Làng chài Cửa Vạn với những nhà bè nổi, nằm hoàn toàn cách biệt với đất liền.
Thử thách đầu tiên, không có điện. Khó có thể tin rằng trong xã hội văn minh này, vẫn có những nơi hoàn toàn thiếu đi ánh sáng của đèn điện. Người dân nơi đây đã quen với bóng tối nhập nhoạng mỗi lúc chiều hôm, không tivi, không một phương tiện giải trí, cứ đều đặn 8h là đóng cửa đi ngủ, nhưng với những cô giáo trẻ thì điều đó không dễ dàng. Thu Huyền tâm sự, ở đây thường phải tranh thủ làm hết mọi việc vào ban ngày, buổi tối nếu chưa soạn xong giáo án thì phải thắp nến, nhưng cũng chỉ được một lúc bởi phòng nhỏ, nếu để lâu quá sẽ ngạt bởi hơi nến.
Không có “đất” dựng nhà, mọi sinh hoạt của giáo viên, cũng như những người dân, chỉ bó hẹp trong những không gian rất nhỏ. Căn phòng “đa năng” rộng chưa đầy 6m2, chỉ đủ kê 1 tấm phản, vừa là phòng khách, vừa là phòng ăn, vừa là nơi ngủ của 5 cô giáo.
Căn phòng bị dột mỗi khi trời mưa bão.
Khu bếp diện tích chưa đến 1m2, nấu bằng bếp lò. Một điều lạ, ở đây đun rất tốn siêu và bếp –siêu tự thủng và bếp gãy đôi do sức mặn của nước biển.
Nước ngọt cũng là thức hiếm, nước vừa dùng để nấu nướng, giặt giũ, tắm rửa, phải mua với giá 15 ngàn đồng 1 phi.
Sống ngoài biển, nhưng bữa cơm của các cô giáo thường xuyên chỉ 1 vài quả trứng và cá khô, thỉnh thoảng mới có bữa cá tươi, bởi ngoài này mọi thứ đều đắt hơn trong đất liền.
Lớp học tối do không có điện. Các em học sinh ở đây chỉ học đến lớp 5, nhiều môn học cũng bị cắt giảm do cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu.
Thậm chí có khi đang giờ học, các em được bố mẹ gọi về để đi đập hà, bắt cá...
Điều kiện thiệt thòi, các cô giáo không có những ngày lễ Tết, không biết đến cả ngày 20/11. Tuy nhiên một niềm an ủi rất lớn là đa số các em đều rất ngoan và có ý thức học tập.
Những phút giải lao của cô và trò, không bao giờ thiếu những nụ cười , cho dù ngay cả 1 sân chơi cho các em cũng không có.
Từ tháng 7/2011, nhằm mục đích nâng cao điều kiện học tập cho các em, MSD phối hợp cùng RECERD và HSBC thực hiện dự án “Ước mơ cho em”. Các cô giáo chính là những tình nguyện viên tích cực trong việc truyền tải đến các em những kiến thức xã hội và rất nhiều kĩ năng sống cơ bản.
Niềm vui lớn nhất của người giáo viên, là khi học sinh của mình chăm ngoan học giỏi, đó cũng chính là ngọn lửa của lòng nhiệt tình và sự lạc quan không bao giờ tắt đi trong lòng các cô giáo trẻ.
Hương Trà
Theo baolaodongthudo.vn