Phòng trừ sinh học rệp sáp (Planococcus citri Risso) trên cây công nghiệp

Rệp sáp có tên khoa học là Planococcus citri. Các tài liệu nước ngoài gọi tên thông thường của nó là citrus mealybug (rệp sáp cam quýt, tiêu biểu trên cây bưởi). Tuy nhiên, cây ký chủ của nó không chỉ có các cây thuộc họ cam quýt mà còn gây hại chủ yếu trên các cây công nghiệp như cà phê (cà phê chè và cà phê vối, có thể làn chết cây non), ca cao, hồ tiêu, dừa, khóm…và các cây khác như nho, chuối, xoài, gừng, tất cả loài hoa, rau…. Nó được phát hiện trên 70 họ cây trồng khác nhau.
 
 
1. Phân bố và đặc điểm sinh học của rệp sáp
Phân bố
 
Rệp sáp Planococcus citri là một trong những loài rệp phổ biến nhất.  Phân bố rộng khắp nơi trên thế giới, các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Chúng hiện diện gần như khắp các nước trồng cà phê.
 
Tập tính sinh sống và gây hại
 
Rệp sáp gây hại vùng rễ và tất cả các bộ phận của cây chủ yếu là tán lá và trái. Khi rệp sáp tấn công vùng rễ, làm cho lá cây bị hại héo và vàng úa có thể nhầm với triệu chứng bị khô hạn. Rễ đôi khi bị khảm một lớp mô nấm màu trắng xanh (Polyporus sp.) và bị còi cọc. Rệp sáp được phát hiện dưới mô nấm khi nó được bóc đi. Khi bị hại vùng rễ do rệp sáp kết hợp với mô nấm, làm cho cây dễ bị chết. Trường hợp gây hại trên thân bao gồm lá, cành non và dưới gốc trái.
 
Loài rệp sáp Planococcus citri có khả năng di chuyển hoạt động tích cực trong suốt đời sống của chúng. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho rằng mặc dù rệp sáp (Planococcus citri) chưa phải sản sinh nhiều dịch ngọt, song có một số loài kiến sẽ có xu hướng (kích thích) bị dẫn dụ. Trong đó, loài kiến thường có xu hướng bị dẫn dụ nhất là Anoplolepis longipes, một loài kiến có cẳng dài. Thiệt hại do rệp sáp này gây ra có thể làm gia tăng nghiêm trọng khi rệp sáp Planococcus citri được kết hợp với kiến (Điều này có nhiều báo cáo nhận xét chưa rõ ràng). Loài rệp sáp còn là véc tơ tuyền bệnh sưng chồi (Swollen shoot) trên cây ca cao (www.extento.hawaii.edu).
 
Sinh học rệp sáp       
 
Theo nguồn www.extento.hawaii.edu, các nhà chuyên môn nghiên cứu thí nghiệm rệp sáp trên lá cà phê nhận thấy con đực sống khoảng 27 ngày (từ khi nở cho đến khi trưởng thành và chết), còn đối với con cái sống khoảng 115 ngày. Vòng đời (từ trứng cho đến khi đẻ trứng) biến thiên từ 20 đến 44 ngày. Mật số rệp sáp thường cân bằng số lượng con cái và con đực.
 
Trứng
 
Trứng được đẻ thành lớp bao phủ bởi túi trứng bằng sợi sáp. Trứng nở trong 2-10 ngày.
 
Ấu trùng
 
Con rệp sáp đực có 4 giai đoạn ấu trùng gọi là sâu non (instar). Mỗi giai đoạn sâu non được phân biệt bởi sự thay lông. Những báo cáo nghiên cứu rệp sáp trên lá cà phê nhận thấy giai đoạn sâu non tuổi 1 trải qua 7-14 ngày; trung bình 9,9 ngày; tuổi 2, 6-16 ngày, trung bình 8,7 ngày; tuổi 3, 2-3 ngày, trung bình 2,5 ngày; và tuổi 4, 1-6 ngày, trung bình 3 ngày. Khoảng 4 ngày vào sâu non (instar) tuổi hai, một vết đen phát triển trên cơ thể côn trùng. Hai ngày sau, sâu non bắt đầu xe sợi thành một kén quanh cơ thể nó. Kén này được tiếp tục xe làm tăng mật độ sợi cho đến khi rệp sáp trưởng thành có cánh mọc lên sau hai lần thay lông.
Con rệp sáp cái chỉ có 3 giai đoạn ấu trùng, ấu trùng tuổi 1 trải qua từ 7-17 ngày, trung bình 11,5 ngày; tuổi 2, 5-13 ngày, trung bình 8,2 ngày; và tuổi 3, 5-14 ngày, trung bình 8,4 ngày (www.extento.hawaii.edu).
 
Thành trùng
 
Rệp sáp đực sống trong 2-4 ngày sau khi thay lông giai đoạn ấu trùng sau cùng. Con cái sống trung bình 87,6 ngày khi trưởng thành và có thể bắt đầu đẻ trứng 15-26 ngày trong thời gian trưởng thành của nó. Con cái đẻ từ 200-400 trứng, trung bình 300 trứng trong một vòng đời.
 
2. Biện pháp phòng trừ tổng hợp
Phòng trừ sinh học
 
Cần chú ý khai thác phòng trừ sinh học và phi hóa học bảo vệ môi trường. Có nhiều loài ong ký sinh, và nhiều loài bọ ăn thịt là thiên địch tấn công rệp sáp. Một số loài nấm gây bệnh cũng có thể gây hại rệp sáp. Một điều tra nghiên cứu ở Ai Cập báo cáo có 12 loài ong ký sinh trên rệp sáp, 9 loài bọ ăn thịt gồm: Bọ rùa, bướm, ruồi, muỗi…
Các thiên địch phòng trừ sinh học là các ong ký sinh tấn công sâu non (nymph) của rệp sáp gồm: Leptomastidea abnormisLeptomastix dactylopiiChrysoplatycerus splendens, và Anagyrus pseudococci. Loài ăn thịt gồm: Bọ lacewing nâu (Sympherobius barberi); Bọ lacewing xanh (Chrysopa lateralis), bọ rùa, ….
Cách phòng trừ khác là dùng bẩy mồi dính với pheromone giới tính của loài để bắt con đực. Pheromone đã được phân lập, tổng hợp và được thương mại hóa. (www.wikipedia.org/wiki/planococcus_citri).
 
Biện pháp canh tác phi hóa học
 
- Hun khói được khuyến cáo để hạn chế phát triển của rệp sáp        
- Làm hàng rào chắn các cây theo dãy để ngăn chặn lây lan rệp sáp
- Vệ sinh dụng cụ thu hoạch, dụng cụ làm vườn hạn chế sự phát tán
- Một số loài cây kiểng là ký chủ quan trọng của rệp sáp không nên trồng gần vườn. Cần chú ý kiểm tra và xử lý trên các loại cây kiểng để tránh lây lan ra cây vườn (cây công nghiệp, ăn trái…).
- Tưới rửa trôi: Rệp sáp có thể bị rửa trôi với vòi nước mạnh và liên tục. Xử lý bằng vòi nước nhiều lần khi cần cũng là biện pháp tốt trong điều kiện bị nhiễm nhẹ.
- Dùng xà phòng trừ sâu: Xà phòng trừ sâu có bán trên thị trường. Tuy nhiên, chúng ta có thể tự làm bằng cách sử dụng chất xà phòng rửa chén nhưng không dùng xà phòng có tẩm dầu thơm và chất phụ gia có thể ảnh hưởng cây. Trộn xà phòng với ít nước phun lên cây.
- Dùng dầu neem: Dầu neem được chiết xuất từ cây neem (hoặc có thể cây sầu đông) Sử dụng theo sự hướng dẫn trên nhãn sản phảm. Có lợi kết hợp vì dầu neem cũng là chất diệt sâu và nấm (khi cây trồng hấp thu dầu neem nó có thể phòng trừ côn trùng không tiếp xúc trực tiếp). Neem còn an toàn khi sử dụng trên cây rau và cây thực phẩm cũng như cây hoa kiểng khác.
- Có thể sử dụng những đồ gia vị như tỏi, gừng, ớt…để tạo chất phòng trừ rệp sáp theo hướng hữu cơ  một cách an toàn. Dùng 1 củ tỏi, 1 củ hành và 1 muỗng ớt bột trộn và nghiền nhỏ bằng dụng cụ nghiền nhà bếp chế biến thành bột nhão. Rót khoảng 1 lít nước khuấy đều và ngâm khoảng 1 giờ. Sau đó lọc qua vải thưa rồi cộng thêm 1 muỗng xà phòng rửa chén và tiếp tục khuấy đều. Hợp chất này có thể sử dụng và bảo quản khoảng 1 tuần trong ngăn mát tủ lạnh.
 
Phòng trừ hóa học
 
Một số loại thuốc sâu được chấp thuận sử dụng phòng trừ rệp sáp khi thật cần thiết và nên dùng loại không ảnh hưởng thiên địch có ích như bọ cánh cứng (Cryptolaemus montrouzieri) và ong ký sinh (Leptomastix dactylopii)... Song, những loại thuốc sâu mạnh có thể gây nguy hiểm đến vật nuôi và con người. Một số vùng có khả năng còn phóng thích bọ cánh cứng và ong trong vườn phòng trừ sinh học rệp sáp. Kỹ thuật này rất phù hợp với điều kiện trồng trong nhà lưới, nhà kiếng.
Cây bị hại nếu lá còn xanh hoặc vàng có thể cứu chữa bằng cách xử lý kỹ. Cây bị hại lá  màu nâu nên nhổ và thay thế cây khác.
Nếu sự nhiễm không thể phòng trừ bằng thuốc hóa học sau 2 hoặc 3 tuần có thể tiêu hủy cây bị nhiễm nặng tránh lây lan.
Không sử dụng thuốc không có nguồn gốc và không có trong danh sách được cho phép sử dụng.
 
Tài liệu nguồn tham khảo:

- www.wikipedia.org/wiki/planococcus_citri

TS. Nguyễn Công Thành

Phân loại tin: