thảo về Thiết lập lãi suất bền vững và Quản lý rủi ro đối với các Tổ chức Tài chính vi mô (16/5/2013) – Các thông điệp chính về lãi suất

Ghi chép này tóm tắt lại các bài trình bày và cuộc thảo luận về lãi suất bền vững trong ngành tài chính vi mô (TCVM), đã diễn ra tại Hà Nội, ngày 16/5/2013, tại hội thảo do Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), Nhóm Công tác Tài chính vi mô (VMWG) và Tổ chức TCVM Tình Thương (TYM) đồng tổ chức. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nhóm Tư vấn Hỗ trợ người nghèo (CGAP) và Nhóm Công tác TCVM đã bày tỏ quan điểm của họ về vấn đề lãi suất TCVM, tiếp sau đó là phần thảo luận giữa các bên liên quan.

Các thông điệp chính từ các bài trình bày và thảo luận:

Tài chính vi mô bền vững có thể hỗ trợ đáng kể cho những người chưa tiếp cận được dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam. Ở Việt Nam, cũng như ở rất nhiều nước khác, phần lớn người trưởng thành chưa tiếp cận được các dịch vụ tài chính (tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm, chuyển tiền) đáng tin cậy mà họ cần để quản lý tài chính, giảm thiểu rủi ro và tăng thu nhập của họ. Thay vào đó, họ sử dụng các dịch vụ tiết kiệm và những người cho vay phi chính thức, có thể tính lãi cao đến 100%/năm như ở Việt Nam. Hơn ba mươi năm kinh nghiệm toàn cầu đã chứng tỏ rằng tài chính vi mô có thể giảm đáng kể khoảng cách của việc bi loại trừ khỏi các dịch vụ tài chính. Ở Việt Nam, ngành tài chính vi mô còn nhỏ nhưng đã phục vụ được hàng trăm nghìn người nghèo.

Các đại biểu tham gia hội thảo nhất trí rằng các tổ chức tài chính vi mô (TC TCVM) cần vận hành một cách bền vững để tự trang trải chi phí và mở rộng dịch vụ tới thêm nhiều người nghèo hơn. Điều này phù hợp với tinh thần của Quyết định số 2195 / QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nêu: “Việt Nam cần xây dựng một hệ thống tài chính vi mô an toàn và bền vững”. Vì lãi cho vay là nguồn thu nhâp chính của các TC TCVM, nó phải bù đắp được mọi chi phí vận hành (ví dụ lương nhân viên, đi lại), chi phí vốn (ví dụ chi phí vay vốn), chi phí mất vốn (đối với các khoản nợ xấu), và một khoản lợi nhuận để duy trì và mở rộng hoạt động. Tính bền vững cũng vô cùng quan trọng đối với khách hàng tài chính vi mô. Người nghèo và các doanh nghiệp vi mô cần được tiếp cận lâu dài với nhiều dịch vụ tài chính (ví dụ tiết kiệm, chuyển tiền, tín dụng), chứ không chỉ tín dụng, vốn chỉ là một trong số các dịch vụ tài chính. Khi các TC TCVM đạt được bền vững về mặt tài chính, chúng có thể cung cấp một danh mục sản phẩm rộng hơn và phục vụ khách hàng lâu dài.

Lãi suất tài chính vi mô ở Việt Nam cao hơn lãi suất ngân hàng, nhưng thấp hơn so với toàn bộ phần còn lại của thế giới. Ở Việt Nam cũng như trên toàn cầu, lãi suất tài chính vi mô cao hơn lãi suất của các ngân hàng. Lý do là vì việc cung cấp một số lượng lớn các khoản vay nhỏ tận nhà khách hàng tốn kém hơn nhiều so với việc cho vay vài khoản vay lớn ngay tại chi nhánh ngân hàng. Khi vay tiền, khách hàng tốn nhiều khoản chi phí khác nhau trong đó có chi phí tài chính (lãi suất), chi phí giao dịch (ví dụ chi phí đi lại), và chi phí cơ hội (ví dụ thời gian bỏ ra). Như VMWG đã nhấn mạnh, với việc các TC TCVM cung cấp dịch vụ ngay tại cửa, người nghèo tốn ít chi phí giao dich và chi phí cơ hội hơn so với đến ngân hàng thương mại. Vì phần lớn các chi phí này đã được chuyển từ khách hàng sang cho các TC TCVM, chi phí vận hành của các TC TCVM cao hơn nhiều so với chi phí của các ngân hàng không phục vụ người nghèo. Thế nên, để bù được các chi phí đó, lãi suất của các TC TCVM cao hơn lãi suất của các ngân hàng thương mại.

Theo CGAP, so sánh với các chuẩn mức quốc tế, lãi suất tín dụng vi mô ở Việt Nam thấp hơn lãi suất bình quân của thế giới, và đã giảm trong vài năm gần đây. Ước tính lãi suất cho vay vi mô bình quân trên thế giới vào khoảng 27%/năm, trong khi ở Việt Nam là gần 22%.

Mức trần lãi suất cho vay ngắn hạn của Ngân hàng Nhà nước có thể gây tổn hại lâu dài cho ngành tài chính vi mô.

Theo Vụ Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, Thông tư số10/2013/TT-NHNN ngày 10/52013 quy định mức trần lãi suất cho vay đối với các tổ chức tài chính vi mô và các Quỹ Tín dụng nhân dân là 11%/năm như là một phần của các công cụ chính sách tiền tệ. Mức trần này là tạm thời, và trong tương lai các ngân hàng có thể tự thỏa thuận lãi suất với khách hàng. Trần lãi suất cũng chỉ giới hạn cho các khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng), và cho một số ngành cụ thể. Ngoài ra, quy định này chỉ áp dụng đối với các khách hàng mà các TC TCVM coi là “có điều kiện tài chính vững mạnh”. Trong khi rõ ràng là các TC TCVM có nhiều cách để né quy định, các bài trình bày của CGAP và MFWG, cũng như ý kiến bình luận của thành viên tham gia hội thảo, đã nhấn mạnh một số hậu quả tiêu cực của trần lãi suất hiện nay đối với các TC TCVM và khách hàng của họ:

  1. Vì phục vụ các khách hàng nghèo và ở vùng sâu vùng xa thì sđắt hơn, trần lãi suất có thể khiến các TC TCVM buộc phải phục vụ it khách hàng nghèo hơn và ở các vùng ít xa hơn. Người nghèo, vì vậy, sẽ phải quay lại với người cho vay lãi. Điều này đã xảy ra ở các nước khác đã quy định trần lãi suất.
  2. Một số TC TCVM có thể không bù đắp nổi chi phí với mức trần lãi suất hiện tại, và một số, bao gồm cả những tổ chức đầu ngành, có thể phải đóng cửa, có nghĩa là sẽ có ít người nghèo được tiếp cận dịch vụ tài chính. Trên thực tế, các khoản vay ngắn hạn cho doanh nghiệp vi mô chiếm một phần lớn trong danh mục cho vay của các TC TCVM và từ đó trở thành nguồn thu nhập đáng kể của các tổ chức.
  3. Trần lãi suất có thể đẩy các TC TCVM đến chỗ không minh bạch về giá, mặc dù mọi tác nhân tham gia trong ngành đều tin rằng có lãi suất minh bạch là điều quan trọng sống còn. Ở một số nước, trần lãi suất đã khuyến khích các TC TCVM trở nên kém minh bạch, vì họ không thể hạ mức lãi của họ xuống bằng mức trần được.
  4. Trần lãi suất cũng sẽ làm nản lòng các ngân hàng thương mại muốn “đi xuống thị trường bên dưới” và phục vụ khách hàng nghèo trong tương lai. Mặc dù ở Việt Nam các ngân hàng thương mại có vai trò đáng kể trong việc cải thiện tiếp cận tài chính cho người nghèo, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ sẽ không thể làm được như vậy với mức lãi suất thấp đến thế.

Kết luận:

Một số đại biểu tham gia hội thảo khuyến nghị NHNN cho các tổ chức tài chính vi mô được miễn áp dụng trần lãi suất.Từ các trao đổi trong hội thảo đã được tóm tắt trên đây, và do các tác động tiêu cực tiềm tàng của trần lãi suất, theo một số đại biểu tham dự hội thảo, trong đó có các đại biểu từ các cơ quan Chính phủ, CGAP, VMWG và một số TC TCVM, nên rà soát lại quy định hiện hành về lãi suất đối với tài chính vi mô sao cho thuận lợi hơn, do chi phí của các TC TCVM cao hơn (so với ngân hàng thương mại). Một số diễn giả đồng tình rằng cần miễn áp dụng lãi trần đối với các tổ chức cung cấp tài chính vi mô.

Hầu hết đại biểu đồng ý rằng tài chính vi mô cũng cần minh bạch hơn. Một số đại biểu nêu vấn đề có sự không rõ ràng về phương pháp tính và công bố lãi suất trong ngành tài chính vi mô theo quy định (Quyết định số 652/2001/QĐ-NHNN ngày 17/5/2001 của Thống đốc NHNN). Hệ quả là nhiều khách hàng không biết họ đang trả mức lãi nào. Các đại biểu này đề nghị các TC TCVM và tất cả các tổ chức cho vay khác áp dụng các phương pháp minh bạch và có tính giáo dục để thông báo cho khách hàng biết về các điều khoản cho vay và các mức lãi suất họ phải chịu. Việc tuyên truyền càng quan trọng hơn khi cho vay tới những người thu nhập thấp, có thể thiếu năng lực để hiểu các điều khoản đó đã được thiết lập như thế nào và các mức lãi suất được tính toán ra sao. Vì thế, thông tin phải được cung cấp theo cách để họ có thể dễ dàng hiểu và đối chiếu.

Phân loại tin: