Ngư dân đi đánh bắt xa bờ thiếu kỹ năng y tế cơ bản

Quảng Ngãi hiện có trên 40.000 lao động thường xuyên hành nghề đánh bắt, lao động trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Ngư dân đi biển dài ngày đối diện với nhiều nguy cơ, hiểm họa tai nạn... 
                                          Nhân viên y tế sơ cứu cho ngư dân bị nạn trên biển. (Ảnh: Đoàn Quang Đức/TTXVN)
 
Quảng Ngãi hiện có trên 40.000 lao động thường xuyên hành nghề đánh bắt, lao động trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Ngư dân đi biển dài ngày đối diện với nhiều nguy cơ, hiểm họa tai nạn... 

Tuy không hoàn toàn đơn độc nhưng nếu không may gặp tai nạn khi đang hành nghề trên biển họ phải tự chữa trị, sơ cấp cứu bằng kinh nghiệm tự có của mình. Tuy nhiên, cho tới nay, có thể nói rằng hầu hết ngư dân Quảng Ngãi chưa có kỹ năng y tế cơ bản về sơ cấp cứu khi gặp nạn. 

Cũng như lần trước, chuẩn bị cho chuyến đi biển dài ngày ra ngư trường Hoàng Sa lần này , ngư dân Trần Quang ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn chuẩn bị đầy đủ các vật dụng, nhiên liệu...và một trong những thứ không thể thiếu là thuốc chữa bệnh. Các loại thuốc thông thường về cảm, sốt được anh mua về dự trữ trên tàu. 

Tuy nhiên, các loại thuốc được cất giữ lẫn lộn, không phân loại, nhãn mác, thời hạn sử dụng. Tất cả những gói thuốc này sẽ giúp anh và các bạn hành nghề trên biển chống chọi với tai nạn, bệnh tật trong thời gian lênh đênh trên biển. 

Anh Quang cho biết:" Khi bị cảm mình uống hồi bớt hồi không. Uống thuốc là theo kinh nghiệm vốn có của bản thân, có biết đâu. Xưa nay vẫn uống khan khan vậy thôi. Nếu không may uống nhầm thuốc hoặc không đỡ bệnh thì phải chờ hết phiên biển mới có thể đi khám. Gặp trường hợp anh em nào đau nặng quá thì đi cùng các tàu thu mua cá để vào đất liền trước..." 

Ngư dân Đỗ Văn Nho ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, chủ tàu QNg 90143 TS, thì kể lại: “Cách đây khoảng 2 tháng, khi tàu chúng tôi xuất bến được mấy ngày thì anh Chuyền-ngư dân trên tàu bị sốt, kèm theo đau lưng. Tưởng anh ấy làm việc nhiều, thiếu ngủ nên bị cảm nên cho uống thuốc cảm. Nhưng 5,6 ngày sau bệnh của anh Chuyền ngày càng nặng, lúc tỉnh lúc mê, nói lảm nhảm nên chúng tôi gửi anh ấy cho ghe khác đưa vào bệnh viện.” 

Thường xuyên đánh bắt hải sản tại các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, các chuyến biển của ngư dân có lúc kéo dài 2 tháng liền. Công việc vất vả, nguy hiểm, hàng vạn ngư dân đối diện với tai nạn, bệnh tật bất thường. Đáng tiếc là phần lớn trong số họ không có kiến thức cơ bản về y tế, trước hết là sơ cấp cứu. Khi tai nạn xảy ra, ngư dân phải tự xoay xở, đối phó với những kinh nghiệm ít ỏi của mình và đành đối diện với nguy cơ sinh tử. Trong khi cho đến nay, các ngành chức năng ở Quảng Ngãi chưa từng mở một lớp đào tạo kỹ năng sơ, cấp cứu cơ bản nào cho ngư dân 

Tuy cho đến nay, chưa có lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng sơ, cấp cứu cơ bản nào cho ngư dân được mở ở Quảng Ngãi nhưng là người trong ngành y, ông Lê Huy, Chánh văn phòng Sở Y tế cho biết: Nếu mở lớp đào tạo kỹ năng y tế cho ngư dân thì chúng tôi sẽ đào tạo những kiến thức cơ bản như: cách nhận biết và sử dụng thuốc cho những bệnh ngoại khoa, sơ cứu chấn thương, sơ cứu người đuối nước, sơ cứu tai biến đối với những thợ lặn,… Có thể, kinh phí mở lớp còn là vấn đề đang được "nghiên cứu." 

Để phát triển bền vững biển đảo Việt Nam, một trong những việc cần làm ngay là nâng cao kiến thức y tế cho ngư dân, để họ bảo vệ sức khỏe, giữ tính mạng của mình, từ đó hướng đến đánh bắt hải sản chuyên nghiệp trên biển và tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo Việt Nam./.
 

Đinh Thị Hương (TTXVN)
 
 
 

Phân loại tin: