"Rộng đường" nhờ ASC?

Sản phẩm cá tra có chứng nhận ASC đang có nhiều thuận lợi hơn so với cá tra chưa có chứng nhận này, bởi hiện nay các nhà nhập khẩu và bán lẻ lớn ở nhiều nước (Đức, Italia, Hà Lan…) đã hình thành một khuynh hướng rõ ràng trong việc ưu tiên nhập khẩu cá tra đạt chứng nhận ASC.

Nỗ lực đạt ASC

Bất chấp những ngày tháng ảm đạm, sóng gió trên thị trường cả trong và ngoài nước, nhiều doanh nghiệp cá tra ở ĐBSCL vẫn nỗ lực đạt mục tiêu nuôi theo định hướng thị trường, hướng tới phát triển bền vững chuỗi giá trị ngành hàng cá tra Việt Nam.

Minh chứng cho điều này là việc đến nay đã có 21 vùng nuôi cá tra của 19 doanh nghiệp Việt Nam đạt chứng nhận ASC, trong đó những doanh nghiệp như: Công ty CP XNK Thủy sản An Giang (Agifish); Công ty CP Thủy sản Gò Đàng (Godaco); Công ty CP Hùng Vương (Hung Vuong Corp) và Công ty CP Vĩnh Hoàn (Vinh Hoan Corp) đã có hai vùng nuôi đạt chứng nhận này.

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hùng Vương cho biết: “Tuân thủ theo tiêu chuẩn ASC không những tốt cho môi trường mà còn có lợi cho doanh nghiệp, bởi ASC mở ra cánh cửa dẫn đến những thị trường mới tại châu Âu và Mỹ. Với những sản phẩm được dán nhãn ASC, chúng tôi có thể mở rộng hoạt động kinh doanh, đồng thời đảm bảo với khách hàng rằng họ đang mua một sản phẩm được sản xuất có trách nhiệm”.

Cơ hội tiến sâu

Báo cáo nghiên cứu thị trường cá tra đạt chứng nhận ASC tại thị trường EU của Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) cho hay, thị trường Italia rất nhạy bén với các vấn đề liên quan đến môi trường, vì vậy trong dài hạn vấn đề môi trường dự kiến sẽ được quan tâm nhiều hơn. Đây cũng là cơ hội cho chứng nhận bền vững cũng như một cách tiếp cận nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho các sản phẩm thủy sản. Điều này không chỉ có lợi cho sản phẩm cá tra mà còn là điều kiện để thay đổi nhận thức tiêu cực về sản phẩm. Ở Italia, chuỗi hệ thống cung cấp thực phẩm cho biết, họ sẵn sàng trả thêm tiền cho cá tra đạt chứng nhận ASC nếu giá tăng thêm dưới 10% so với cá tra không có chứng nhận.

ASC đã tạo ra một lực đẩy mạnh cho hình ảnh cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

ASC là cơ chế chứng nhận B2C (từ sản xuất đến người tiêu dùng) và tập trung rất cụ thể đến các trách nhiệm về môi trường và xã hội. Theo đó, Đức là một trong những nước đầu tiên ủng hộ cá tra dán nhãn ASC.

Theo VASEP, người tiêu dùng Đức rất quan tâm đến chất lượng cũng như giá sản phẩm. Những sản phẩm được ưa chuộng thường phải có uy tín và được chứng nhận đảm bảo an toàn. Chính phủ nước này cũng khuyến khích người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm bền vững. Hầu hết các nhà bán lẻ đều áp dụng các chương trình bền vững phù hợp với chính sách thu mua thủy sản của mình để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Đó chính là lý do tại sao khi cá tra dán nhãn ASC được giới thiệu tại châu Âu thì Đức là một trong những quốc gia đầu tiên ủng hộ.

Tuy nhiên, theo nhà phân phối Lenk Seafood, hiện chưa có nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm được chứng nhận mới này nên cần phải có nhiều thời gian hơn. Chính vì vậy, cá tra đạt các chứng nhận bền vững, trong đó có ASC là điều kiện thuận lợi để tiến sâu hơn vào thị trường Đức nói riêng, châu Âu nói chung.

Mới đây, cá tra fillet đông lạnh dán nhãn ASC cũng đã được Tập đoàn Seacore Seafood Inc (một trong những tập đoàn chế biến, phân phối và nhập khẩu thủy sản lớn nhất tại Canada) đưa vào kinh doanh trong mạng lưới bán lẻ tại Canada, mở ra cơ hội phát triển cho cá tra sản xuất bền vững cũng như chứng nhận ASC tại thị trường Bắc Mỹ.

Lợi ích dài lâu

Theo Tổng cục Thủy sản, trong vòng 12 năm qua, ngành cá tra Việt Nam đã có sự tăng trưởng thần tốc với sản lượng tăng gấp 50 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 65 lần. Cá tra Việt Nam đã có mặt trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và chiếm hơn 90% sản lượng cá tra toàn cầu. Với gần 6.000 ha mặt nước nuôi cá tra cùng với hệ thống nhà máy chế biến trang bị hiện đại phân bố khắp các tỉnh ĐBSCL đã tạo ra việc làm cho hàng trăm ngàn lao động.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, chính sự phát triển “thần kỳ” này đã khiến ngành cá tra Việt Nam bộc lộ nhiều điểm yếu như: công tác quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, quản lý chất lượng, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu… chưa theo kịp sự phát triển quá nhanh trong thời gian qua. Hậu quả là hình ảnh cá tra trên thị trường quốc tế bị bóp méo, bị bôi nhọ nặng nề, giá bán bị hạ thấp và thị trường đang có phần bị co hẹp…

Chính vì thế, trong thời điểm hiện tại, có thể nói, việc áp dụng tiêu chuẩn ASC là biện pháp hiệu quả để đưa nghề nuôi cá tra đi theo hướng sản xuất bền vững bởi tiêu chuẩn ASC dựa trên 7 nguyên tắc, trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm của trại nuôi cá đối với môi trường và xã hội. Đó là các nguyên tắc về: Tuân thủ pháp lý; thiết kế xây dựng, quản lý trang trại tránh tác động tiêu cực đến môi trường và người sử dụng khác; giảm tác động tiêu cực đến đất và nước; giảm thiểu tác động lên tính nguyên vẹn về di truyền của quần thể cá tra nội địa. Đồng thời, ASC cũng đặt ra yêu cầu về việc sử dụng và quản lý thức ăn cho cá; kiểm soát sức khỏe, thuốc thú y và hóa chất nhằm giảm thiểu tác động lên hệ sinh thái và sức khỏe con người trong khi vẫn tối đa sức khỏe, an sinh cá, an toàn vệ sinh thực phẩm và cuối cùng là vấn đề giải quyết xung đột giữa những người sử dụng – trách nhiệm xã hội.

Ông Ngô Tiến Chương, Điều phối viên Chương trình nuôi trồng thủy sản của WWF-Việt Nam chia sẻ: “Mặc dù chứng nhận ASC chưa đạt được mục tiêu là tăng giá bán, nhưng ASC đã tạo ra một lực đẩy mạnh cho hình ảnh cá tra Việt Nam và cải thiện thị phần trên thị trường quốc tế”.

“Hơn thế nữa, ASC là cơ chế chứng nhận B2C, vì vậy, nó tập trung nhiều đến nhu cầu của người tiêu dùng thông qua việc tuân thủ chặt chẽ trách nhiệm về môi trường và xã hội. ASC cũng thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp, người nuôi đối với môi trường và đảm bảo lợi ích xã hội, hướng đến một ngành sản xuất xanh và bền vững”, ông Chương cho biết thêm.

>> Ông Chris Ninnes, Giám đốc Điều hành của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC) nhận định, ASC là cơ hội để cá tra Việt Nam cải thiện hình ảnh, quảng bá sản phẩm. Chứng nhận ASC là công cụ hữu hiệu, là điều kiện cần để doanh nghiệp tiếp cận, đột phá và mở rộng được thị trường.

 

Phân loại tin: