Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi)

Ngày 8-6 tại Hà Nội, Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Luật thủy sản sửa đổi dự kiến trình quốc hội thông qua vào cuối năm 2013.
 Nhân sự kiện này, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã phỏng vấn qua email bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, về những nội dung mới trong Luật thủy sản sửa đổi này.
 
 
Bà Nguyễn Thị Kim Anh

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online: Luật thủy sản sửa đổi dự kiến sẽ trình Quốc hội có gì mới, khác biệt so với Luật thủy sản năm 2003 thưa bà?.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh: Luật thủy sản 2003 ban hành đã được 8 năm và trong thời gian qua có một số quy định của Luật không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Cho nên lần này Luật Thủy sản năm 2003 sẽ được rà soát một cách toàn diện để từ đó nghiên cứu, xác định những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, ví dụ như vấn đề về quy hoạch thủy sản, cộng đồng trong hoạt động thủy sản, truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thủy sản; điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản; vấn đề về giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản; vấn đề đăng ký, đăng kiểm tàu cá; vấn đề quản lý tàu cá, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá… Đây là những vấn đề mới, cần xem xét sửa đổi luật Thủy sản cho phù hợp hơn với luật đa dạng sinh học, luật an toàn thực phẩm... là những luật vừa mới được Quốc hội ban hành và những thông lệ, quy định của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực thủy sản.

Luật thủy sản 2003 quy định hoạt động những tàu đánh bắt xa bờ còn chung chung, vậy, lần Luật sửa đối có gì mới để giúp người dân khai thác xa bờ tốt hơn?

Trong lần này, chúng tôi dự kiến bổ sung chương kiểm ngư với mục đích giúp ngành thủy sản tăng cường kiểm soát các tàu cá, sản lượng đánh bắt cá trên các ngư trường. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nghiên cứu, đề xuất trong dự thảo Luật này việc trang bị hệ thống giám sát tàu cá cho các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, nhằm quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên biển tốt hơn, đặc biệt là khai thác thủy sản xa bờ.

Các tàu đánh bắt xa bờ sẽ được gắn hệ thống định vị GPS, cho biết tàu cá của ngư dân đang khai thác ở ngư trường nào, sản lượng khai thác của từng mẻ lưới, chuyến biển là bao nhiêu, hoạt động khai thác có tuân thủ quy định của pháp luật về thủy sản hay không. Ngoài ra, với việc gắn hệ thống GPS này, ngư dân khi đánh bắt xa bờ khi gặp nạn sẽ được ứng cứu, hỗ trợ kịp thời hơn.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ gia nhập hiệp định nghề cá tây và trung Thái Bình Dương, phải tuân thủ những quy định của ủy ban này, nên việc bắt buộc phải đưa ra hạn ngạch khai thác cho các tàu xa bờ. Điều này sẽ được đưa vào Luật thủy sản sửa đối để áp dụng cho một số loài, trước hết là đối với cá ngừ.

Hiện việc đăng kiểm tàu cá ở nước ta đang gặp một số khó khăn, ảnh hưởng đến việc quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Vậy, Vụ Pháp chế có đưa vấn đề này vào trong luật thủy sản sửa đổi không, thưa bà?

Hiện cả nước có khoảng hơn 64.000 tàu cá thuộc diện phải đăng kiểm, và có thể số lượng tàu cá có công suất lớn sẽ tăng thêm nhưng lực lượng đăng kiểm chỉ có 165 người, trong khi, để có thể đăng kiểm được số lượng tàu cá nói trên, theo tính toán của chúng tôi là cần khoảng trên 1.300 đăng kiểm viên, gấp gần 8 lần nhân lực hiện tại.

Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đang nghiên cứu đề sửa đổi Luật thủy sản năm 2003 theo hướng xã hội hóa công tác đăng kiểm tàu cá, nghĩa là nhà nước đưa ra các quy định về đăng kiểm, trên cơ sở đó, doanh nghiệp, cơ sở tư nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật sẽ được làm dịch vụ đăng kiểm tàu cá. Với cách làm này, cơ quan quản lý nhà nước sẽ giảm tải được công việc mà vẫn thu được kết quả cuối cùng.

Xin cảm ơn bà!

theo thesaigontimes.vn

Phân loại tin: