Ông có thể cho biết nuôi trồng thủy sản theo Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP) mang lại lợi ích gì?
Đối với người nuôi thủy sản, VietGAP sẽ mang lại những lợi ích: Giảm các rủi ro về dịch bệnh do sử dụng con giống, thức ăn, các chế phẩm sinh học đảm bảo chất lượng; Sản phẩm tạo ra đạt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm; Hoạt động sản xuất được ổn định và bền vững hơn, thậm chí có thể tăng năng suất và hiệu quả sản xuất (chi phí giảm, giá bán cao hơn); Chủ cơ sở nuôi tạo dựng mối quan hệ tốt và ổn định với người lao động, giảm thiểu các rủi ro sản xuất.
Đối với các nhà máy chế biến, VietGAP sẽ giúp giảm chi phí và thời gian cho việc kiểm tra mẫu thủy sản đầu vào; Giảm nguy cơ sản phẩm bị cấm nhập khẩu hoặc bị kiểm tra 100% khi nhập do không đảm bảo yêu cầu về dư lượng hóa chất; Nhờ có nguyên liệu tốt và ổn định, doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư vào các khâu còn lại để tạo ra sản phẩm tốt hơn, giữ được uy tín với khách hàng và nâng cao doanh thu.
Đối với người tiêu dùng, họ sẽ được sử dụng sản phẩm chất lượng, an toàn, vệ sinh thực phẩm; Người tiêu dùng dễ dàng nhận biết được sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên thị trường khi thấy có dấu chứng nhận sản phẩm VietGAP; Có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và yêu cầu người sản xuất chịu trách nhiệm.
Hiện, tiêu chuẩn VietGAP đang được triển khai như thế nào và gặp những khó khăn gì?
Tổng cục Thủy sản đang phối hợp với các Sở NN&PTNT và một số tổ chức khác, thí điểm triển khai mô hình nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra) tại một số địa phương (Hải Phòng, Nghệ An, Bạc Liêu, An Giang, Đồng Tháp...) và bước đầu cho thấy những kết quả khả quan, tín hiệu vui mừng cả về hiệu quả kinh tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, xã hội.
Việc triển khai này gặp phải một số khó khăn chính như: nông dân và cán bộ kỹ thuật địa phương chưa hiểu biết đầy đủ về VietGAP nên còn nhiều lúng túng trong triển khai; Chi phí cho thực hiện VietGAP phát sinh còn là một trở ngại và chưa khuyến khích người nuôi áp dụng; Chưa có Quy chế chứng nhận nên sản phẩm nuôi theo VietGAP vẫn chưa được cấp chứng nhận VietGAP, do đó chưa làm tăng giá trị sản phẩm nuôi theo VietGAP so với sản phẩm nuôi bình thường.
Tuy nhiên, theo tôi, trong tương lai, trở ngại lớn nhất sẽ bắt nguồn từ phía thị trường, người tiêu dùng có chấp nhận mua nhiều lượng sản phẩm có VietGAP hay không, và mua với giá nào sẽ quyết định việc thực hiện VietGAP có thành công hay không.
Theo ông, mô hình này sẽ được áp dụng rộng rãi?
Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực của Tổng cục Thủy sản, của VINAFIS, VASEP và các bên liên quan, trong đó gồm cả người nuôi và nhà máy chế biến, trong việc thuyết phục người tiêu dùng chấp nhận VietGAP, và VietGAP có đầu ra dễ dàng hơn. Đặc biệt, phải tạo ra được sự chênh lệch về giá bán, hoặc làm sao phải giảm được chi phí, hoặc ít nhất là dễ tiêu thụ hơn cho sản phẩm VietGAP, có như vậy mới đảm bảo VietGAP được áp dụng rộng rãi hơn.
Để phát triển VietGAP trong nuôi trồng thủy sản, theo ông, cần hỗ trợ nông dân những gì?
Người nông dân cần rất nhiều thứ để có thể phát triển bền vững, nhưng theo tôi những cái họ cần nhất nên sắp xếp theo trình tự như sau: 1) Có được thông tin đáng tin cậy về thị trường và giá sản phẩm VietGAP và không VietGAP; 2) Có được sự hỗ trợ kỹ thuật làm sao đạt được VietGAP với chi phí tiết kiệm nhất và thời gian ngắn nhất; 3) Có được sự hỗ trợ kịp thời của các ban ngành liên quan và các ưu đãi khi triển khai VietGAP (về vốn, thuế, bảo hiểm rủi ro).
Trân trọng cảm ơn ông!
>> VietGAP có 4 nội dung: Các yêu cầu chung; Chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm; Quản lý sức khỏe động vật thủy sản; Bảo vệ môi trường và các khía cạnh kinh tế - xã hội.
Hải Linh (thuysanvietnam.com.vn)