Tác động của Biến đổi khí hậu ở làng chài Cửa Vạn, Hùng Thắng, Hạ Long

13/06/2011
Bão, tố lốc và thời tiết dị thường

Làng chài Cửa Vạn nằm trong vùng lõi danh thắng vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tuy là một vịnh kín nhưng Hạ Long vẫn thường chịu ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, tố lốc, tập trung nhiều vào thời kỳ từ tháng 7 đến tháng 9, ngoài ra còn chịu tác động của nước biển dâng, acid hóa nước biển và thay đổi nhiệt độ các dòng hải lưu, có thể thay đổi cả các dòng chảy. Hàng năm, khu vực này chịu ảnh hưởng trực tiếp từ 1 – 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Gió trong bão thường đạt cấp 9 – 10 (75 – 102 km/giờ) giật cấp 11 – 12 (103 – 118 km/giờ), có khi cao hơn.

 
        
Làng chài bị bão quật tan tác

Có thể nói, tại Vịnh Hạ Long hầu như năm nào cũng có bão và áp thấp nhiệt đới hoặc tố lốc làm chết người, đắm tàu thuyền, phá hủy các lồng bè nuôi thủy sản, ảnh hưởng rất lớn đến dân sinh làng vạn chài với nghề chính là nghề cá, một nghề vốn được xem là phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, một lĩnh vực chịu nhiều rủi ro, dễ bị tổn thương bởi thiên tai. Mặc dù hiện nay chưa có nghiên cứu cụ thể nào về việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu lên nghề thủy sản ở vùng dự kiến thực hiện dự án – làng cá nổi của vịnh Hạ Long nhưng qua tham vấn cộng đồng cho thấy, do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp và nguy hiểm, tần suất ngày một tăng, tính ác liệt ngày một lớn trên tất cả các loại hình: bão, áp thấp nhiệt đới, tố lốc, triều cường, … gây thiệt hại lớn về người cũng như tài sản của ngư dân trên vịnh. Trong những năm gần đây, hầu như năm nào cũng có xảy ra thiên tai. Năm 1999, lốc xoáy xảy ra lúc 22h ngày 06/6 làm một tàu du lịch, 5 tàu đánh cá, 1 thuyền chài bị đắm; 8 người chết. Năm 2004: 17h50 ngày 26/8 lốc ở khu vực bắc Cửa Lục làm lật thuyền, 16 người dân xã Thống Nhất – Hoành Bồ thiệt mạng. Năm 2006: Do ảnh hưởng của bão với cường độ mạnh và các hiện tượng thời tiết bất thường khác đã gây thiệt hại đến nuôi trồng và khai thác thủy sản, đặc biệt là ngư dân khai thác thủy sản xa bờ và hoạt động nuôi trồng thủy sản lồng bè. 17 người chết, gãy 2 cần cẩu cảng Cái Lân (ngày 21/11/2006). Năm 2008: Mùa đông, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài liên tục vào mức kỷ lục (38 ngày) đã gây thiệt hại lớn đối với ngư dân nuôi thủy sản lồng bè trên Vịnh. Gần 80 % số hộ nuôi thủy sản lồng bè đã mất trắng, thiệt hại ước tính hơn 50 tỷ đồng. Cho đến nay nhiều ngư dân vẫn chưa khôi phục lại được sản xuất do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, cũng như khả năng thích ứng với BĐKH còn hạn chế. Mùa hè, tại xã Thống Nhất, lốc xoáy làm đổ 16 vì kèo của nhà máy Xi măng Hạ Long và ngày 3/8, lốc xoáy làm đổ 3 máy rót than của cảng Cửa Ông. Năm 2009: có 03 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến các làng chài trên vịnh Hạ Long. Bão làm lật thuyền vào 14h30 ngày 7/7 tại khu vực Vân Đồn – Tiên Yên, làm 3 người chết và vào 19h ngày 24/9 tại hòn Hoa Cương, 5 người chết. Năm 2010, cơn bão số 01 (bão Conson) đã gây tốc mái và nhiều nhà bè phải di chuyển đến nơi an toàn. Thiệt hại do bão Conson gây ra không nhỏ cho làng chài Cửa Vạn: 27 tầu thuyền bị đắm, 20 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị phá hủy hoàn toàn; ước tính thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.
                

 
            Nỗi đau khi có người thân là nạn nhân của cơn bão

Theo các kế quả phân tích của chuyên gia, do ảnh hưởng của BĐKH, thiên tai bão, áp thấp nhiệt đới, tố lốc, mưa lớn, những đợt nắng nóng kéo dài… đều có khả năng gia tăng với mức độ khắc nghiệt hơn, ảnh hưởng lớn tới cư dân các làng vạn chài ở Vịnh Hạ Long trong tương lai.

Là những cộng đồng dân sống thủy cư, các sinh kế của người dân ở nơi đây phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn lợi biển. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà các tác động của biến đổi khí hậu đang ngày càng rõ ràng, nguồn lợi thủy sản ven bờ cũng ngày càng cạn kiệt thì cộng đồng ngư dân sống thủy cư là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Các tác động mà người dân đang phải chịu ảnh hưởng là:

Sự biến đổi khí hậu: Những năm gần đây, những biểu hiện của BĐKH ngày càng rõ rệt ở Việt Nam nói chung và Hạ Long nói riêng bao gồm, thời tiết diễn biến thất thường gây bất lợi cho các hoạt động thủy sản gồm cả các hiện tượng thời tiết cực đoan; tố lốc, bão lụt xuất hiện với tần xuất ngày càng nhiều hơn. Biến đổi khí hậu, nếu kết hợp với nguồn lợi suy giảm, ô nhiễm môi trường và ít lựa chọn sinh kế có thể khiến mức độ ảnh hưởng đối với cộng đồng ngư dân theo hướng xấu hơn và khó thích ứng hơn.

Về vấn đề thời tiết diễn biến bất thường, theo 80% ý kiến phỏng vấn ngư dân và chính quyền ở 3 làng chài trên vịnh, trong những năm gần đây tời tiết diễn biến thất thường, gây khó khăn rất nhiều cho các hoạt động thủy sản. Đặc biệt từ những năm 1995 trở lại đây, nhiều đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên và kéo dài làm tỷ lệ cá chết rất cao, có năm cá lồng nuôi chết đến 60%, đặc biệt là những thời điểm giao nhau giữa 2 con nước: cường và kém.

Ngoài ra, khu vực vịnh Hạ Long chịu ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, tố lốc, tập trung nhiều vào thời kỳ từ tháng 7 đến tháng 9. Theo số liệu của TT Khí tượng Thủy văn Bắc bộ và Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bảo tỉnh Quảng Ninh, tình hình bão, tố lốc ở Quảng Ninh nói chung, Hạ Long nói riêng càng ngày càng phức tạp, khả năng dự báo khó hơn do sự thay đổi liên tục hướng bão; tần xuất bão ngày càng nhiều hơn, và mức độ tàn phá cũng nặng nề và khó đối phó hơn. Tuy nhiên, trung bình hàng năm khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ 1 – 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Gió trong bão thường đạt cấp 9 – 10 (75 – 102 km/giờ) giật cấp 11 – 12 (103 – 118 km/giờ). Có thể nói, tại Vịnh Hạ Long hầu như năm nào cũng có bão và áp thấp nhiệt đới hoặc tố lốc làm chết người, đắm tàu thuyền, phá hủy các lồng bè nuôi thủy sản, ảnh hưởng rất lớn đến dân sinh làng vạn chài với nghề chính là nghề cá.

Bên cạnh những tác động trực tiếp đối với ngư dân và cộng đồng địa phương, BĐKH còn gây ra hiện tượng tẩy trắng/vôi hóa san hô trong vịnh, nước biển dâng làm ngập rừng ngập mặn, gián tiếp làm giảm đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản do các hệ sinh thái này là cái nôi của ngành thủy sản.

Suy giảm nguồn lợi: Do sự suy giảm nguồn lợi thuỷ sản vùng ven bờ, lượng cá tự nhiên để làm thức ăn cho nuôi cá lồng bè đã suy giảm rất nghiêm trọng (người dân địa phương hay gọi là cá mồi), giá cả các loại cá “mồi” ngày càng lên cao, giá cá giống (chủ yếu từ khai thác tự nhiên) cũng ngày càng cao và khan hiếm nên chi phí cho hoạt động nuôi tăng đáng kể. Ngoài ra, mặc dù giá cao nhưng cũng rất khó kiếm được đủ cá mồi để cho cá ăn. Suy giảm nguồn lợi thủy sản dự kiến sẽ còn nặng nề hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, áp lực dân số tăng và nhận thức, vai trò của cộng đồng không được cải thiện.

Môi trường vùng nuôi bị xuống cấp: Vấn đề môi trường: mặc dù tại khu vực 3 làng chài này đã có đội thu gom rác thải của Ban Quản lý vịnh Hạ Long hoạt động thu gom rác cho làng chài với tần xuất 2 ngày/lần. Nhưng thực tế cho thấy chỉ có khu vực Vông Viêng – Cặp Dè là hoạt động thu gom rác tương đối quy củ và sạch, còn lại 2 khu Cửa Vạn và Ba Hang rác thải trên mặt nước vẫn còn nhiều, ý thức người dân vẫn chưa cao, và môi trường thể hiện sự ô nhiễm có thể nhìn thấy. Một trong những hậu quả của việc môi trường nuôi bị xuống cấp là hiện tượng dịch bệnh của các loài nuôi gia tăng làm ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ sống, giảm giá trị kinh tế của nghề nuôi. Chất thải hữu cơ từ con người cũng góp phần làm ô nhiễm môi trường nước (do toàn bộ các thành viên của các gia đình đều sống trên nhà bè). Đây cũng là nguyên nhân làm cá nuôi chậm lớn và tỷ lệ chết cao. Đồng thời do đặc thù là các làng cá nổi này thường được bao bọc giữa các núi đá nên sự lưu thông của nước kém, dẫn đến các chất thải không được pha loãng nên ứ đọng trong trầm tích đáy và gây ra nhiều loại bệnh cho đối tượng nuôi… Ngoài ra, các hoạt động phát triển trên đất liền như sự mở rộng đảo Tuần Châu, các dự án phát triển đô thị cũng làm cho nước vịnh Hạ Long suy giảm chất lượng và không ngoại trừ môi trường nước tại các làng cá nổi. Biến đổi khí hậu có thể làm cho môi trường xấu hơn, và do vậy, những ảnh hưởng của nó sẽ trầm trọng hơn đối với cộng đồng ngư dân vạn chài nếu như họ không có phương cách ứng phó hữu hiệu, trước mắt là hạn chế ô nhiễm môi trường từ những hoạt động sinh hoạt và sản xuất tại chỗ.

Như vậy, trên thực tế BĐKH ở khu vực các làng cá nổi đã biểu hiện và rất đáng quan tâm. Ngoài ra, nhiệt độ cao cũng như trong những đợt giao nhau giữa 2 con nước làm cá chết nhiều, đã xảy ra nhiều năm trở lại đây (ngư dân dùng máy đo Oxy đã phát hiện, vào những thời điểm đó hàm lượng Oxy trong nước bằng 0, trong khoảng 15-30 phút). Kết quả phân tích của Trạm quan trắc môi trường ở Cát Bà mỗi khi có đợt cá chết cho thấy, hầu hết ở các làng chài có hiện tượng ô nhiễm nền đáy (bún đáy) do chất thải từ sinh hoạt và nuôi cá được tích lũy trong thời gian dài, trong khi nhiệt độ tăng cao và việc lưu thông nước ở các khu vực kín gió rất hạn chế.

Các giải pháp thích ứng dựa vào cộng đồng

Theo kết quả phỏng vấn ngư dân và chính quyền địa phương tại các làng chài, BĐKH ở Hạ Long nói chung và ở Cửa Vạn nói riêng, ở làng chài Cửa Vạn, để thích ứng với BĐKH cần thực hiện những giải pháp sau đây:

Đa dạng hóa các nguồn thu nhập, các lựa chọn sinh kế như nuôi các loài thủy sản thân thiện môi trường, chuyển đổi nghề xâm hại sang các nghề có chọn lọc, thân thiện môi trường
Phát triển các dịch vụ phục vụ khách du lịch như homestay, câu cá giải trí, bán đồ lưu niệm cho khách, chở khách du lịch đi thuyền, cho thuê v.v..
Tác động và đóng góp, thực thi các qui hoạch phân vùng nuôi, khai thác và bảo tồn trên vịnh
Tham gia vào các dự án, đề tài liên quan và các chiến dịch nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, chống BĐKH v.v..
Nhóm chuyên gia tư vấn và Ban điều hành dự án “ VN/MAP-CBA/2010/05”

 

Phân loại tin: