Việt Nam chủ động chuẩn bị những phương án giảm thiểu tác động của El Nino 2019 tại Đồng bằng Sông Cửu Long

Dưới sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, cùng với những khuyến nghị kỹ thuật phù hợp về khí hậu và lịch thời vụ, 600.000 héc ta lúa đã được điều chỉnh thời điểm xuống giống nhằm hạn chế các tác động của El Niño.
Tại ĐBSCL, hơn 1,7 triệu héc ta đất nông nghiệp hiện đang được sử dụng để canh tác lúa (chiếm hơn một nửa tổng diện tích nông nghiệp của khu vực). Để đảm bảo giữ vững vị trí là “vựa lúa” của Việt Nam, ngành sản xuất lúa gạo của ĐBSCL cần được tăng cường tính chống chịu với các rủi ro về khí hậu.


Dưới sự tác động của nhiều đợt El Nino, khu vực ĐBSCL thường xuyên hứng chịu những đợt hạn hán trầm trọng xảy ra trong vụ Đông Xuân. Ví dụ điển hình là đợt El Niño 2015 – 2016 đã làm thiệt hại gần 1,2 triệu tấn thóc (tổng diện tích bị thiệt hại khoảng 220.000 héc ta).


Với các thông tin từ các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn quốc tế, một đợt El Nino nhẹ sẽ xảy ra từ tháng Ba đến tháng Năm 2019, Cục Trồng trọt đã chỉ đạo các tỉnh ĐBSCL điều chỉnh lịch thời vụ sớm hơn so với các năm bình thường nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của xâm nhập mặn và hạn hán. Sự điều chỉnh này được dẫn dắt bởi những khuyến nghị từ Bộ bản đồ Rủi ro và Lập kế hoạch thích ứng (CS-MAP) được xây dựng bởi 13 tỉnh ĐBSCL dưới sự chỉ đạo của Cục Trồng trọt và sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình nghiên cứu về Biến đổi khí hậu, Nông nghiệp và An ninh lương thực khu vực Đông Nam Á (CCAFS SEA).


Chỉ đạo quyết liệt và chủ động


Tháng 8 năm 2018, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh chỉ đạo Cục Trồng trọt tiếp tục theo dõi tình hình El Niño và ứng dụng các bản đồ rủi ro và lịch thời vụ CS-MAP để cân nhắc phương án ứng phó phù hợp, cụ thể là điều chỉnh thời gian xuống giống của vụ Đông Xuân (Thông báo số 6194/TB-BNN-VP). Trong Hội thảo sơ kết vụ Đông Xuân tại Trà Vinh tổ chức vào ngày 21/03/2019, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đã báo cáo việc điều chỉnh lịch thời vụ, tập trung xuống giống theo thời điểm đã góp phần không nhỏ vào việc né mặn, né rầy, đảm bảo được sản lượng như kỳ vọng. Mặc dù sản lượng không tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng kết quả chính là đã giảm thiểu tối đa tác động của El Nino, cụ thể là hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra trong giai đoạn thu hoạch.


Dựa trên báo cáo và con số thống kê của 13 Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh ĐBSCL, tổng diện tích xuống giống sớm (tháng 11) đạt 802.702 héc ta (so với 174.538 héc ta năm 2017) và có sự giảm đáng kể diện tích xuống giống muộn (tháng 12 đến tháng 1) xuống còn 596.543 (so với 1.226.961 héc ta năm 2017). Theo ước tính, đã có hơn 600.000 héc ta canh tác lúa được điều chỉnh lịch thời vụ để né hạn mặn gây ra bởi El Niño.


Trong phần kết luận chỉ đạo hội nghị, thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh kết quả của việc áp dụng bộ bản đồ rủi ro và lịch thời vụ CS-MAP xây dựng bởi Cục Trồng trọt và CCAFS Đông Nam Á, đồng thời đề nghị các tỉnh tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Ông cũng kết luận rằng, việc có được một vụ Đông Xuân thắng lợi như năm vừa qua là do những nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt, sự phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương, sự hỗ trợ của các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài nước, đặc biệt là việc triển khai rất tốt việc điều chỉnh lịch thời vụ ở các tỉnh.


Không chỉ là một bộ bản đồ


Phương pháp CS-MAP được xây dựng dựa trên những kết quả đánh giá thực địa tại 13 tỉnh ĐBSCL sau đợt El Nino lịch sử năm 2015-2016 bởi CCAFS cùng các chuyên gia từ Bộ Nông nghiệp và PTNT và các chuyên gia quốc tế từ Nhóm tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế CGIAR. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng nhận xét, những đoàn công tác liên ngành như vậy rất cần thiết để cung cấp cho Cục Trồng trọt những thông tin về thực trạng sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng của BĐKH và gợi ý một số biện pháp thích ứng cho vùng ĐBSCL.


CS-MAP là một phương pháp làm việc có sự tham gia huy động kiến thức của các cán bộ địa phương lồng ghép với các kết quả nghiên cứu về khoa học kỹ thuật, nhằm xây dựng các bản đồ rủi ro hạn mặn cho cây lúa và lập kế hoạch thích ứng cho từng địa phwuong. Với bảng mã màu đơn giản (đỏ-nguy cơ cao, cam-nguy cơ trung bình, vàng-nguy cơ thấp, xanh lá-an toàn), toàn bộ diện tích canh tác lúa được thể hiện trên bản đồ với các cấp độ rủi ro khác nhau.


Bản đồ rủi ro cũng chỉ ra các khu vực chịu ảnh hưởng trong 2 kịch bản, các năm bình thường và các năm cực đoan (El Nino, La Nina). Dựa trên các bản đồ rủi ro, đề xuất điều chỉnh hệ thống canh tác (3 vụ lúa, 2 vụ lúa, lúa – thủy sản) cũng được thể hiện trên bản đồ cho 13 tỉnh ĐBSCL. Một bộ bản đồ khác chỉ ra thời gian xuống giống đề xuất cho từng khu vực nếu có El Nino hoặc La Nina xảy ra. Những bộ bản đồ này được coi là nguồn thông tin tham khảo quan trọng cho việc xây dựng kế hoạch thích ứng với BĐKH của ngành nông nghiệp cho các tỉnh và toàn vùng ĐBSCL.


Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, ông Lê Thành Tùng đề xuất Chương trình CCAFS ĐNÁ tiếp tục hỗ trợ ngành nông nghiệp xây dựng và triển khai CS MAP xuống cấp huyện. Ngoài ra, Cục Trồng trọt cũng đề xuất xây dựng một phần mềm CS-MAP ứng dụng, bao gồm các nội dung theo dõi tiến độ sinh trưởng phát triển của cây lúa, cung cấp các cảnh báo theo thời gian thực, theo dõi dịch hại và cung cấp thông tin thị trường.
 

Phân loại tin: