doanh nghiệp xã hội không chịu sự chi phối của Luật chứng khoán", ông Quang nhấn mạnh.

6655ecf38ffd6aa333ec-2766-1556770714.jpg

Ông Lê Minh Quang - Chủ tịch công ty Minh Phú, Phó chủ tịch Hiệp hội thuỷ sản Việt Nam. Ảnh: Văn Đương

Trước sự quan tâm của đông đảo cử toạ, ông Lê Minh Quang nói thêm, "không sản phẩm nào thu hoạch nhanh bằng nuôi tôm, chỉ 2, 3 tháng đã có lợi nhuận 1 - 1, nhưng điểm nghẽn là rất khó huy động đất đê nuôi tôm, nguyên liệu cho các nhà máy chỉ đáp ứng 30 - 50 %, nhiều nhà máy  phải đóng cửa do thiếu nguyên liệu. Tình trạng này đẩy giá thành lên cao gấp 2, 3 lần".

"Nếu đủ nguyên liệu, nguồn vốn thì chỉ thời gian ngắn sẽ đạt mục tiêu Chính phủ đưa ra về phát triển ngành tôm. Minh Phú là đơn vị sản xuất tôm lớn nhất thế giới, chúng tôi thấy rằng bài toán bức xúc nhất là liên kết doanh nghiệp xã hội và bảo hiểm nông nghiệp", ông Quang nói.

10h05 "Không nước nào đạt sản lượng 300.000 tấn tôm sú mỗi năm như Việt Nam"
 

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết về phát triển ngành nuôi tôm ở Việt Nam. Ông Trần Đình Luân - Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, quyết định 79 của Thủ tướng về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam, nêu kỳ vọng đến năm 2025 giá trị xuất khẩu đạt 10 tỷ USD, trong đó 8,4 tỷ USD là tôm thẻ và tôm sú. 

"Nhìn lại năm 2018 ngành tôm đạt sản lượng 760.000 tấn, trong đó có gần 300.000 tấn tôm sú, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD - đây là sản lượng mà không nước nào đạt được", ông Luân nói.  

Theo ông, ngành tôm Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng đang gặp thách thức lớn về biến đổi khí hậu, muốn tăng diện tích nuôi tôm đòi hỏi đầu tư về khoa học kỹ thuật, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, ngành sản xuất tôm còn nhỏ lẻ (chiếm 70-80% diện tích), thực trạng này dẫn đến khó khăn trong hội nhập và đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

4f7c7886778892d6cb99-1240-1556767402.jpg

Ông Trần Đình Luân, Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Thuỷ sản. Ảnh: Văn Đương

"Với bối cảnh sản xuất nhỏ lẻ, liên kết kém, khó khăn về nguồn tôm bố mẹ và cơ sở hạ tầng nên giá thành sản xuất cao, sức cạnh tranh hạn chế", ông Luân nói.

Lãnh đạo Tổng cục Thuỷ sản thông tin, qua theo dõi 74 chuỗi liên kết ở ba tỉnh Ca Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng cho thấy lợi nhuận tăng, chi phí đầu tư giảm 10-30%, giá bán ra ổn định.

"Liên kết ngành là tất yếu, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp. Mong rằng thời gian tới, ngành tôm thử nghiệm chuỗi hoàn chỉnh từ vật tư đầu vào, người nghiên cứu, đến doanh nghiệp, ngân hàng... Chúng tôi cũng muốn có cơ chế bảo hiểm gắn vào chuỗi liên kết để tăng thương hiệu và khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam", ông nói.

10h15 Cà Mau xung phong "xin cơ chế riêng để phát triển nông nghiệp"
 

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng để khắc phục vấn đề sản xuất manh mún nhỏ lẻ của nông nghiệp Việt Nam, "chúng ta nên quan tâm đến kiến nghị của doanh nghiệp".

Cụ thể như, làm sao để doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hợp tác xã để góp phần cải thiện khâu quản trị trong các tổ chức này; tạo cơ chế, chính sách thông thoáng hơn cho doanh nghiệp trong tích tục ruộng đất.

c8ebfe56ae584b061249-6957-1556769457.jpg

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. Ảnh: Văn Đương

"Mô hình doanh nghiệp xã hội sẽ giúp khắc phục sản xuất nhỏ lẻ. Tôi kiến nghị mô hình thí điểm chính sách, nghĩa là không chỉ thực hiện chính sách hiện hành mà là các cơ chế mới. Tất nhiên trong quá trình thực hiện sẽ có những cơ chế thất bại, nhưng chính sách nào thành công sẽ được luật hoá và giúp nhân rộng trong thực tiễn", ông Sử nói.

Trước ý kiến trên, đại diện Ban tổ chức nêu câu hỏi: "Vậy Cà Mau có sẵn sàng xung phong xin cơ chế đặc thù không?".

Ông Sử cho biết, trong tháng 2/2019 tỉnh Cà Mau tổ chức tọa đàm về liên kết chuỗi ở ngành tôm. "Chúng tôi đã chính thức đăng ký với Chính phủ, Ban tổ chức Trung ương cho phép triển khai các mô hình thí điểm và Cà Mau xin xung phong triển khai mô hình này", ông nói.

11h10 "Ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc sản phẩm"
 

Ông Đàm Bạch Dương - Vụ trưởng Vụ công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Bộ này đang cùng các đơn vị liên quan thực hiện đề án Việt số hoá nhằm cung cấp, chia sẻ cơ sở dữ liệu lớn (big data) của Việt Nam, trong đó có bao gồm cả mảng nông nghiệp. "Chúng tôi kỳ vọng các cơ quan quản lý, doanh nghiệp đóng góp dữ liệu và khai thác, sử dụng đề phục vụ tốt cho lĩnh vực này", ông nói.

f0a67793859d60c3398c-7158-1556773710.jpg

Ông Đàm Bạch Dương - Vụ trưởng Vụ công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ). Ảnh: Văn Đương

Cùng đề cập đến vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ, môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, việc ứng dụng công nghệ số hoá trong nông nghiệp là tất yếu nhưng không đơn giản, "vì không chỉ liên quan đến chuỗi sản xuất khép kín mà là ứng dụng quản lý trong chuỗi thế nào?".

"Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng tôi quan tâm đến phát triển nông nghiệp thông minh, tổ chức lại sản xuất và hình thành các liên kết theo chuỗi, trong đó có ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm", bà Thuỷ nói.

11h10 Tập đoàn TH: "Cần doanh nghiệp đầu tàu để dẫn dắt chuỗi liên kết"
 

Ông Ngô Minh Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH cho biết, hơn 10 năm qua, Tập đoàn đã thành công trong việc đầu tư nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi bò sữa. Theo ông, chìa khoá vàng của thành công là ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi bò sữa, từ đó, tạo thương hiệu có tầm ảnh hưởng, sản phẩm đem lại niềm tin cho người tiêu dùng.

"Chúng tôi đang chuyển sang giai đoạn tiếp theo, đưa ngành chăn nuôi lên quy mô rộng hơn, cấp nông hộ để phát triển mạnh trong tương lai. Chúng tôi đã tổ chức ở Lâm Đồng công ty Đà Lạt milk với HTX bò sữa", ông Hải nói và cho biết, đây chính là mô hình liên kết chuỗi giá trị để phát triển bền vững.

5c60203698387d662429-7741-1556771093.jpg

Ông Ngô Minh Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH. Ảnh: Văn Đương

Quá trình triển khai chuỗi liên kết nông hộ ở Đà Lạt, tập đoàn TH đã rút ra bài học chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa các thành viên trong chuỗi; xây dựng quy chuẩn về sản phẩm, ký hợp đồng với nông hộ để người dân giao sản phẩm đảm bảo chất lượng. Tập đoàn đã thay đổi tư duy của người dân, xuất phát từ nông hộ quy mô nhỏ sang trang trại kiểu mẫu. 

Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất - điều kiện tiên quyết thúc đẩy mô hình tăng trưởng vì nếu "sản xuất lấy công làm lãi thì không thể phát triển".

"Khi chúng tôi đưa con chip vào cổ con bò thì nhiều người hoài nghi bà con có đồng ý không. Tuy nhiên, người dân lại rất thích dù chưa biết hiệu quả như thế nào. Cũng như điện thoại thông minh, dùng nhiều sẽ nghiện, không thể bỏ được. Đây là thành công trong chuỗi liên kết", ông Hải nói.

Chủ tịch tập đoàn TH cũng cho hay, muốn phát triển chuỗi liên kết cần phải tổ chức đào tạo nâng cao nguồn nhân lực cho người nông dân; kết nối nguồn hỗ trợ về tài chính. "Chúng tôi có HTX cung cấp dịch vụ thú ý, phối giống, thức ăn cho người dân, nhưng bà con đang cần nguồn vốn hỗ trợ. Chúng tôi kết nối với ngân hàng để bà con vay được vốn để phát triển", ông Hải cho hay.

Ông đề nghị cần có doanh nghiệp đầu tàu để dẫn dắt chuỗi liên kết. Đó có thể là doanh nghiệp nắm đầu ra, hoặc nắm sản phẩm trung gian, miễn là đảm bảo điều kiện về tiềm lực tài chính, đủ sức tạo ra ảnh hưởng mạnh, hoạt động chuyên nghiệp  và có thương hiệu... "Nhà nước cũng nên đặt ra những quy chuẩn đạo đức cho doanh nghiệp, quy chuẩn đạo đức doanh nhân, ví dụ như phải cống hiến, phụng sự đất nước", ông Hải kiến nghị.

11h12 "Vai trò dẫn dắt thị trường của các doanh nghiệp rất lớn"
 

Ông Trần Quốc Toản - Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nói, thời gian qua Bộ này đã thực hiện nhiều chính sách để mở cửa thị trường cũng như khuyến khích tiêu thụ tại thị trường trong nước, như: Chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; đưa hàng vào các siêu thị...

ca0bc7995897bdc9e486-4043-1556772209.jpg

Ông Trần Quốc Toản - Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương). Ảnh: Văn Đương

Theo ông Toản, nông sản của Việt Nam đã có mặt tại hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp rất lớn. Từ tín hiệu phản hồi của thị trường, các doanh nghiệp đã hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng những thị trường khó tính nhất, đồng thời tạo ra sản phẩm đặc thù cho từng thị trường khác nhau. Ngoài ra, các doanh nghiêp đã triển khai tốt việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Tuy nhiên, ông Toản cũng cho rằng, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa phát huy được vai trò của mình, chưa tạo sức hút để các thành viên đi theo tạo nên thương hiệu... Ông đề nghị các doanh nghiệp quan tâm hơn nữa tín hiệu thị trường để sản xuất các sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng.

11h15 "Việt Nam cần đáp ứng sự bền vững môi trường trong phát triển nông nghiệp"
 

Ông Josh Madeira, Phụ trách chính sách bảo tồn biển, Chương trình Seafood Watch (SW, Mỹ) cho rằng, sự bền vững môi trường trong hoạt động kinh doanh là điều mà thế giới đang quan tâm. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam để tăng cường chất lượng sản xuất, qua đó xây dựng khả năng cạnh tranh cao hơn; xây dựng chuỗi giá trị minh bạch để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp từ đó tạo niềm tin tốt hơn với cộng đồng quốc tế.

"Doanh nghiệp xã hội và chuỗi liên kết là ý tưởng hay để tạo dựng lòng tin, tính trách nhiệm", ông Madeira nói.

3b912419a51740491906-4061-1556772546.jpg

Ông Josh Madeira, Quản lý cấp cao chính sách bảo tồn biển. Ảnh: Văn Đương

11h20 "Bao bì giúp trái cây chín chậm trong 2 tháng không cần cấp đông"
 

Ông Đỗ Văn Huệ - Ủy viên thường trực Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam khẳng định, số hoá rất cần thiết cho tất cả các doanh nghiệp, từ khâu nguyên liệu, sản xuất, đến bán hàng (dịch vụ).

Cụ thể, số hoá vùng nguyên liệu giúp đảm bảo tính minh bạch, kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, tích luỹ số liệu cho mùa sau; số hoá chế biến sẽ kiểm soát tự động công nghệ chế biến, chỉ khi đạt chuẩn kiểm soát thì sản phẩm mới tiêu thụ tốt trong và ngoài nước. Đồng thời, từ dữ liệu số hoá sẽ làm được sàn giao dịch về sản xuất.

8ef0c15f4c51a90ff040-7085-1556774537.jpg

Ông Đỗ Văn Huệ - Ủy viên thường trực Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam. Ảnh: Văn Đương

"Hiện chúng tôi đã làm được bao bì giúp trái cây chín chậm trong vòng 60 ngày mà không cần cấp đông. Điều này gỡ được bài toán được mùa mất giá, đồng thời giúp doanh nghiệp biết được dữ liệu sản phẩm của mình đi tới nước nào", ông Huệ nói.

Ông cho biết thêm, sáng kiến trên đã gỡ vướng trong việc bảo quản sau chế biến. Cụ thể, bao bì đóng gói (bằng dược liệu) giúp giữ hoa quả trong ba tháng, khi gỡ túi thì 3 ngày sau quả sẽ chín. Điều kiện để triển khai được sáng kiến này là người dân phải thu hoạch trái cây vừa đủ già, ví dụ sầu riêng chu kỳ 2 tháng thì cần để đúng 2 tháng, không cắt sớm hay cắt muộn.

11h45 Ông Cao Đức Phát: "Nhiều từ khoá mới xuất hiện từ cuộc hội thảo"
 

Phát biểu kết thúc phiên hiến kế về nông nghiệp, ông Cao Đức Phát - Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương nhấn mạnh "hội thảo hôm nay về vấn đề cũ nhưng lại có nhiều điều mới".

Trong đó, các đại biểu đã nhìn nhận vấn đề liên kết chuỗi để phát triển nông nghiệp khác so với hơn 20 năm trước; không chỉ về phương diện kinh tế, kỹ thuật mà cả vấn đề xã hội, môi trường, không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế.

8041049cde933bcd6282-1-9228-1556775676.j

Ông Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương. Ảnh: Văn Đương

"Qua hội thảo, chúng tôi thấy rằng vấn đề về liên kết chuỗi rất được quan tâm, thời gian qua có nhiều tiến bộ nhưng còn rất ngổn ngang. Bên cạnh đó là vấn đề về doanh nghiệp xã hội, số hóa, logistics... là những từ khóa mới trong cuộc hội thảo này. Ban tổ chức đã lắng nghe đầy đủ, chọn lọc các ý kiến để kiến nghị với lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; trong đó có việc hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển làm hạt nhân, đầu tàu để dẫn dắt các chuỗi giá trị nông nghiệp", ông Cao Đức Phát cho hay.

Theo ông, Ban tổ chức hội thảo cũng đã tiếp tục được rất nhiều vấn đề cụ thể, đơn cử như mâu thuẫn giữa doanh nghiệp xã hội với Luật chứng khoán; sửa đổi Luật đất đai tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất...

"Muốn phát triển chuỗi phải có doanh nghiệp, đây là yêu tố quan trọng đầu tiên, nhưng không chỉ có như vậy mà còn sự tham gia của nông dân, hợp tác xã... Hôm nay có nhiều ý kiến về sửa đổi Luật hợp tác xã, chúng tôi tiếp thu để đề xuất đến cơ quan có thẩm quyền", ông Phát nói.

 

Phân loại tin: