Cũng cần nói rằng, không có một trường ĐH nào ở Việt Nam đào tạo sinh viên sau này trở thành các tình nguyện viên của các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay ngày đêm vẫn có hàng nghìn bạn trẻ Việt sau khi tốt nghiệp ĐH lại chọn cho mình cách sống cống hiến vì cộng đồng.
Tình nguyện viên: Ngồi ở Việt Nam, hành động toàn cầu
Cải thiện cuộc sống của đồng bào dân tộc là việc làm nhiều tình nguyện viên vẫn đang mong muốn thực hiện |
Con đường không trải hoa hồng
Tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ tại Học viện Khoa học Quân sự, Nguyễn Thành Vinh gửi hồ sơ xin việc tại Union Aid Abroad-Apheda (tạm dịch là Tổ chức Cứu trợ quốc tế). Tuy nhiên, hồ sơ của anh nằm trong số bị loại đầu tiên vì nhiều lý do.
Không nản lòng, chàng trai xứ Nghệ xin làm tình nguyện viên cho Tổ chức nghiên cứu Nông lâm quốc tế (ICRAF). Chàng trai này chấp nhận làm việc không lương để tích lũy thêm kinh nghiệm, với hy vọng khi trở lại sẽ “lợi hại” hơn nhiều lần.
Trong thời gian này, anh đi gia sư tiếng Anh, vừa để kiến thức không bị quên lãng, vừa kiếm thêm thu nhập trang trải sinh hoạt phí.
Vinh trở thành nhân viên chính thức của Apheda sau đó gần một năm với vai trò trợ lý chương trình của các dự án đào tạo nghề cho phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và xây dựng khả năng phòng chống HIV-AIDS trong cộng đồng.
Tình nguyện viên: Ngồi ở Việt Nam, hành động toàn cầu
Hơi khác với Nguyễn Thành Vinh, sau khi tốt nghiệp ngành Đông phương học tại trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội), Doãn Thu Thủy về đầu quân cho một công ty lữ hành.
Tuy nhiên chưa đầy ba tháng sau, cô xin nghỉ vì... chỉ thích làm các dự án phát triển cộng đồng.
Rải hồ sơ tới hàng chục tổ chức phi chính phủ nhưng không nơi nào nhận, Thủy apply CV làm thực tập sinh không lương tại Tổ chức Oxfam (Ủy ban quốc gia cứu trợ nạn đói), theo chân các anh chị bôn ba khắp nơi làm dự án tình nguyện.
Sau hơn 6 tháng ròng rã thử thách với rất nhiều khó nhọc, Thủy đã được nhận lương của Oxfam, hiện đang hoạt động trong lĩnh vực nghèo đói và bất công, có chi nhánh ở gần 100 quốc gia.
Tìm vui trong gian khó
Công việc của Vinh không đòi hỏi phải đi công tác xa dài ngày nhưng lại thường xuyên làm việc với những đối tượng đặc biệt. Chính vì vậy, khó khăn lớn nhất mà chàng trai xứ Nghệ gặp phải đó là khả năng tiếp cận đối tượng.
So với Vinh, công việc của Vũ Ngọc Tuyết (chuyên viên dự án của Tổ chức Save the Children) thậm chí còn vất vả hơn nhiều.
Là con gái nhưng trung bình một tháng, Hiền chỉ ở nhà khoảng hơn một tuần. Thời gian còn lại, cô “lang bạt” khắp chốn, gần thì Nghệ An, Đà Nẵng, xa hơn thì Đồng Tháp, An Giang, lên miền núi, vào Tây Nguyên.
Tuyết bồi hồi nhớ lại chuyến công tác vào Đồng Tháp phát hàng cứu trợ cho đồng bào bị ảnh hưởng của lũ lụt. Số lượng hàng hóa lớn, người nhận đông, cả nhóm phải làm việc tới tối khuya.
Ở Đồng Tháp buổi tối nhiều muỗi nên cả nhóm chẳng ai chợp mắt được. Sáng hôm sau, ai cũng mệt lả, mắt thâm quầng vì thiếu ngủ.
“Nhiều cô bác đã khóc và cảm ơn chúng em khi nhận được quà. Rồi còn cầu phúc cho chúng em, hỏi chúng em mệt không, đã được nghỉ chưa, tối ngủ cẩn thận kẻo muỗi đốt… Thật sự cả nhóm đã rất vui và cảm động”, Tuyết chia sẻ.
Tình nguyện viên: Ngồi ở Việt Nam, hành động toàn cầu
Cuối tháng 3 vừa qua, Doãn Thu Thủy cũng trở về sau chuyến công tác dài ngày ở xã Avao (Quảng Trị) với vài vết trầy xước.
“Mình và mấy anh chị cán bộ huyện phải leo qua hai ngọn đồi mới vào được bản dự án. Mà đường đồi núi rất trơn trượt vì đêm hôm trước vừa mưa xong. Mình bị xước sát còn nhẹ, chứ “sếp” của mình thậm chí còn bị… bong cả móng chân”, Thủy vui vẻ nói.
Công việc thú vị nhưng khá vất vả, song thu nhập cũng không phải quá cao. Người mới vào nghề được trả khoảng 6 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, các bạn cũng được thưởng sau mỗi dự án thành công nhưng không nhiều. Hơn nữa công việc lại không thực sự ổn định, bởi ngoại trừ những tổ chức lớn và có nguồn tài chính dồi dào, đa phần đều trở về nước sau khi thực hiện xong vài ba năm dự án.
Đôi khi các tình nguyện viên cũng thấy chạnh lòng nhưng họ luôn tâm niệm, rằng những đổi thay tích cực trong cuộc sống của người dân nơi mình đi qua là thành công của dự án và lấy đó làm niềm vui cho mình.
Chẳng vậy mà như Ngọc Tuyết chia sẻ: “Làm dự án phải có đam mê và nhiệt huyết. Nếu thiếu điều đó, sự vất vả sẽ khiến bạn rất dễ nản lòng”.
Những cơ hội nối dài từ tuổi trẻ
Theo những bạn trẻ này, một trong những yêu cầu quan trọng nhất để nộp đơn thành công vào các tổ chức phi chính phủ là kinh nghiệm tham gia các hoạt động xã hội.
Chính bởi vậy, nếu muốn làm cho các tổ chức phi chính phủ, không có gì tốt hơn là “cháy” hết tuổi trẻ của mình cho dự án tình nguyện và phát triển cộng đồng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Tình nguyện viên: Ngồi ở Việt Nam, hành động toàn cầu
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm ứng tuyển vào các tổ chức phi chính phủ, Thủy cho biết: “Thường các tổ chức không yêu cầu ứng viên phải tốt nghiệp một chuyên ngành cụ thể nào. Tuy nhiên, nếu ứng viên giỏi ngoại ngữ, có hiểu biết về hệ thống Nhà nước, pháp luật Việt Nam và kiến thức chuyên sâu về phát triển sẽ có những lợi thế nhất định”.
Dù ở Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào, không ai có thể phủ nhận những đóng góp tích cực của những bạn trẻ làm dự án phát triển.
Sự đổi thay của cộng đồng nói chung có một phần công sức không nhỏ từ nhiệt huyết của những bạn trẻ làm việc tại các tổ chức phi chính phủ.
Và thật không ngoa khi nói rằng, họ là những “kẻ can đảm”, dám dấn thân vào một “hành trình lãng mạn” để tìm vui trong gian khó.
Nguyễn Lâm Tùng