OFFLINE DIỄN ĐÀN LÚA GẠO VIỆT NAM: DOANH NGHIỆP – NÔNG DÂN – THƯƠNG LÁI CÙNG BẮT TAY THÁO GỠ ĐIỂM NGHẼN TRONG CHUỖI LIÊN KẾT

Làm thế nào để chuỗi liên kết lúa gạo được thực hiện hiệu quả, giải pháp để nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam - là những chủ đề chính của “Diễn đàn lúa gạo Việt Nam lần thứ 2 năm 2019” được các doanh nghiệp (DN) kinh doanh lúa gạo và tổ chức RECERD phối hợp tổ chức tại Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ.

Tham dự ngày hội có sự tham gia của:

  • GS.TS - Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân

  • Ông Nguyễn Trí Thiện: Phó giám đốc sở nông nghiệp Long An

  • Ông Nguyễn Sĩ Lâm: Giám đốc sở NN và PTNT An Giang

  • Ông Hồ Thanh Bình: Trưởng khoa nông nghiệp ĐHAG

  • Ông Nguyễn Minh Toại: Giám đốc sở công thương Cần Thơ

  • Ông Ong Nhất Anh: Trưởng phòng kế hoạch trung tâm khuyến nông tỉnh Kiên Giang,

  • Ông Huỳnh Thanh Sơn: giám đốc TT dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện châu thành, Kiên Giang.

  • TS Đặng Triều Nhân: Viện trưởng viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL

  • TS Vũ Anh Pháp: Viện phó viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL

  • Ban quản lí dự án Graisea 2.0 tại RECERD

Và hơn 100 đại biểu từ hợp tác xã (HTX), thương lái, DN thu mua và xuất khẩu lúa gạo khắp cả nước.

Nhiều giống lúa quý được trưng bày tại diễn Diễn đàn lúa gạo Việt Nam lần thứ 2 năm 2019

Với ngành hàng lúa gạo, năm 2019 thật sự có nhiều khó khăn khi giá trị xuất khẩu liên tục giảm so với cùng kỳ nhiều năm. Giá gạo xuất khẩu liên tục ở mức thấp khiến DN và nông dân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để nâng cao sức cạnh tranh cho hạt gạo Việt cũng như tăng lợi nhuận nhiều hơn cho nông dân, nhiều chuyên gia trong ngành nông nghiệp cho rằng, cần phải củng cố lại chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo. Khi chuỗi liên kết đủ mạnh thì mới có thể giúp ngành hàng lúa gạo nâng cao vị thế trên thương trường.

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân khiến cho chuỗi liên kết lúa bị “gãy” tại nhiều địa phương thời gian qua. Trong đó, sự thiếu thông cảm và chia sẻ giữa DN và nông dân là nguyên nhân chính khiến chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo khó thực hiện. Câu chuyện về “bẻ kèo”, vi phạm hợp đồng liên kết vẫn còn xảy ra ở một số cánh đồng của đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Lê Tấn Đức - Giám đốc HTX Vinacam Hòn Đất

Ông Lê Tấn Đức - Giám đốc HTX Vinacam Hòn Đất, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang chia sẻ: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm hợp đồng giữa DN và nông dân, trong đó phần nhiều đến từ sự chênh lệch về giá cả, tình trạng không thanh toán tiền đúng hợp đồng... Ví dụ, trong vụ lúa vừa rồi do giá lúa xuống thấp, DN bao tiêu lúa gặp khó khăn về tài chính nên chậm chi trả tiền cho nông dân. Thời điểm đó, nhiều nông dân đã rất hoang mang, trong số đó cũng có một số bà con bán lúa cho lái bên ngoài nhưng cũng có nhiều xã viên đồng ý bán lúa cho DN và cùng DN san sẻ khó khăn”.

Ông Lê Thế Sua –GĐ HTX Thuận Phát

Vấn đề giá cả luôn là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng làm chuỗi liên kết bị “gãy”. Ông Nguyễn Phú Quốc - thương lái có gần 20 năm gắn bó với việc kinh doanh lúa gạo ở TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang cho biết: “Từ năm 2017 trở lại đây, giá gạo xuất khẩu liên tục biến động đã ảnh hưởng rất lớn đến giá lúa của thị trường nội địa. Biên độ dao động giá rất lớn giữa thời điểm đầu vụ và chính vụ khiến việc “bẻ kèo” thường xuyên xảy ra”. Ví dụ, trong nhiều vụ mùa gần đây, giá lúa đầu vụ khoảng từ 5 ngàn - 5.200 đồng/kg, nhưng vào chính vụ, các DN xuất khẩu chỉ thu mua còn khoảng 4 ngàn đồng/kg. Trong khi trước đó thương lái đã ký hợp đồng thu mua cho nông dân trên 5 ngàn đồng/kg. Trong trường hợp này, nếu thương lái “cắn răng chịu lỗ” thì chuỗi liên kết vẫn ổn nhưng ngược lại thương lái hạ giá thấp xuống như giá thị trường thì coi như hợp đồng với nông dân sẽ bị phá vỡ. Vì vậy, để chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo được bền vững thì các thành phần trong chuỗi liên kết cần phải bắt tay làm ăn lâu dài với nhau, chỉ có cùng nhau chia sẻ rủi ro, thông cảm cho nhau thì mới làm ăn lâu bền được”.

Đây là một trong nhiều nguyên nhân khiến cho mối quan hệ giữa DN và người dân khó khăng khít. Điểm nghẽn lớn nhất khiến cho chuỗi liên kết lúa thường là nguyên nhân từ lợi nhuận và quyền lợi. Tại diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng, nếu cả DN và nông dân chỉ biết bảo vệ quyền lợi của riêng mình thì chuỗi liên kết sẽ rất khó được gắn kết. Do đó, điều quan trong là hai nhân tố chính trong chuỗi liên kết này phải cùng ngồi lại để chia sẻ và thấu hiểu lẫn nhau. Bởi nếu DN có những khó khăn riêng về thị trường thì người nông dân cũng gặp nhiều rủi ro trong quá trình sản xuất.

Chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện chuỗi liên kết ở ngành hàng lúa gạo của Tập đoàn Lộc Trời, PGS.TS. Dương Văn Chín - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) cho rằng: “Chuỗi liên kết ở ngành hàng lúa gạo dễ bị gãy là bởi giữa người nông dân và DN chưa có sự thấu hiểu và tin tưởng lẫn nhau. Để giải quyết bài toán này, nhiều năm qua, Tập đoàn Lộc trời đã xây dựng chuỗi liên kết theo cách làm của riêng mình. Bên cạnh việc bao tiêu với mức giá hợp lý và người nông dân có lợi nhuận tốt thì Tập đoàn còn có cả đội ngũ kỹ thuật đến tận các cánh đồng của người nông dân để hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Thông qua đội ngũ kỹ thuật này, chúng tôi xây dựng được niềm tin với nông dân. Khi nông dân đã tin tưởng và hiểu được DN thì vấn đề “bẻ kèo” rất ít khi xảy ra”.

PGS. TS Dương Văn Chín- Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành

Nâng chất cho hạt gạo Việt - mục tiêu sống còn

Để tăng khả năng cạnh tranh cho hạt gạo Việt Nam, ngoài việc củng cố lại chuỗi liên kết thì nhiều ý kiến cũng cho rằng đã đến lúc người nông dân, thương lái, DN cần có trách nhiệm hơn với việc nâng cao chất lượng cho hạt gạo. GS.TS. Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng: “Để Việt Nam có những giống gạo ngon nổi tiếng và có thể cạnh tranh được với gạo của Thái Lan, Campuchia hay Myanma thì việc siết chặt khâu quản lý chất lượng đầu vào là rất cần thiết. Ở Thái Lan có giống lúa thơm Lài nổi tiếng cả thế giới, song không phải bất kỳ nông dân Thái Lan nào cũng có thể trồng và cũng không phải DN nào cũng có thể xuất khẩu. DN muốn có nguyên liệu để xuất khẩu thì phải đăng ký với Chính phủ về diện tích và sản lượng, chỉ những DN được Chính phủ cấp phép thì mới có thể trồng và xuất khẩu giống lúa này. Để tăng giá trị cho gạo xuất khẩu, quản lý chất lượng đầu vào và đầu ra cho hạt gạo là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn”.

GS.TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ

Cũng theo GS.TS. Võ Tòng Xuân, tình trạng lưu tồn chất hóa học trong hạt gạo do ảnh hưởng từ đất canh tác cũng là vấn đề cần được quan tâm và cần sớm cải thiện. Để hồi phục lại độ màu mỡ và hệ sinh thái cho đất, nông dân cần sử dụng nhiều chế phẩm vi sinh và phân hữu cơ. Khi đất màu mỡ và khỏe hơn thì cây lúa mới ít bệnh, nông dân sẽ giảm được chi phí cũng như từng bước nâng chất cho hạt gạo.

Một trong những nguyên nhân khiến cho chất lượng gạo Việt Nam xuất khẩu chưa được thị trường thế giới đánh giá cao là do tình trạng trộn nhiều giống lúa trong cùng một lô hàng. Để giải quyết vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng, cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp cho đội ngũ thương lái. PGS.TS. Dương Văn Chín cho biết: “Phần nhiều DN xuất khẩu lúa gạo không có đủ nguồn lực để đến từng mảnh và thu mua lúa của nông dân, công đoạn này thường được phó thác cho đội ngũ thương lái. Tuy nhiên, nếu thương lái không chuyên nghiệp thì sẽ xảy ra tình trạng phối trộn nhiều giống lúa, lô hàng đến nhà máy sẽ không đạt... Vì vậy, để có được đầu ra chất lượng, đáp ứng thị trường khó tính thì đội ngũ thu mua trực tiếp này phải được tập huấn chuyên nghiệp, từng DN nên xây dựng cho mình một đội ngũ thu mua có kiến thức. Khi đầu vào được kiểm duyệt thì chất lượng đầu ra của hạt gạo mới có thể đảm bảo”.

Gần đây, loại gạo ST25 của Việt Nam vừa vinh dự được bình chọn là loại gạo ngon nhất thế giới, điều đó càng minh chứng trình độ sản xuất lúa gạo của Việt Nam không hề thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Tuy nhiên, để gia tăng giá trị nhiều hơn cho hạt gạo Việt thì rất cần có sự chung tay của nhiều phía, từ những người tham gia sản xuất và kinh doanh trực tiếp như: nông dân, thương lái, DN và hơn hết cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng liên quan. Và, để ngành hàng lúa gạo phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới thì rất cần đến cái “bắt tay” của các thành phần trong chuỗi liên kết ở ngành hàng lúa gạo.

Bài viết tham khảo từ: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/doanh-nghiep-nong-dan-thuong-lai-cung-bat-tay-thao-go-diem-nghen-trong-chuoi-lien-ket-88294.aspx?fbclid=IwAR2KLhqDOVn9BOVS2jCznNu6XPO6XYW27pTpYxh3KIUAso-kedRG5TqeIH0

 

Phân loại tin: