Các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng trên là do “ba nguy cơ chết người” mà đại dương đang đối mặt. Đó là nhiệt độ nước tăng cao, sự axit hóa nước biển và thiếu ô xy. Sâu xa hơn là sự biến đổi khí hậu khiến băng tan, nhiệt độ nước tăng, nhiều loài phải thay đổi nơi sinh sống. Tuy nhiên, các nghiên cứu kết luận, nguyên nhân chính vẫn là do con người. Chỉ riêng việc đánh bắt cá quá mức cũng đẩy nhiều loài đến bên bờ tuyệt chủng. Ngoài ra, còn là nạn ô nhiễm, việc sử dụng phân bón tùy tiện, sự tràn dầu cũng như việc đốt than và các nguyên liệu hóa thạch. Các hoạt động này làm tăng lượng khí thải CO2, lượng khí này sau đó lại được hấp thụ vào các đại dương, đẩy độ kiềm (sự axit hóa) lên cao và tạo ra các vùng chết rộng lớn thiếu oxy mà các loại cá không thể sinh sống.
Đã từng có 5 lần tuyệt chủng hàng loạt trong vòng 600 triệu năm qua, trong đó lần gần nhất xảy ra với loài khủng long cách đây 65 triệu năm sau vụ va chạm hành tinh. Lần này, nếu xảy ra sự tuyệt chủng hàng loạt của các loài cá biển, 1/5 dân số thế giới vẫn phụ thuộc vào protein do cá biển cung cấp - tương đương với 1,4 tỉ người – sẽ phải đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng kéo dài.
Để ngăn chặn nguy cơ các đại dương sẽ “chết”, một động thái rõ ràng nhất, và dễ thực hiện nhất là nỗ lực giảm nạn đánh bắt cá quá mức, hiện được cho là “thủ phạm” của sự biến mất hơn 60% loài cá biển. Nhà khoa học William Cheun của ĐH Đông Anglia cho rằng: “Không giống như biến đổi khí hậu, việc này có thể được giải quyết trực tiếp, ngay lập tức và hiệu quả bởi sự thay đổi chính sách của các chính phủ”. Giảm ô nhiễm, trong đó có chất thải bằng nhựa, các hóa chất và phân bón nông nghiệp, cũng là những biện pháp hữu hiệu. Dầu vậy, biện pháp cuối cùng và quan trọng nhất là giảm khí thải CO2. “Nếu không”, BBC trich lời giáo sư Hoeghh-Gudlberg, “chúng ta sẽ thấy các vùng biển bị axit hóa, sức nóng đang làm những rừng tảo và thềm san hô biến mất, con người sẽ có những đại dương hoàn toàn khác”.
Mai Anh