Nông dân phải có quyền làm chủ thật sự

09.05.2012
(Thủy sản Việt Nam) - Chuyên gia thủy sản, ông Nguyễn Tử Cương, cho rằng, để biến nuôi trồng thủy sản thành mũi nhọn, cần cho nông dân quyền làm chủ thực sự diện tích mặt biển.
 
Giao đất mặt biển 20 năm. Quá ngắn!

Ở một số địa phương có diện tích đất ven biển lớn hiện nay đang có tình trạng buông lỏng quản lý, gây bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là người nuôi trồng thủy sản. Là chuyên gia về lĩnh vực này, ông đánh giá thế nào?

Liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản và thuê mặt biển đã được quy định trong Điều 25 và 28 của Luật Thủy sản. Trong điều này, ngoài quy định riêng đối với đất để nuôi trồng thủy sản và quy định đối với giao và cho thuê mặt nước, phần còn lại là phải áp dụng theo Luật Đất đai, kể cả các trình tự, thủ tục.

Quan điểm của tôi là giao đất, cho thuê đất, mặt nước, trước tiên phải xuất phát từ quy hoạch. Quy hoạch ở đây là cấp tỉnh, cụ thể là UBND tỉnh, có thẩm quyền ban hành, dựa trên quy hoạch của quốc gia. Như vậy, khi anh chưa có quy hoạch mà cấp đất cho người dân, sau này anh đưa quy hoạch vào, rồi anh thu hồi đất của người ta, thì trước tiên, anh cấp đất cho dân đã vi phạm pháp luật. Và đương nhiên, người vi phạm phải bị xử lý, bởi lẽ, người dân không thể tự “đẻ” ra quy hoạch được.

Trường hợp thứ hai, đặt giả thiết là chính quyền đã có quy hoạch và đã cấp đất theo đúng quy định, thì thời gian giao quyền sử dụng đất, quyền sử dụng mặt nước dưới 20 năm cũng là sai quy định. Thời gian ngắn như vậy thì làm sao có thể khuyến khích người ta thâm canh, canh tác có sản lượng cao. Đối với nuôi trồng thủy sản thì thời gian ấy lại càng ngắn. Ở ven biển, muốn nuôi hiệu quả được thì cần phải đầu tư phương tiện lồng bè, các trang thiết bị đánh bắt, bảo vệ, chống lại thiên tai, đặc biệt là gió bão. Nếu với thời gian giao, cho thuê ngắn như một số địa phương mà báo chí phản ánh, dưới 20 năm, thì quá ngắn. Và tôi khẳng định rằng nông dân không thể khấu hao hết vốn, công sức trong khoảng thời gian ấy.

 Theo như ông phân tích, đối với các địa phương, việc tự ý giao đất không đúng quy hoạch là sai?

Đúng như vậy. Theo tôi thì dùng đúng nghĩa, đó là “cách làm tùy tiện” của lãnh đạo địa phương. Bởi vì trước khi anh cho thuê một vùng đất, vùng mặt nước nào đó, anh phải xem lại xem anh có cái quyền đó không đã. Xã cũng dám cho thuê, huyện cũng dám cho thuê thì không đúng. Ở đây, trong Luật Thủy sản quy định rõ, cấp được giao, cho thuê phải là UBND tỉnh, rồi sau đó, nếu UBND tỉnh đã quy hoạch rồi, thì người ta mới phân quyền xuống huyện, xã. Và ai đã phân quyền mà cấp dưới làm sai, người phân quyền phải chịu trách nhiệm. Do vậy, ở đây không thể có chuyện xã, huyện giao sai, tỉnh ngồi yên một chỗ không có trách nhiệm gì. Nghị quyết của Đảng đã nói rõ, cấp dưới làm sai, lãnh đạo cấp trên phải chịu trách nhiệm, ít nhất là buông lỏng quản lý. Phải xử lý từ đó, tức là ngay từ gốc.

 

Nếu thời gian giao, cho thuê mặt biển để nuôi thủy sản ngắn dưới 20 năm,
nông dân không thể khấu hao hết vốn, công sức - Ảnh: Huy Hùng
 

Sau khi đã cấp cho người ta, với dấu đỏ mực đen, được một thời gian, anh lại thu hồi, trong khi nông dân đã bỏ biết bao công sức đầu tư vào đấy, thì rõ ràng anh đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm giảm lòng tin của dân vào chính quyền. Đấy là tôi chưa nói đến việc bức xúc âm ỉ của người dân, lâu dần có thể gây ra nhưng vụ việc đáng tiếc như ở Tiên Lãng.

 Bề nào, dân cũng thiệt!

Có một thực trạng là trước đây, huyện cho dân thuê với thời hạn ngắn, giá thấp. Nhưng nay có nhiều doanh nghiệp “nhăm nhe” nhảy vào chiếm đất, huyện lại muốn đẩy dân ra để giao đất cho doanh nghiệp bằng giá thuê cao. Ông nghĩ sao?

Lâu nay chúng ta nói nhiều đến chuyện “nhóm lợi ích”. Và nhóm này hình thành chỉ dựa trên 2 điều: những người có tiền cộng với những người có quyền lực. Họ cùng chung một quyền lợi, đối nghịch với quyền lợi của nông dân. Ông có quyền, cộng với ông có tiền, dễ làm sai lắm.

Nhiều ý kiến cho rằng, tiếng là nông dân làm chủ, nhưng thực ra họ không có quyền gì, đến ngay cả khả năng tự bảo vệ cũng không có, ông nghĩ sao?

Tôi muốn nhắc lại câu nói của nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, Nhà nước của dân, do dân làm chủ, có 4 cấp đại diện cho quyền lợi của họ, đó là HĐND xã, HĐND huyện, HĐND tỉnh và Quốc hội. Nhưng thực ra, sau đó suốt nhiệm kỳ 5 năm, người mình đã bầu ra họ để đại diện cho mình có gặp mình lần nào không? Có nghe ý kiến của mình không? Câu trả lời là không, thậm chí mình gặp họ còn khó. Người ta có câu “đại biểu bán chuyên trách, còn cử tri thì… chuyên nghiệp”. Có lực lượng chuyên đi họp, đi tiếp xúc cử tri, chỉ có việc gật đầu, rồi vỗ tay, nhưng không có chính kiến. Còn người có ý kiến xác đáng thì lại không bao giờ được mời. Đấy, nghịch lý ở chỗ đấy!

Nói như vậy để thấy rằng, quyền làm chủ của dân có thực hay không, còn phải tranh cãi nhiều.

 Như vậy, giải pháp nào để những người dân nuôi trồng thủy sản được làm chủ thực sự trên diện tích đất của mình?

Theo tôi, giải pháp lâu dài vẫn phải bắt đầu từ luật, hiến pháp, trong đó, mấu chốt là xem xét lại Luật Đất đai, kéo dài thời hạn cho thuê, giao khoán…

Nhân dịp Quốc hội và Chính phủ đang lấy ý kiến về sửa đổi hiến pháp, tôi nghĩ rằng đây cũng chính là những nội dung mà hiến pháp cần xem xét đến. Tức là chúng ta xác định xem có quyền sở hữu về đất không? Cân nhắc xem đối với những nơi không liên quan đến an ninh quốc gia, hoặc liên quan đến những vùng khoáng sản, dầu mỏ, có tài nguyên trong lòng đất, có nên cho dân có quyền sở hữu không?

Trong trường hợp chúng ta nói rằng toàn bộ đất đai cũng như khoáng sản là của chung, của toàn dân, chỉ giao quyền sử dụng chứ không giao quyền sở hữu, tại sao không tính đến chuyện giao 50 năm, hoặc 100 năm…? Nếu làm được như vậy, người được giao quyền sử dụng sẽ tính toán rất dài hơi, rất căn bản để sử dụng đất, mặt nước đạt hiệu quả cao nhất.

Theo tôi, ngay bây giờ, trong thời gian chờ sửa đổi luật, với rất nhiều bức xúc của dân ở ven biển các tỉnh, với tình trạng giao, cho thuê đất và thuê mặt nước như hiện nay, thì Quốc hội, Chính phủ nên có một đợt đặc biệt xem xét về chuyện này, sau đó có chính sách khẩn cấp ngay cho dân yên tâm tiếp tục sản xuất, đặc biệt tránh những xung đột giữa chính quyền và người dân không đáng có. Bản thân người dân lúc nào cũng muốn yên ổn làm ăn, không muốn xung đột. Nhưng chính quyền hành xử như thế nào đó để người dân cảm thấy họ không còn làm theo khẩu hiệu công bộc của dân.

Trân trọng cảm ơn ông!

>> “Chính những người được dân bầu lại cơ cấu vào chính quyền, vừa lãnh đạo nhân dân, vừa đại diện quyền lợi cho họ, nghĩa là họ đi bằng hai chân. Nhưng, giả sử có 1 cử tri phản biện, thì họ sẽ đối xử thế nào? Có một cách ví von thế này: Anh ngồi trên cành cây, mà người ta lại đưa dao bảo anh chặt chính cành cây anh đang ngồi, liệu anh có chặt không?”, ông Nguyễn Tử Cương.

Hoàng Anh

Theo tạp chí thủy sản Việt nam, ngày 04.05.2012

Phân loại tin: