RECERD tiên phong thực hiện đánh giá tác động có sự tham gia trong nuôi trồng thủy sản (p-SIA)

07/05/2012
Đánh giá tác động xã hội có sự tham gia p-SIA là một trong những nội dung quan trọng trong bộ Tiêu chuẩn nuôi cá Tra bền vững (PAD) để đạt chứng nhận của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC). Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Phát triển nông thôn (RECERD) tự hào là một trong những tổ chức xã hội dân sự đầu tiên của Việt Nam thực hiện tư vấn xây dựng các báo cáo này.
Sau khi Bộ tiêu chuẩn PAD chính thức đi vào áp dụng, một số doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản của Việt Nam đã tiên phong nghiên cứu, đăng ký để theo đuổi đạt được các điều khoản khắt khe của Tiêu chuẩn này, với mục tiêu đạt Chứng chỉ ASC để chứng minh chất lượng sản phẩm của mình với thế giới. Trong tháng 04 năm 2012, RECERD đã triển khai đánh giá p-SIA cho 04 trại nuôi của Cty Cổ phần Vĩnh Hoàn và Cty Cổ phần DOCIFISH tại tỉnh Đồng Tháp-tỉnh có diện tích và sản lượng cá tra nuôi thuộc nhóm lớn nhất cả nước; đây là một số trong những trại nuôi đầu tiên tại Việt Nam đăng ký nuôi theo chứng nhận ASC.

Thông qua việc bắt buộc doanh nghiệp phải có Báo cáo p-SIA được thực hiện bởi một cơ quan độc lập, PAD/ASC muốn thúc đẩy tiến trình hài hòa xã hội và giảm thiểu các tác động bất lợi của việc nuôi trồng thủy sản đối với cộng đồng xung quanh, từ góc độ xã hội và môi trường. “Thực hiện tư vấn, xây dựng Báo cáo p-SIA cho các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản, chính là góp phần giúp RECERD đạt được các mục tiêu, sứ mệnh hoạt động của mình đó là thúc đẩy, giám sát các hoạt động phát triển kinh tế nhưng phải hài hòa với việc bảo vệ môi trường và công bằng xã hội”: Ông Tưởng Phi Lai-Giám đốc RECERD phát biểu.

P-SIA trong khuôn khổ ASC có một số khác biệt đối với các báo cáo p-SIA của những dự án phát triển khác, vì nó đòi hỏi tuân thủ các quy trình, phương pháp và nguyên tắc của PAD: Ông Vũ Ngọc Long, chuyên gia cố vấn kỹ thuật của RECERD khẳng định.


 


 

Càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đạt Chứng chỉ ASC, điều đó đồng nghĩa với việc ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam đang đi theo hướng bền vững. Khi đó, sẽ thêm chìa khóa để chúng ta mở toang cửa vào các thị trường nhập khẩu thủy sản khó tính nhất như EU và Hoa Kỳ... Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, khi thực hiện theo đuổi ASC, cần có tư duy và suy nghĩ mạnh mẽ, rằng ASC không chỉ là “bùa phép” để chúng ta đối phó với những đòi hỏi khắt khe của thị trường, mà còn là công cụ quyền lực cho các doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam để đàm phán, tăng giá bán sản phẩm và bền vững về lâu dài cho ngành thủy sản Việt Nam chứ không phải đối phó tình huống như cách mà chúng ta đã làm thời gian qua: Ông Huỳnh Quốc Tịnh, Điều phối viên chương trình thủy sản của WWF Việt Nam tại đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ.

Bên cạnh p-SIA, RECERD cũng đang nỗ lực để triển khai các hoạt động tư vấn liên quan đến Đánh giá Tác động Môi trường Đa dạng Sinh học trong khuôn khổ Chứng nhận ASC; và tư vấn, hướng dẫn áp dụng Tiêu chuẩn VietGAP đối với Tôm nước lợ và Cá Tra của Bộ NN và PTNT mới ban hành.

 
Mọi thông tin chi tiết về nội dung bài báo, vui lòng liên lạc: Ông Tưởng Phi Lai, Email: lai.recerd@gmail.com

 

Phân loại tin: