Mới chỉ đi vào hoạt động được một thời gian ngắn nhưng cho đến nay đã trở thành hoạt động bảo vệ môi trường thiết thực, góp phần xây dựng môi trường nông thôn xanh -sạch - đẹp tại địa phương
Thu gom rác với thu nhập 6 nghìn đồng/ngày
Ông Lê Xuân Khu là thành viên nhóm 1 – đội tự quản thu gom rác xã Nam cường bộc bạch “ Tôi tham gia thu gom rác thải tại xã cũng là vì trách nhiệm của một người dân đối với môi trường, nếu tính đồng lương thì thu nhập không đáng là bao, chỉ được 6 nghìn đồng/ ngày. Nếu ai cũng nghĩ không tham gia thu gom rác thải thì môi trường không bao giờ trong sạch cả”.
Ông Khu là một trong những thành viên tích cực của xã tham gia gia vào mô hình thu gom rác này. Nhận thức rõ tầm quan trọng về việc đảm bảo vệ sinh môi trường, cũng như để tổ tự quản thu gom rác thải hoạt động có hiệu quả nhất. Ban chỉ đạo tổ tự quản thu quản thu gom rác thải được thành lập.
Trong đó, hội nông dân xã điều hành trực tiếp mọi hoạt động của tổ tự quản. Tổ tự quản thu gom rác thải của xã Nam cường được chia thành 5 nhóm nhỏ hoạt động tại 4 thôn của xã Nam cường, gồm các ông bà trưởng thôn, cán bộ y tế thôn bản, hội viên phụ nữ của thôn làm công tác tuyên truyền, giám sát và 5 người trực tiếp đi thu gom rác thải đều là hội viên nông dân.
Để tổ thu gom rác hoạt động thuận tiện, TƯ hội nông dân Việt Nam đã cho xây dựng 4 bể đựng rác tại 4 thôn Nam Thọ, Đồng Phú, Cầu Đền, Đồng Tiến và hỗ trợ 10 chiếc xe chở rác chuyên dụng cùng quần áo bảo hộ lao động cho thành viên trực tiếp làm việc. Hàng ngày, cứ đều đặn vào buổi sáng từ 4h30 – 6h và buổi chiều từ 4h – 6h, không kể thời tiết nắng mưa, thành viên ở các nhóm đều đi làm đúng giờ, cần mẫn, chăm chỉ tại các khu vực mà mình được phụ trách.
Trung bình mỗi ngày, mỗi nhóm thu gom khoảng 1 khối rác thải trên 6 km đường làng, ngõ xóm nơi mà không có công nhân của công ty vệ sinh môi trường làm việc. Sau đó rác được tập kết ra khu vực thuận tiện để công ty công trình môi trường đô thị yên bái thu gom và vận chuyển về bãi rác. Mặc dù hầu hết thành viên của tổ tự quản trực tiếp tham gia thu gom rác thải đều là những người cao tuổi, trong đó có người đã gần 70 tuổi, nhưng với suy nghĩ vì môi trường sạch đẹp, vì “ bộ mặt” của làng xóm nên đã nhiệt tình, không nề hà tham gia ngay từ buổi đầu khi mô hình được thành lập.
Ông Phạm Văn Chính – thành viên nhóm 3 – tổ thu gom rác nói “ Tôi tham gia từ ngày đầu thành lập mô hình thu gom rác, vì tôi cũng giống như suy nghĩ của những thành viên khác, mong muốn xã mình lúc nào cũng được sạch đẹp, khang trang. Thấy người dân yên tâm, tin tưởng nên tôi thấy vui lắm”
Hàng ngày, với khối lượng công việc không hề nhỏ, nhưng thu nhập của những thành viên trực tiếp đi thu gom rác còn rất khiêm tốn. Người có thu nhập nhiều nhất trong 1 tháng chỉ tới hơn 400 nghìn đồng, còn thu nhập bình quân từ 100 đến 200 nghìn đồng/tháng. Số tiền để trả cho hoạt động của tổ tự quản thu gom rác được 240 hộ dân tại 4 thôn tham gia mô hình đóng góp, mỗi gia đình từ 5 đến 10 nghìn đồng hàng tháng, tuỳ theo khu vực mình sinh sống. Tuy nhiên hiện nay, tổ tự quản thu gom rác thải mới chỉ phụ trách khoảng 60% địa bàn. Còn một số khu vực ở xa, ít dân sinh sống thì hội nông dân xã phải vận động mỗi hộ gia đình tự xây dựng một bể xử lý rác gia đình, vừa thuận tiện cho việc xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh, môi trường nơi mình sinh sống.
Ông Phạm Ngọc Thước-một người dân ở thôn Cầu Đền – xã Nam Cường phấn khởi nói: “ Từ ngày có tổ thu gom rác thải, người dân chúng tôi mừng lắm. Các anh trong tổ làm việc rất có trách nhiệm và hiệu quả, không còn cảnh rác thải bừa bãi như trước nữa. Nhiều lúc thâý các anh đi làm vất vả, chúng tôi lại thưởng thêm để động viên, vì biết thu nhập của những thành viên tham gia tổ thu gom rác thải rất là thấp. Nếu cứ duy trì được đều đặn như thế này, chúng tôi rất ủng hộ”
Đường làng, ngõ xóm “ lột xác”
Vừa trực tiếp thu gom rác thải vừa làm công tác tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh chung, nên mặc dù vừa mới đi vào hoạt động gần 7 tháng, nhưng trên từng con đường nhỏ tại xã Nam Cường dường như được lột xác. Nhất là là tại khu vực hồ Nam Cường không còn cảnh ô nhiễm như trước đây. Ý thức chấp hành các quy định về vệ sinh môi trường của người dân xã Nam Cường đã có chuyển biến tích cực. Từ chỗ vứt, đổ rác tùy tiện ra đường làng, ngõ xóm, nay bà con đã đổ rác vào thùng, tập kết rác đúng giờ theo quy định.
Bây giờ không còn cảnh vứt rác xuống hồ Nam Cường.
Bây giờ không còn cảnh vứt rác xuống hồ Nam Cường.
Đặc biệt, có 4 chiếc bể được đặt tại những khu vực thuận tiện nhất tại các thôn nên việc thu gom rác thải tại xã đi vào nền nếp, các đội thu gom rác cũng đỡ vất vả hơn so với trước, hiệu quả công việc lại cao hơn rất niều nên ai cũng vui mừng, phấn khởi. Ông Nguyễn Kiến Hoà -Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Cường – thành phố Yên bái cho biết thêm: Qua việc thực hiện mô hình chúng tôi thấy hiệu quả rất là tốt. Đường làng ngõ xóm luôn sạch sẽ, nhất là khu vực hồ Nam Cường không còn cảnh rác thải vứt bừa bãi.
Bên cạnh sự ủng hộ của bà con nhân dân trong xã thì phải nói đến sự tích cực của các thành viên trực tiếp đi thu gom rác, không quản trời mua hay trời nắng, ngày 2 buổi đi làm rất đúng giờ. Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì hoạt động của mô hình này thực sự đạt hiệu quả hơn nữa”
Hiện nay, cùng với việc đời sống vùng nông thôn ngày càng được nâng cao thì lượng rác thải sinh hoạt do người dân thải ra môi trường là rất lớn. Và chính vì khâu thu gom, xử lý rác thải lâu nay chưa được chú trọng đúng mức nên tình trạng ô nhiễm môi trường ở vùng nông thôn diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Với sự ra đời và hoạt động hiệu quả của mô hình thu gom rác thải sinh hoạt ở xã Nam Cường, thành phố Yên bái không chỉ góp phần tích cực trong công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn mà còn nâng cao nhận thức cho người dân, từng bước đưa công tác vệ sinh môi trường trở thành trách nhiệm của cả cộng đồng. Đây là mô hình bảo vệ môi trường có hiệu quả thiết thực cần nhân rộng trên địa bàn các xã vùng ven của thành phố.
(Thiên Di - Laodong)
Theo moitruongnhietdoi.vn