Nên thành lập những trường học nổi trên biển


Ông Lê Gạt, đã ngoài 70 tuổi, người làng An Đức, xã Vĩnh Quang, Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị. Gắn bó với biển từ năm 16 tuổi nên ông Gạt có khả năng xác định vị trí thuyền bè và tìm được khu vực tụ tập cá một cách tuyệt vời.
 Ông nhớ “các điểm của dãy Trường Sơn như: núi mẹ bồng con, thiếu nữ đợi chồng, mục đồng chăn trâu, tiều phu gánh củi…” để dẫn thuyền về bến. Cũng như thế, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, các con thuyền vượt biển để chuyên chở vũ khí, tiếp viện cho Nam bộ kháng chiến đã định vị thuyền bằng các câu ca dao: “Đường hải lộ từ Nam ra Bắc/Khỏi Ba Ngòi sắp đến Quy Nhơn/Gập ghềnh đồi núi chập chờn/Trông xa chợt thấy một hòn núi cao/Ngay giữa đỉnh hình dong lộ vẻ/Tay ẵm bồng một trẻ hài nhi/Đấy là hòn núi Vọng Phu/Ấy người thiếu phụ ôm con chờ chồng”.
 
 
 
Quyền của trẻ em là được học hành, dù ở bất kỳ đâu.

Phương pháp định vị bằng các vật trên bờ như vậy trong khoa học gọi tên là phương pháp hàng hải địa văn và được giảng dạy trong nhà trường gắn với ngôn ngữ toán học với tam giác lượng, trong khi đó người ngư dân không cần biết các ngôn ngữ phức tạp hàng ngày vẫn cập bờ một cách dễ dàng. Hiện nay có một thực tế rất khắc nghiệt là tồn tại một khoảng cách khá xa giữa yêu cầu về cải tiến toàn bộ nghề cá với sự hiểu biết của ngư dân – một cộng đồng tư nhân độc lập, làm nghề theo... cha truyền con nối. Những ý định đào tạo, cấp bằng hình như không thành công khi chưa có những nghiên cứu định hướng đúng mức, khi toàn bộ giáo dục của chúng ta không thực học, thực nghiệp. Cách đây khá lâu, chúng tôi có cùng anh hùng lao động Nguyễn Thị Hồng theo các lớp đào tạo để chị được cấp bằng thuyền trưởng tàu cá. Thật gian nan với một người đã có bằng trung học, đã là cô giáo cấp một, đã quay vôlăng con tàu xông pha bão tố bây giờ phải ngồi nghe giảng bài khô khan với các công thức sin, cos. Thật khổ sở cho các thầy giáo giảng giải cho một học sinh về la bàn, về các máy dò cá trong khi chính mình cũng chỉ mới sờ tới máy vài lần và còn lúng túng với các chữ tiếng Anh, trong khi học sinh bấm máy rất thạo như con trẻ bấm nút điều khiển chiếc tivi! Cũng không nên quá phàn nàn về trình độ học vấn quá thấp của người đi biển. Nếu có dịp tiếp xúc với dân đánh cá vùng British Columbia Canada hay New Orleans Hoa Kỳ, trong đó có khá đông là Việt kiều, chúng ta sẽ biết trình độ học vấn của họ cũng chẳng nhiều nhặn gì. Cho nên cũng đáng ngạc nhiên khi một chương trình trên VTV bàn về nhân lực đánh cá lại hướng ống kính về một vài trường đại học với mong mỏi các nhà khoa bảng sẽ trở thành người đánh cá thực thụ!?
Trên con tàu cá tại hai vùng Canada và Mỹ nói trên, tôi thấy những tấm hướng dẫn luật đi đường, luật tránh va đập viết bằng một thứ tiếng Anh đơn giản, nhiều hình vẽ in trên tấm vật liệu không thấm nước treo khắp nơi trên tàu. Cách đây 50 năm, khi miền Nam Việt Nam bắt đầu cơ giới nghề cá, người ta bắt đầu hướng dẫn ngư dân dùng la bàn và máy thuỷ. Cầm trên tay cuốn sách nhỏ in chữ lớn do chính viện trưởng Hải dương học Nha Trang Ngô Bá Thành hồi đó viết cho ngư dân cách tìm hướng đông tây nam bắc hết sức giản dị. Thật chả bù cho những bài viết của một thuyền trưởng của hội Biển vừa rồi hướng dẫn cho ngư dân mà rối rắm với góc nọ, góc kia!

Bởi vậy, trong tình hình hiện nay tôi mong mỏi thành lập những trường học nổi trên biển theo phương pháp truyền nghề mà tiếng Anh gọi là hands – on. Đó là chiếc tàu cá như mọi tàu cá bình thường khác của ngư dân với các trang thiết bị và cách làm nghề có nâng cao. Giáo viên có trang bị thêm thiết bị liên lạc có 3G và các phương tiện nghe nhìn, càng hiện đại càng tốt. Con tàu này sẽ đỗ tại các làng nghề, nơi tập trung các tàu cá khi về bến. Đi kèm theo con tàu này là một trang mạng của trường học nổi này trên internet. Học liệu, tức là các giáo trình của trường là những bài giảng sinh động, thiết thực về thiên văn, địa lý, về cách dùng các thiết bị điện tử hàng hải, về hải đồ, về chủ quyền trên biển, về sức khoẻ sinh sản... được soạn thảo thiết thực, vui, bằng cả hình thức thơ ca hò vè, cải lương... Ví dụ trang mạng YouTube, chương trình Tintin của truyền hình Pháp, các chương trình khoa học cho Dummies (cho những người ngoài ngành, vốn không biết gì)... có thể cho ta rất nhiều gợi ý về cách giảng dạy sinh động thiết thực và chúng ta nên tôn vinh những tác giả viết, soạn thảo các chương trình huấn luyện được ngư dân hoan nghênh. Tất cả các học liệu gồm các bài viết, phim, nhạc... dành cho huấn luyện nghề được đưa lên trang mạng của trường học nổi ảo và từ các con tàu trường học nổi chúng ta tải xuống, truyền bá cho ngư dân bằng các phương tiện nghe nhìn. Bản thân ngư dân nhiều kinh nghiệm, những con sói biển như Mai Phụng Lưu cũng sẽ là những người thầy với kinh nghiệm được những người nhiều chữ hơn ghi chép, tổng kết, phổ biến.

Mong rằng con tàu trường học nổi này được hưởng chính sách trợ cấp của Nhà nước, sau đó dần dà sẽ... xã hội hoá. Ngư dân đi biển phải luôn có các dịch vụ đi kèm: người sửa chữa máy nổ, chân vịt, người cấp phụ tùng cho các máy điện tử, người cấp đá làm đông... Chính các nhà cung cấp dịch vụ này có thể tham gia là người đóng góp xây dựng trường, tham gia dạy nghề trên trường nổi, cũng như các hội nghề cá dùng trường làm cầu nối liên lạc. Chỉ bằng những biện pháp thiết thực, kiên nhẫn, lâu dài ta mới mong nâng cao dần nhân lực biển, người quyết định cho thành công của chiến lược biển.

Đỗ Thái Bình
(kỹ sư đóng tàu, hội viên hội
Khoa học kỹ thuật biển TP.HCM)

theo sgtt.vn

Phân loại tin: