Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đá, giảm ô nhiễm môi trường

Làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (huyện Hoa Lư) chuyên khai thác và chế tác đá mỹ nghệ có từ lâu đời tại tỉnh Ninh Bình. Nhiều năm qua, nghề làm đá phát triển mạnh góp phần nâng cao đời sống nhân dân địa phương. Tuy nhiên, bụi đá phát sinh trong quá trình sản xuất làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe của người dân trong xã. Ông Nguyễn Yên Bình, Trưởng Trạm y tế xã Ninh Vân, cho biết, theo kết quả đợt khám sức khỏe định kỳ do trạm tiến hành, đã có hơn 30% dân số của xã mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Trước thực trạng đó, năm 2013, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đá Việt Hồng Quang đã đầu tư hơn 14 tỷ đồng triển khai ứng dụng dây chuyền sản xuất đá xẻ, ốp lát hiện đại với quy mô 2.000 m2/năm, một mặt tạo ra sản phẩm đa dạng, chất lượng cao, mặt khác giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm sức lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hạn chế ảnh hưởng bụi đá đối với sức khỏe người lao động.

Ông Lương Văn Long, Quản đốc phân xưởng sản xuất của Công ty, kiêm chủ nhiệm đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất đá xẻ, ốp lát” cho biết, trước đây, người thợ trong làng nghề vẫn quen với cách chế tác đá mỹ nghệ bằng tay. Quá trình đục, đẽo đá đã làm phát sinh lượng bụi lớn, gặp gió phát tán trong không khí nên ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Bên cạnh đó, nhiều hộ sản xuất sử dụng a-xít loãng trong quá trình tẩy rửa, mài và đánh bóng sản phẩm. Với cách làm này tuy rút ngắn thời gian sản xuất, sản phẩm làm ra có độ bóng đẹp, đáp ứng nhu cầu của thị trường nhưng lượng nước thải chứa a-xít không được xử lý, thải trực tiếp ra môi trường sẽ ngấm dần xuống đất, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước xung quanh.

Lãnh đạo Sở KN&CN tỉnh Ninh Bình kiểm tra tiến độ Dự án “Ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất đá xẻ, ốp lát” (Ảnh: Hồng Giang/Báo Ninh Bình)

Lãnh đạo Sở KN&CN tỉnh Ninh Bình kiểm tra tiến độ Dự án “Ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất đá xẻ, ốp lát” (Ảnh: Hồng Giang/Báo Ninh Bình)

Đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất đá xẻ, ốp lát“, theo ông Long, là phương pháp đưa các thiết bị hiện đại như máy cắt xẻ, máy đánh bóng, máy mài, máy cắt cạnh vào dây chuyền sản xuất để tạo ra sản phẩm đồng bộ theo hướng công nghiệp. Nước được sử dụng trong quá trình cắt, xẻ đã làm giảm khoảng 80% lượng bụi bay ra không khí. Sau khi tiến hành xử lý lọc qua hệ thống tuần hoàn, nước được bơm tái sử dụng cho các khâu sản xuất. Chất thải rắn chủ yếu là bột đá thu sau quá trình lắng đọng được phơi khô và bán cho các cơ sở sản xuất gạch.

Quy trình sản xuất khép kín này đã góp phần hạn chế đến mức thấp nhất lượng chất thải và nước thải ra môi trường. Sau 8 tháng triển khai dự án, Công ty đã sản xuất gần 1.000 m2 đá xẻ, ốp lát, năng suất tăng gấp 3 lần so với cách làm thủ công, lợi nhuận thu về hơn 1 tỷ đồng.

Thời gian tới, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đá Việt Hồng Quang sẽ triển khai mở rộng sản xuất đạt công suất 10.000 – 15.000 m2/năm, doanh thu dự kiến đạt từ 15 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng/năm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ mặt hàng đá xẻ, ốp lát của thị trường trong và ngoài nước.

Theo TTXVN, 26/09/2013

 
ShareThis Copy and Paste

Phân loại tin: