10/04/2011
Trong chuỗi các khóa tập huấn liên quan của dự án Sinh kế thủy sản, do Trung tâm Hợp tác quốc tế về Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) thực hiện quý 2 năm 2011 tại Quảng Nam, đại diện của RECERD đã trao đổi và phát hiện nhiều khó khăn trong phát triển sinh kế cho phụ nữ và thanh niên nơi đây.
Trong số 6 xã điểm của dự án, có tới 5 xã nghèo thuộc chương trình 257 dành cho các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đó là Duy Nghĩa, Duy Hải, Bình Hải, Bình Nam, và Tam Tiến.
Trong một năm có tới 6 tháng phụ nữ bãi ngang Quảng Nam không có việc, còn thanh niên thì phải đi làm “bạn” cho các chủ tàu của Đà Nẵng, Quảng Ngãi v.v.. Nguyên nhân chính là ngư dân vùng bãi ngang Quảng Nam đa số không có vốn đầu tư để đóng tàu lớn, vùng bãi ngang lại không thuận lợi cho việc neo đậu tàu thuyền và xây dựng cảng cá, bến cá, do vậy mà cái khó lại càng khó hơn. Kinh nghiệm đi biển và sức khỏe không thôi chưa đủ để thanh niên thoát nghèo, chưa đủ để làm thay da đổi thịt ở vùng cát trắng, khí hậu khắc nghiệt, khiến việc tìm một sinh kế phù hợp là điều vô cùng nan giải.
“Chúng tôi cũng đã tích cực nuôi trồng thử nghiệm một số đối tượng mới như con nhông ở vùng cát ở Bình Nam, tuy nhiên nhông chậm lớn, thất thoát, phân đàn, hoặc chết không rõ nguyên nhân đã làm nản chí người nghèo”. Ông Nguyễn Bá Thanh, một ngư dân xã Bình Nam thở dài trao đổi.
“Năm 2008, vợ chồng tôi cũng đã cố vay mượn, tích cóp để phát triển mô hình nuôi nhím, tuy nhiên giá nhím giống ở Quảng Nam đắt đỏ vô cùng, khoảng 50 triệu một cặp giống, không phù hợp với phần lớn người dân vùng tôi”. Chị Đào Thị Mai, hội viên hội phụ nữ xã Tam Tiến chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo xã Bình Hải chia sẻ, “đối với vùng bãi ngang ven biển, làm gì cũng vướng từ đầu tư, dân trí, hạ tầng cho đến thiên nhiên, thời tiết. Trong khi phần lớn diện tích là đất cát và nhiễm mặn, trồng lúa không phát triển thì chỉ còn cách duy nhất là bám biển, tuy nhiên, những năm gần đây sản lượng thủy sản đánh bắt càng ngày càng giảm do khai thác xâm hại, pha súc, giã cào quần thảo vùng biển ven bờ, khiến ngư dân nghề cá nhỏ không còn nhiều cơ hội. Bên cạnh đó, vấn đề an toàn trên biển, bão lốc khiến nghề đánh bắt luôn bấp bênh. Chúng tôi hy vọng dự án Sinh kế thủy sản có thể nghiên cứu, chuyển nghề cho ngư dân nghèo, tạo việc làm cho phụ nữ và thanh niên để giảm áp lực khai thác, đồng thời tăng cường tuần tra, xử lý nạn khai thác hủy diệt ở vùng biển ven bờ mới hy vọng giữ được nồi cơm chung cho người dân bãi ngang ven biển”.
“Thời gian gần đây, việc phát triển mô hình nuôi tôm chân trắng trên cát đã đem lại hiệu quả ở một số xã bãi ngang, tuy nhiên, nghề này đòi hỏi vốn lớn, trung bình phải có 150 triệu mới dám nghĩ đến nuôi tôm chân trắng”. Ông Phạm Duy Chiến phân tích “nghề này cũng không thể phát triển nhiều, do việc xây dựng ao phải đào cát hoặc chuyển rừng phòng hộ ven biển, cộng với khoan nước ngầm về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sói lở và khả năng bảo vệ của vùng bờ biển, nghề này vừa cần vốn lớn, vừa rủi ro cao nên không dành cho người nghèo. Phần lớn các hộ có ao đầm nuôi tôm thẻ ở xã Bình Nam là dân nơi khác thuê đất cả!”. Ông Chiến nhấn mạnh.
“Phụ nữ chúng tôi rất mong tìm được công việc phù hợp với sức khỏe và điều kiện địa phương. Nếu dự án ủng hộ, chúng tôi mong muốn được đi thăm quan xem các tỉnh khác họ làm mô hình tăng thu cho phụ nữ thế nào. Chi hội phụ nữ xã tôi hiện cũng đang làm một số mô hình trồng nấm và bước đầu cho hiệu quả, tuy nhiên qui mô còn nhỏ lẻ, chưa có đầu ra. Một số hộ thử nghiệm mô hình nuôi lươn, nuôi ếch nước ngọt nhưng nước vùng bãi ngang bị nhiễm mặn lươn, ếch kém phát triển. Nghề nuôi trồng thủy sản trên biển như nuôi cá song, cá giò vừa đòi hỏi vốn lớn, vừa không thuận lợi do vùng bãi ngang sóng gió lớn, rất dễ làm vỡ lồng bè và mất trắng”. Chị Nguyễn Vi Thu, xã Bình Hải chia sẻ.
Để biết thêm thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ Ông Tưởng Phi Lai, email : lai.recerd@gmail.com
Tưởng Phi Lai