TP - Chị đã "bắt" du khách phải bỏ tiền để xem... bão lũ và làm hẳn một lễ hội mưa ở Festival Huế tới đây. Chị biến rác, cát, muối, thành những sản phẩm du lịch, và kinh doanh cả bóng đêm.
TS.KTS Nguyễn Thu Hạnh .
Bão lũ Hội An, mưa Huế đẻ ra tiền
Trong chuyến công tác đến Hội An vào mùa lũ, nước dâng cao làm ngập những ngôi nhà cổ.
Nữ tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Thu Hạnh lên tầng hai ngôi nhà cổ và nhìn thấy Hội An trong nước lũ đẹp lạ lùng. Những mái nhà thâm nâu, có cái gì đó mong manh, xưa cũ nhưng an nhiên tự tại giữa dòng nước dữ ngầu đục.
Khi cốt nước dâng cao, ở một tầm quan sát cao hơn ngày thường 1 đến 2m, Hội An hiện ra với cảnh quan hoàn toàn mới lạ. Các đôi mắt cửa ở Hội An bỗng mở to nhìn đăm đăm vào du khách.
Ở Hội An có 14 loại mắt cửa, mỗi loại mắt lại muốn gửi gắm một thông điệp riêng của chủ ngôi nhà. KTS Thu Hạnh hỏi chuyện người dân thì được biết du khách nước ngoài rất thích ngắm Hội An trong màu nâu sẫm của nước lũ, giống như một thành phố trên sông.
Chị Hạnh bỗng nghĩ: "Tại sao không biến mưa lũ Hội An thành một sản phẩm du lịch?".
Câu hỏi đó như thứ phản xạ của một người tuy học kiến trúc nhưng từ lâu đã xem du lịch như niềm đam mê của đời mình.
Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc loại giỏi, KTS Thu Hạnh được giữ lại trường làm giảng viên.
Năm 1995, chị làm quy hoạch du lịch và nhận thấy mình có tố chất làm du lịch. Thế rồi chị rẽ ngang, thành lập Liên hiệp khoa học Phát triển Du lịch Bền vững (STDe).
Hôm ấy, ngắm mưa lũ ở Hội An, chị nhớ tới một câu ngạn ngữ của Trung Quốc: "Khi bão đến, một số người đi xây tường, những người khác đi xây cối xay gió".
Mưa bão lũ là thứ không thể trì hoãn hay cưỡng lại, và theo tư duy thông thường, chúng gây bất lợi cho đời sống. Nhưng nếu nhìn thoáng rộng ra, thì có thể khai thác được rất nhiều giá trị tiềm ẩn từ những hiện tượng thiên nhiên.
Thay đổi cách nhìn, sẽ thấy mưa Hội An rất đẹp, đã đi vào thơ như: "Mưa lạnh dầm mái ngói/Hội An nghiêng bóng gầy". Ngồi uống cà phê tầng 2 ở phố cổ, ngắm Hội An trong lũ, nhâm nhi ly cà phê sẽ có những cảm giác thú vị.
Lũ lụt là cơ hội cho du khách tiếp cận, khám phá các giá trị kiến trúc, nghệ thuật của tầng 2, tầng 3, tầng mái các ngôi nhà cổ.
Chị bắt tay ngay vào làm để biến ý tưởng của mình thành hiện thực. Dự án "Sản phẩm du lịch Hội An trong mưa bão" của TS.KTS Nguyễn Thu Hạnh ra đời và đã nhận được sự ủng hộ của ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An.
Thuyền bè, điện nước, thực phẩm cho các hoạt động du lịch trong mưa bão lũ, công tác cứu hộ cũng đã được chuẩn bị xong.
Những tháng mưa lũ dầm dề, phố cổ thường vắng khách nhưng tới đây có thể Hội An lại nhộn nhịp vào những ngày ấy. Người dân Hội An có lẽ sẽ ngạc nhiên khi thấy du khách bỏ tiền ra để ngắm mưa lũ.
Chị Hạnh nói: "Sau Hội An, mình lại nghĩ tới những cơn mưa ở Huế. Kéo dài suốt từ tháng 9 âm lịch cho đến Tết, mưa Huế dai dẳng rả rích, dìu dịu, lâm thâm trùm lên cả mùa thu và mùa đông”.
Vào mùa mưa - lụt, các hoạt động du lịch tại Huế hầu như bị ngừng trệ, số lượng khách đến Huế cũng sụt giảm nghiêm trọng. Có cách gì thay đổi? Muốn thay đổi, trước hết phải thay đổi cách nhìn về mưa.
Chị khám phá ra nhiều giá trị của mưa Huế. Mưa khiến Huế trở nên thâm trầm, hoài cổ hơn, mưa Huế như bản đàn trời (Thiên vũ cầm).
Những ngày mưa, hoạt động bên ngoài bị đình trệ, các hoạt động trong nhà phát triển, du khách có điều kiện giao lưu chia sẻ, gần gũi nhau hơn. Mưa Huế thích hợp cho nhu cầu tĩnh tâm, thiền định, thưởng thơ...
Dưới đôi mắt của Thu Hạnh, cái mưa "Xối xả trắng trời Thừa Thiên” (thơ Tố Hữu) sẽ trở thành sản phẩm du lịch có một không hai.
Dự án của chị được lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế ủng hộ.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định cho phép tổ chức lễ hội mưa tại Festival Huế vào tháng 10-2012. Du khách sẽ được thưởng thức mưa Huế ở nhiều góc độ.
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TT-Huế cho hay, sẽ đưa vào bản đồ du lịch những chỉ dẫn điểm ngắm mưa, chụp ảnh lí tưởng như đồi Vọng Cảnh, Lầu Ngũ Phụng Ngọ Môn, đỉnh cao 100m Ngự Bình, tầng bốn khách sạn Hương Giang vọng về Ngã Ba Sình...
Sẽ có chuỗi sản phẩm du lịch trong mưa với nhiều hoạt động bổ trợ gồm xem nhạc nước, múa rối nước, nghe thơ và vẽ tranh, chụp ảnh trong mưa.
Lại thêm triển lãm các bộ ảnh về mưa và giới thiệu một số hàng hóa lưu niệm mang chủ đề mưa, kể cả trình diễn những bộ áo đi mưa, ô, nón đi mưa... Du khách sẽ được thưởng thức ẩm thực xứ Huế vốn tinh tế cầu kỳ và phong phú.
Tất cả đã sẵn sàng chỉ đợi... mưa. “Nắng mưa là chuyện của trời”, biết đâu xứ mưa này vào lễ hội mưa lại... nắng? KTS Thu Hạnh cười, nói rằng Huế sẽ lắm "nỗi niềm" để tuôn mưa.
Và những cơn mưa sẽ "nồng nàn" với du khách hơn bao giờ hết. Chị muốn khai thác cái văn hóa ứng xử với mưa vốn rất sâu sắc của người Huế để lễ hội mưa trở nên gần gũi như lễ hội té nước ở Lào.
Giá trị của bóng đêm và rác, cát, muối...
Bịt mắt ăn trong bóng đêm .
STDe nơi chị Hạnh làm Chủ tịch nằm trong căn phòng nhỏ tít trên tầng thượng của một trường đại học ở Hà Nội.
Cơ ngơi xem ra còn nghèo nàn so với những ý tưởng về du lịch mà STDe đã trình làng. Nhân viên hầu hết còn rất trẻ, làm việc bằng nhiệt tình và ý tưởng sáng tạo, chứ thu nhập thì còn khiêm tốn lắm.
Bởi STDe mang mục tiêu xã hội, không đặt cao vấn đề lợi nhuận, mà những dự án du lịch của nơi này thường mới lạ, lãng mạn đến khó ra tiền.
Ví dụ như dự án TS.KTS Thu Hạnh muốn đem bóng đêm ra để... kinh doanh. Lần ấy, tắt đèn trong Giờ Trái đất, bóng tối bao phủ đem lại cho chị những trải nghiệm lý thú.
Chị nghĩ ngay: Tại sao lại không khai thác giá trị tiềm ẩn của bóng tối? Nhớ hồi du học một mình ở Canada, nằm cạnh cửa sổ phòng ngủ, chị nhìn lên bầu trời đêm và nhớ về quê nhà với mong muốn ngắm được một bầu trời sao lấp lánh, nhưng điện ở thành phố quá sáng đến mức không thể ngắm được một vì sao nào.
Lúc đó, chị mới thực sự cảm nhận được giá trị của bóng tối. Chỉ có bóng tối mới có thể làm nền cho các vì sao hiện lên rực rỡ. Nghe nhạc trong bóng tối hay hơn khi bật điện vì thính giác phát triển, những suy nghĩ trong bóng tối sẽ kích thích đời sống nội tâm...
Nghĩ vậy nên chị lập nhóm nghiên cứu, thử nghiệm mời mọi người vào một căn phòng tối, ăn hoa quả thập cẩm nghe nhạc, rồi tự đoán mùi vị, ai cũng cảm thấy thú vị.
Dự án "Mô hình Khách sạn bóng đêm" - hay còn gọi là Sản phẩm du lịch "Giờ Trái đất" của TS.KTS Thu Hạnh ra đời, với những dịch vụ rất lạ, như bữa ăn cho tình nhân trong ánh nến lung linh, bữa ăn quê xưa dưới ánh đèn dầu nơi hàng hiên, bữa ăn âm phủ trong bóng tối hoàn toàn, hay giấc ngủ dưới một bầu trời sao nhân tạo, có đèn đom đóm...
Dự án đã được tôn vinh giải thưởng cống hiến trong cuộc thi ý tưởng kinh tế xanh 2011. Khách sạn Hương Giang ở Huế đã dành 3 phòng để tới đây sẽ "kinh doanh bóng đêm" cùng STDe.
Một số người khiếm thị cũng sẽ kết hợp với chị để giúp du khách trải nghiệm những giá trị và vẻ đẹp của bóng đêm.
Chị Hạnh đang muốn biến rác, muối, cát… thành bước đột phá cho du lịch biển Việt Nam. Những chất thải rắn, lon bia, vỏ chai khi phân loại ra, du khách có thể tự xây những bức tường vật liệu tái sinh. Muối có thể biến thành tranh, thuốc chữa bệnh.
Những dải cát dằng dặc ở ven biển miền Trung có thể tạo thành vườn Thiền, hay thành nơi để các đôi trai gái cùng tạo nên những hình khối lãng mạn như trái tim, lâu đài trên cát.
Rồi cát sẽ được khai thác ở góc độ triết lý, như triết lý thời gian qua đồng hồ cát, triết lý về cát trong nhạc Trịnh Công Sơn...
Dự án độc đáo của TS.KTS Thu Hạnh, "rằng hay thì thật là hay", nhưng chị lại thiếu vốn. "Tôi sáng tạo ra những sản phẩm du lịch này, trên hết là muốn phá bỏ hàng rào tư duy cũ, hướng đến một tư duy đột phá để tận dụng cơ hội từ các yếu tố thiên nhiên bất lợi".
Phá bỏ hàng rào tư duy cũ ở xứ này bao giờ chẳng gian nan, nhưng dường như chị đang đi xây cối xay gió, chứ không phải đánh nhau với cối xay gió.
Phùng Nguyên
(tienphong.vn)