Ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm: Các nước ứng phó thế nào?

Tại nhiều nước Đông Nam Á, nghề nuôi tôm đã tạo ra sự chuyển đổi hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho nông dân. Tuy nhiên, sự phát triển "nóng" của nghề này cũng dẫn tới nhiều hệ lụy phải khắc phục.

Môi trường bị hủy hoại

Hiện, hơn 80% sản lượng tôm trên thế giới là từ nguồn tôm nuôi công nghiệp với các giống tôm chính: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm thẻ đỏ đuôi. Các loài tôm này phần lớn được nuôi tại các nước Đông Nam Á, Nam Á, Trung và Nam Mỹ. Theo số liệu thống kê, thế giới hiện có khoảng 380.000 trại nuôi tôm, trên diện tích 1,25 triệu ha.

Xây dựng trang trại nuôi tôm ở Pekalongan, Indonesia - Nguồn: Wikimedia.org

Việc tăng hoạt động nuôi tôm trong hai thập niên gần đây khiến diện tích nuôi tôm toàn cầu được mở rộng, kéo theo sự thay đổi nhanh chóng công nghệ nuôi trồng thủy sản. Những công nghệ kỹ thuật tân tiến xuất hiện khá rõ nét trong hoạt động nuôi con giống, xây dựng công thức cho thức ăn và kỹ thuật cho ăn. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh này khiến nhiều vấn đề về môi trường nảy sinh, như: làm giảm diện tích rừng ngập mặn (RNM), ô nhiễm cục bộ vùng nuôi tôm tập trung, hoặc lây nhiễm nguồn bệnh từ tôm nuôi sang các loài thủy sản tự nhiên trong vùng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhiều nhóm người.

 

Bối rối

Theo Naylor và cộng sự (2000), ở Thái Lan, ước tính mỗi kg tôm sản xuất ra, ngư trường giảm mất 434 kg cá chỉ, do sự chuyển đổi nơi cư trú. Còn ở vùng Chokonia, Bangladesh, ngư dân cho biết, sản lượng đánh bắt giảm 80% từ khi RNM bị phá và đắp đê để khoanh vùng nuôi tôm. Nhiều tổ chức quốc tế như Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Qũy Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF)... phải thường xuyên khuyến cáo về sự suy thoái tài nguyên, môi trường do phá RNM để làm đầm tôm.

Ở Ấn Độ và Indonesia, năng suất tôm nuôi giảm sau 5 - 10 năm. Ở Thái Lan hơn 20% trại tôm từ RNM đã bị bỏ chỉ sau 2 - 4 năm. Trong số 1,3 triệu ha đất dành cho nuôi tôm ở Thái Lan, khoảng 250.000 ha đã phải bỏ hoang.

Báo cáo của Quỹ Công lý môi trường (EJF) tại London nhận xét, người phương Tây càng ưa thích tôm hùm thì tình trạng môi trường các nước nghèo nhất càng tồi tệ đi. Các trang trại nuôi tôm đang phá vỡ nhiều khu RNM, làm giảm các đàn cá trong tự nhiên, gây ô nhiễm và tăng nguy cơ dịch bệnh đối với các cộng đồng ven biển.

Phát triển trang trại nuôi tôm ở Đông Phi đe dọa rừng ngập mặn - Nguồn: Worldwildlife.org

Steve Trent, Giám đốc EJF cho biết: "Báo cáo của chúng tôi đã chỉ ra một loạt các tác động có hại cho môi trường, phát sinh từ tư tưởng muốn làm giàu nhanh chóng của nông dân nuôi tôm". Những tác hại mà bản báo cáo đề cập bao gồm: phá hủy RNM ven biển, đe dọa sức khỏe con người và thiên nhiên do kháng sinh, thuốc trừ sâu và nhiều chất hóa học khác; nước thải làm ô nhiễm biển; các đàn cá hoang biến mất do mất môi trường sống và vì nhu cầu làm thức ăn cho tôm.

Bên cạnh tác động xã hội và sinh thái, việc nuôi tôm thâm canh cũng đang đối mặt hàng loạt vấn đề về bệnh tật và thiệt hại về môi trường tại nhiều nước châu Á. Sản lượng tôm tại châu Á có chiều hướng giảm mạnh và một loạt bệnh dịch đang hoành hành tại Ấn Độ, Malaysia, Đài Loan, Ecuador...

 

Bài học đắt giá

Tại Thái Lan, suy thoái môi trường diễn ra rất nghiêm trọng, các ao nuôi tôm chỉ có hiệu quả trong vài năm đầu, sau đó hầu như đều trở thành vùng đất chết và người nuôi lại bỏ đi tìm vùng đất mới để nuôi tôm. Người giàu thuê đất nuôi tôm thì không sao, vì họ lấn sâu vào nội địa Thái Lan đầu tư nuôi tôm và tiếp tục làm giàu. Nông dân cho mướn đất nuôi tôm, nay "chết dở sống dở", nợ nần chồng chất.

Nghề nuôi tôm ở Thái Lan phát triển mạnh từ 20 năm nay; tuy nhiên, ngành này cũng đã chịu nhiều chỉ trích về việc phá RNM và các môi trường sống khác. Đến nay họ đã thực hiện rộng rãi phương pháp nuôi tôm bền vững, thân thiện môi trường, chú trọng trồng rừng và thả tôm cá giống ra sông, biển. Nuôi tôm của Thái Lan đang tuân thủ theo xu hướng quốc tế. Năm 2006, nuôi tôm sinh thái đã được triển khai ở tỉnh Chanthaburi, miền Trung Thái Lan. Tôm nuôi ở đây đã được Naturland, một tổ chức chứng nhận của Đức cấp chứng nhận.

Thái Lan đã tiến hành xây dựng ao, đầm nuôi khép kín, chỉ cho phép xả nước khi đã được làm sạch. Theo đó, sản lượng tôm nuôi tăng mặc dù diện tích không tăng, hiệu quả sản xuất được cải thiện rõ rệt. Hiện tại, nuôi sinh thái mới chỉ áp dụng cho tôm sú do có khả năng cung cấp tôm giống có chứng nhận. Tôm sinh thái được nuôi theo hình thức quảng canh với diện tích nuôi lớn gấp 5 lần so với nuôi thông thường, đồng thời áp dụng các tiêu chí chặt chẽ về thức ăn. Do tảo là nguồn thức ăn chủ đạo nên biện pháp này khá tốn kém, nhưng giá bán thường cao hơn 20% so với tôm nuôi theo phương pháp thông thường.

>> Nuôi tôm ở Việt Nam đang trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hàng triệu dân và tạo nguồn thu ngoại tệ đáng kể. Tuy vậy, nghề này đang phải đối mặt nhiều thách thức. Đó là các mối quan ngại về các tác động kinh tế, xã hội, môi trường và gần đây là các vấn đề tranh chấp thương mại và rào cản chất lượng sản phẩm. Việc chuyển đổi quá nhanh một diện tích lớn ruộng lúa năng suất thấp, ruộng muối ven biển và đất hoang hóa sang nuôi tôm kéo theo một loạt vấn đề bất cập về cung ứng kỹ thuật công nghệ, con giống, quản lý môi trường, kiểm soát dịch bệnh, quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng... Chính phủ đã cố gắng kiểm soát, nhưng nuôi tôm vẫn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, chạy theo lợi ích trước mắt.

Sao Mai (tổng hợp)

 
 

Phân loại tin: