Seminar với T.S willam Daniel - Đại học Auburn về nghề nuôi cá da trơn ở Mỹ-Hiện trạng và thách thức

Nhận lời mời của Ông Nguyễn Văn Hảo – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2, ngày 5 tháng 12 năm 2012, TS. William Daniel, chuyên gia về nuôi trồng thủy sản của Trường đại học Auburn, Hoa Kỳ đã đến thăm và trình bày báo cáo về hiện trạng và thách thức của nghề nuôi cá da trơn của Mỹ hiện nay với cán bộ Viện.

Sản xuất cá da trơn được xem là công nghệ truyền thống của Mỹ. Ở Mỹ, cá da trơn thường được nuôi trong ao, những ao nuôi lớn diện tích có thể từ 4-10 ha. Ngày nay, cá da trơn được nuôi theo kiểu thu hoạch nhiều lần bằng cách đánh bắt cá lớn và thả cá giống nhiều lần. Sản lượng nuôi dao động từ 6-12 tấn/ha. Trong quá trình nuôi, cá được cho ăn bằng công nghệ cho cá ăn tự động. Khi thu hoạch, cá được vận chuyển sống đến nhà máy đển chế biến.

Công nghệ nuôi cá da trơn ở Mỹ được phát triển nhanh chóng từ những năm 1975 cho đến năm 2003. Từ khi Mỹ nhập khẩu cá Tra, công nghệ nuôi cá da trơn của Mỹ bị cạnh tranh khốc liệt, lợi nhuận giảm làm cho một số trang trại nuôi không còn nuôi cá da trơn nữa. Năm 2012, số trang trại nuôi cá da trơn ở Mỹ giảm đi 348, tương ứng với diện tích nuôi giảm đi 31.900 ha, tập trung chủ yếu vào 3 bang sản xuất cá nheo lớn nhất của Mỹ là Mississippi, Alabama, Louisiana. Những thách thức chính về công nghệ nuôi cá da trơn của Mỹ hiện nay là: Chi phí đầu vào cho sản xuất cá tăng (nhiên liệu, thức ăn, …); Nền kinh tế toàn cầu suy sụp làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ cá; Sự mâu thuẩn lẫn nhau về sản phẩm trên thị trường (không mùi và không màu): thịt cá màu đỏ và thịt cá màu vàng; Sự cạnh tranh với những sản phẩm cá nhập khẩu khác như cá Tra.

Sự cạnh tranh về công nghệ nuôi cá da trơn ở Mỹ. tính đến tháng 5 năm 2012, Mỹ nhập khẩu đến 9.095 tấn cá da trơn các loại (nhiều hơn 23% tính từ tháng 5 năm 2011), so với 10.814 tấn cá da trơn được chế biến từ các nhà máy chế biến thủy sản của Mỹ (nhưng chỉ bán được 5.656 tấn). Về điều kiện địa lý và môi trường, so với Việt nam thì Việt Nam có điều kiện thiên nhiên ưu đãi hơn, mạng lưới sông ngòi dày đặt. Đặc biệt là có sông Mekong. Dân số Việt nam lại đông, nguồn lao động dồi dào phục vụ cho ngành công nghiệp nuôi cá Tra. Về đặc điểm sinh học của cá tra là cá tương đối dễ nuôi, cá có cơ quan hô hấp phụ, có thể chịu ngưỡng oxy hòa tan thấp nên có thể nuôi ở mật độ cao, và sản lượng có thể đạt đến 500 tấn/ha. Cá tra có thể nuôi bằng nhiều hình thức khác nhau như ao, lồng, bè, .. Sản lượng cá tra nuôi của Việt Nam không ngừng tăng qua các năm.

Trong khi đó, vào tháng 6/2012, giá cá da trơn ở Mỹ được trả cho người nuôi chỉ là 0,423 USD/kg, giá cá đã giảm 0,047 USD từ những tháng trước. Những năm trước, giá cá thậm chí giảm xuống chỉ còn 0,134 USD/kg.

Hiện trạng về công nghệ nuôi cá da trơn của Mỹ: trong năm 2011, giá cá tăng bởi vì lượng cung cá ít và người nuôi cá có lợi. Tuy nhiên, giá cá thị trường cao dẫn đến: Mất thị phần; Dẫn đến sự dư từa và tồn kho cá và Dẫn đến việc giảm giá thu mua cá của người nuôi trong năm 2012.

Các giải pháp cho nghề nuôi cá da trơn của Mỹ: quan điểm của người nuôi cá ở Mỹ cho rằng: chi phí đầu tư cho nuôi cá cao hơn nhưng giá cá trên thị trường giảm làm cho người nuôi cá sẽ không nuôi cá nữa mà chuyển sang đầu tư cho những đối tương khác như đậu nành, bắp, ... Những giải pháp ngắn hạn nhằm tăng năng suất và sản lượng cá của họ là: tăng sục khí trong ao nuôi để tăng sản lượng cá hoặc nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn thông qua việc cải thiện thức ăn cũng như cải thiện cách thức cho cá ăn. Những giải pháp trung gian bao gồm: phát triển những công nghệ sản xuất mới như những hệ thống nuôi raceway khác nhau nhằm kiểm soát chất lượng nước, quản lý sức khỏe cá nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn, gia tăng hiệu quả của chuỗi thị trường và đặc biệt tập trung vào vấn đề chất lượng thịt cá như màu sắc thịt đỏ hay thịt vàng. Về giải pháp lâu dài, họ tập trung vào phát triển và chấp nhận công nghệ thực hành quản lý tốt nhất (Best Management Practises) và tuân thủ những thủ tục chuẩn để: Đưa ra những sản phẩm chất lượng có tính ổn định cao; Cải thiện năng suất trong chế biến và sản xuất để giảm chi phí sản xuất và; Tăng yêu cầu đối với người nuôi cá da trơn ở Mỹ.

Tại hội thảo, nhiều câu hỏi đã được cán bộ của Viện chia sẽ và trao đổi với TS William Daniel, đặc biệt các trao đổi về phương pháp, công nghệ và kết quả nghiên cứu bước đầu mà Viện đang triển khai về công nghệ vaccine cho cá, công nghệ di truyền và chọn giống cá da trơn, công nghệ ương nuôi cá, các giải pháp về thức ăn cho cá da trơn.

Hoàng Thị Thủy Tiên

 

 

Phân loại tin: