Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết Tổng cục Thủy sản đã triển khai 3 dự án với mục tiêu tiến tới lắp đặt thiết bị thu phát sóng cho 100% tàu khai thác xa bờ của Việt Nam. Nhưng đến nay, mới chỉ có khoảng 15.000 tàu khai thác xa bờ của ngư dân được trang bị thiết bị trực canh thu phát 2 chiều và định vị hành trình của tàu. “So với số lượng hơn 120.000 tàu thuyền khai thác hải sản của Việt
Dự án SEAGETWAY của VNPT sẽ trang bị cho tàu thuyền khai thác của ngư dân thiết bị kết nối mạng di động GSM. Khi ra ngoài vùng phủ sóng GSM (>100km), thiết bị sẽ tự động chuyển qua các kết nối khác như mạng Thông tin duyên hải qua sóng vô tuyến (HF/VHF). Thiết bị này có nhiệm vụ quản lý hải trình của tàu; vẽ bản đồ số, ranh giới hoạt động và nhận, chuyển thông tin về thời tiết, ngư trường, cứu hộ, giá mua bán cá tại đất liền, v.v…
Ông Nghiêm Phú Hoàn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, “VNPT xây dựng dự án SEAGETWAY nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế biển, giúp ngư dân an toàn và thu được nhiều lợi ích hơn nữa trong hoạt động khai thác hải sản xa bờ”. Theo ông, dự án đã thử nghiệm với cả 3 mạng di động lớn nhất hiện nay là VINAPHONE, MOBIPHONE và VIETTEL. Thiết bị nói trên đã liên lạc nhận và gửi thông tin cực kỳ chính xác giữa tàu cá và đất liền.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế và Khoa học Công nghệ, Tổng cục Thủy sản, dự án SEAGETWAY cần phải tính toán kỹ cước phí sử dụng dịch vụ viễn thông đối với ngư dân. Ông Mạnh cho rằng, “Nếu chi phí sử dụng quá cao, ngư dân sẽ không sử dụng thiết bị này”.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám kết luận, “Việc xây dựng hệ thống thông tin quản lý tàu thuyền đánh cá là rất cần thiết, nhưng phải đảm bảo ngư dân sử dụng an toàn, hiện đại và phù hợp với túi tiền”.
Dũng Minh