Thêm một lực lượng bảo vệ ngư dân

Hơn một tháng nữa, ngày 25-1- 2013, thêm một lực lượng mới hoạt động trên biển chính thức sẽ ra mắt. Đó là lực lượng kiểm ngư.
 Theo quy định của pháp luật tại Nghị định 102 của Chính phủ (cùng có hiệu lực vào ngày này) thì kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thuộc Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam. Kiểm ngư có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất và tham gia xây dựng cơ chế chính sách, văn bản pháp luật quy định về công tác kiểm ngư theo sự phân công, phân cấp.
Bên cạnh đó, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển Việt Nam theo quy định của pháp luật. Đồng thời, kiểm ngư xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm pháp luật thủy sản của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động thủy sản trên các vùng biển Việt Nam. Kiểm ngư còn có nhiệm vụ tham gia công tác phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; hỗ trợ ngư dân và tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên vùng biển theo quy định của pháp luật...

Như vậy, cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển như Luật Hàng hải, Luật Tài nguyên nước, Luật Biển Việt Nam... và xây dựng, phát triển các lực lượng như hải quân, cảnh sát biển, biên phòng thì lực lượng kiểm ngư ra đời, phát triển sẽ góp phần tích cực vào nhiệm vụ chung, nhất là nhiệm vụ bảo vệ quyền, chủ quyền, bảo vệ ngư dân, phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

 
 
Tuần tra bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam trên Biển Đông
Ảnh: Hoàng Long
 
 
Với hơn 3200 km bờ biển, từ xa xưa, người dân Việt Nam, nhất là ngư dân đã coi biển là cái nôi, là nguồn mưu sinh. Rừng vàng, biển bạc. Biển như người mẹ nuôi dưỡng, chở che, ôm ấp đất nước, con người Việt Nam. Cũng từ xưa, bao triều đại Việt Nam cũng đã chú trọng phát triển, khai thác biển, ngư dân Việt đã vươn ra làm chủ các vùng biển khơi xa. Bao đời ngư dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nối gót nhau hướng trùng khơi, coi vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa như mảnh ruộng, khu vườn, canh tác hàng ngày của người nông dân. Cũng từ xưa, ông cha ta đã tổng kết, biển là một môi trường khắc nghiệt, nghề đi biển là một nghề gian nan, nguy hiểm, còn hơn cả ra chiến trường. Ở chiến trường, có thể bị mũi tên, hòn đạn, nhưng bị mũi tên, hòn đạn chưa chắc đã chết. Nhưng ở biển, nếu rơi xuống biển, lúc dông to, gió lớn là cầm chắc cái chết. Đã có biết bao câu chuyện thực tế về những tai nạn, những hậu quả đau lòng khiến bao con người vùi thây dưới biển. Người dân đi biển nhiều khi vẫn chỉ gửi thân mình cho số phận. Tiễn người chồng, cha, người anh, người con ra biển, những người vợ, người con, người em, người mẹ chỉ biết ngóng ra biển trông chờ. Chuyện chỉ cách đây mấy năm, những người dân huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá) từng đã kinh hoàng, đau xót chỉ vì một cơn dông đã cướp đi sinh mạng mấy chục con người khi đang câu cá mực ở vùng biển Nam Định- Ninh Bình, cách bờ vài cây số.

Có một thực tế, những năm qua, việc khai thác hải sản trên biển vẫn còn trong tình trạng mạnh ai nấy làm, nguồn hải sản thì ngày một cạn kiệt. Phương tiện, tàu lớn, tàu bé, khai thác cũng tuỳ hứng. Từ các nghề câu, kéo vây, kéo giã thủ công cho đến bằng máy khai thác cũng không có kế hoạch, tận diệt cá tôm, mặc kệ đang mùa sinh nở hay trưởng thành. Nếu như chỉ cách mấy chục năm trước đây, đi tàu trên biển, gặp cá tôm nhảy như mưa là chuyện hàng ngày thì nay nhiều khi trên biển hàng giờ vẫn thấy lặng ngắt. Hải sản ít, rất nhiều con tàu ngư dân đã sử dụng các phương pháp khai thác như dùng điện, thuốc nổ trái phép để khai thác, đã càng vô tình làm cho tài nguyên biển thêm cạn kiệt. Lại có một thực tế, lâu nay, biển Việt Nam đã luôn bị các tàu cá nước ngoài vào khai thác trộm. Theo phản ánh của các ngư dân, hàng đêm, nhiều đoàn tàu lớn, nhất là tàu của Trung Quốc với phương tiện hiện đại, ngang nhiên điện sáng như sao sa, xâm phạm, đánh bắt hải sản trên lãnh hải Việt Nam.

Biển rộng mênh mông mà lại chật. Chỉ có những người đi biển lâu năm, chỉ có người làm chuyên môn mới biết nơi đâu, chỗ nào mới có những nguồn hải sản, cá tôm. Chuyện cạnh tranh, tranh giành trên biển xảy ra cũng là chuyện thường tình.

Rõ ràng, việc ra đời lực lượng hỗ trợ ngư dân khai thác, bảo vệ, kiểm tra, kiểm soát, đưa việc khai thác hải sản đúng các quy định là vô cùng cấp thiết. Cho đến nay, chúng ta mới có lực lượng kiểm ngư đã là quá muộn. Dù sao, càng muộn càng phải làm khẩn trương, bài bản, xứng tầm với một quốc gia biển, có diện tích chủ quyền mặt nước rộng lớn, với tiềm năng hải sản lớn trên thế giới.

Luật Biển Việt Nam có hiệu lực từ 1-1-2013 tới đây đã là một cơ sở pháp lý, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo, và phát triển kinh tế biển Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới. Luật đặc biệt coi trọng việc giữ gìn, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển. Lực lượng kiểm ngư ra đời, sẽ kịp thời thực hiện Luật Biển Việt Nam. Điều 48 Luật Biển đã quy định rõ về nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên biển của các lực lượng tuần tra, kiểm soát: "Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên các vùng biển, đảo của Việt Nam; Bảo đảm việc tuân thủ pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên; bảo vệ tài sản Nhà nước, tài nguyên và môi trường biển; Bảo vệ giúp đỡ, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ với người, tàu thuyền hoạt động trên các vùng biển, đảo của Việt Nam; Xử lý hành vi vi phạm pháp luật trên các vùng biển, đảo của Việt Nam theo quy định của pháp luật của Việt Nam...”. Lực lượng tuần tra có quyền dẫn giải tàu thuyền trong nước cho đến tàu thuyền nước ngoài vi phạm về nơi quy định để xử lý...

Những nhiệm vụ quy định đối với lực lượng kiểm ngư cũng khá nặng nề. Việc xây dựng, phát triển lực lượng đủ mạnh về phương tiện, con người là cần thiết. Với ngư dân Việt Nam, họ sẽ yên tâm hơn vì sẽ có thêm người bạn bên cạnh - hướng dẫn viên pháp luật, người bảo vệ giúp cho hành trình chinh phục biển khơi.
Kiên Long (daidoanket.vn)

Phân loại tin: