Năng lượng mặt trời: Giải pháp giảm chi phí cho nhà nông

(TBKTSG Online) - Tiết kiệm được hàng chục triệu đồng/năm; năng suất vườn cây tăng lên 30%; an toàn với môi trường tự nhiên… là những hiệu quả mang lại sau hơn 4 tháng kể từ khi vườn thanh long của ông Sáu Diệp (Võ Ngọc Diệp), ấp Lương Phú C, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang được Công ty Mono Energy (Úc) đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời.
  
Ông Võ Ngọc Diệp bên chiếc máy tưới nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời của mình - Ảnh: Trung Chánh
 

Lợi hàng chục triệu đồng/năm

Theo ông Võ Ngọc Diệp, một lần tình cờ có đoàn du khách Úc (thuộc Công ty Mono Energy) đến tham quan vườn thanh long của ông và họ đã ngỏ ý muốn lắp đặt thử nghiệm (miễn phí) hệ thống tưới nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời cho vườn nhà ông. Thế là chẳng lâu sau kể từ ngày đoàn du khách Úc đề nghị, một hệ thống tưới nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời hình thành.

“Sau hơn 4 tháng lắp đặt (đầu tháng 10 năm ngoái) hệ thống tưới nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời, chẳng những vườn thanh long của tôi phát triển xanh tốt hơn nhờ nước thấm dần đều, bổ sung liên tục một lượng nước vừa đủ để cây phát triển mà còn tiết kiệm được hàng chục triệu đồng/năm so với lúc chưa có hệ thống này”- ông Diệp nói.

Khi chưa đầu tư hệ thống này, 1 héc ta đất trồng thanh long, mỗi năm ông Diệp phải bỏ ra trên 20 triệu đồng, bao gồm tiền điện, tiền mướn nhân công tưới cho vườn cây. “Nếu không tính những tháng trời mưa, ít nhất mỗi năm bà con trồng thanh long chúng tôi ở đây phải tưới 7 tháng. Tưới bằng máy bơm thì mình chỉ tưới sơ qua một đợt, tuy nhìn thấy ướt bề mặt nhưng thực chất nước chưa kịp thắm sâu xuống đất. Còn khi sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, thời gian tưới kéo dài đến 6 giờ/ngày, nước có điều kiện thấm sâu vào đất với một lượng vừa đủ. Dĩ nhiên vườn thanh long phát triển tốt hơn rồi” - ông Diệp chia sẻ.

Không chỉ tưới nước, hệ thống này còn có khả năng bón phân cho vườn thanh long bằng cách lấy phân hòa lẫn với nước cho tan với liều lượng được tính toán cân đối với diện tích rồi cho vào bình chứa. Khi máy bơm nước lên tưới cho vườn thanh long, phân sẽ đi theo đường ống dẫn đến từng trụ thanh long trong vườn. “Cách làm này không chỉ tiết kiệm được tiền mướn nhân công bón phân, mà con tạo điều kiện thuận lợi cho thanh long hấp thụ phân triệt để vì phân hòa lẫn với nước sẽ giúp cây hấp thu rất dễ dàng. Từ đó, năng suất vườn thanh long sẽ tăng lên khoảng 30%”- ông Diệp nói.

Không chỉ giúp tiết kiệm được chi phí đầu vào, vườn thanh long được trang bị hệ thống này còn giúp người nông dân chủ động được nguồn cung cấp nước cho vườn cây vì nguồn điện cung cấp cho máy hoạt động qua hấp thụ từ nhiệt của ánh nắng mặt trời. Bên cạnh đó, hệ thống tưới nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời còn rất thân thiện với môi trường tự nhiên.

Tới xông đèn bằng năng lượng mặt trời
Ông Võ Ngọc Diệp, ấp Lương Phú C, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo cho biết, khi nông dân đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời sẽ được Công ty Mono Energy (Úc) bảo hành sản phẩm đến 20 năm.

Trước thực trạng, người nông dân trồng tanh long sử dụng điện xông cho vườn thanh long quá tốn kém (10 triệu đồng/héc ta/lần xông- người viết), lại nguy hiểm cho người dân vì hệ thống dây dẫn điện quá chằng chịt trong vườn…Đại diện Công ty Mono Energy hứa sẽ đầu tư tiếp cho ông Sáu Diệp thêm hệ thống xông đèn thanh long bằng năng lượng mặt trời vào tháng 4 tới.

Theo ông Diệp, nếu được lắp đặt thêm hệ thống xông đèn, chi phí đầu tư cho vườn thanh long sẽ giảm được khoảng 70%. “Trồng thanh long nặng vốn nhất là tiền xông đèn và tưới nước. Mỗi năm xông 3 lần, mỗi lần một héc ta tốn ít nhất 10 triệu đồng tiền điện (15 ngày xông- người viết). Như vậy, rõ ràng nếu đầu tư được hệ thống xông đèn và tưới nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời sẽ giúp người nông dân tiết kiệm đến 70% chi phí đầu vào” - ông Diệp tính toán.

Không chỉ vậy, vấn đề an toàn sử dụng điện sẽ được giải quyết triệt để bởi vì nguồn điện phát ra từ hệ thống này hoàn toàn không ảnh hưởng đến người sử dụng và môi trường.
    
Dù hiệu quả mang lại rất là lớn nhưng do đầu tư mỗi máy lên đến cả 100 triệu đồng nên người nông dân còn e dè. Tuy nhiên theo ông Diệp, thời gian tới, nông dân sẽ chuyển sang sử dụng hệ thống này vì hiệu quả mang lại của nó là rất lớn.
 

Trung Chánh
Thesaigontime.vn

Phân loại tin: