Mạnh tay loại bỏ doanh nghiệp thủy sản yếu kém

Thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, dịch bệnh hoành hành, thị trường bất ổn, doanh nghiệp và người nuôi phá sản... ngành thủy sản đang đối mặt với một cuộc “đại phẫu thuật.
Doanh nghiệp và người nuôi cùng “chết”

Chưa năm nào ngành thủy sản cả nước lại trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn như 6 tháng đầu năm 2012. Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chỉ riêng trong quý I/2012, đã có gần 330 doanh nghiệp (DN) “khai tử”.

Toàn ngành từ 800 DN hiện còn có 473 DN, chết hơn 40%. Số còn lại cũng đang hoạt động chỉ 20 – 40% công suất. Người nuôi tôm thì bị dịch bệnh hoành hành, người nuôi cá tra thì đã hầu như “treo ao”.

 

Khó khăn hiện nay được xem là cơ hội để phát triển, tái cấu trúc lại ngành thuỷ sản.
 
“Giá cá tra còn có 22.000 đồng/kg, cực rẻ mà chẳng có ai mua. Bởi DN đã “chết” hoặc đã hết tiền mua. Năm 2011 doanh số xuất khẩu cá tra đạt 1,8 tỷ USD nhưng năm nay thì có mà nằm mơ mới thấy con số đó” – ông Dương Ngọc Minh - Phó Chủ tịch VASEP thẳng thắn nhìn nhận.

Đồng quan điểm trên, hầu hết đại diện các DN tham gia Hội nghị thường niên VASEP 2012 diễn ra tại TP.HCM ngày 12.6 đều đánh giá rằng ngành thủy sản đã qua rồi thời kỳ phát triển hoành tráng, mà ngược lại do phát triển quá “nóng” theo bề rộng, thiếu chiều sâu đã gây ra những đổ vỡ dây chuyền và cay đắng trong ngày nay khi điều kiện bên ngoài thay đổi...

Tái cấu trúc toàn ngành

Thế nhưng nhìn từ góc độ phát triển, các DN đều cho rằng khó khăn hiện nay là cơ hội để tái cấu trúc lại ngành. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, ngành thủy sản trải qua cuộc “đại phẫu thuật” đầy thách thức này sẽ sàng lọc, loại bỏ bớt những DN yếu kém, làm ăn chụp giật theo kiểu thời vụ, cạnh tranh không lành mạnh để chỉ còn lại cộng đồng những DN thực sự mạnh, có sự đầu tư, có khả năng đối phó với khó khăn.

Để ứng cứu và tái cấu trúc lại ngành thủy sản, Ngân hàng Phát triển VN (VDB) vừa đề xuất Chính phủ cho thực hiện 2 gói cứu trợ 7.000 tỷ đồng, thông qua việc cho các DN thủy sản có hợp đồng thu mua cá tra nguyên liệu trong dân và các DN, cá nhân có vùng nuôi cá tra được vay vốn với lãi suất ưu đãi dưới 10%/năm, kỳ hạn vay 4 tháng.
Phó Chủ tịch VASEP Dương Ngọc Minh cho rằng, ngành cá tra từ 200 DN xuất khẩu hiện còn 100 là một sự đào thải tất yếu để phát triển và việc đào thải này chưa dừng lại. “Theo tôi còn lại 50 DN mới có thể ổn định được. Khi đó mới có sự điều tiết thị trường và quản lý tốt hơn” – ông Minh nói.

Cơ sở để tái cấu trúc lại ngành là hoàn toàn có. Theo phân tích của VASEP, tuy có tới 330 DN đã khai tử trong quý I nhưng hầu hết là những DN thương mại, DN nhỏ, làm ăn theo thời vụ nên không ảnh hưởng gì nhiều đến doanh số xuất khẩu.

Ngược lại doanh số của top 10 DN lớn lại cao hơn quý I năm ngoái, từ 18,5% tăng lên 20,5%. “Kết quả trên cho thấy đã có sự phân hóa mạnh trong quy mô và năng lực thực sự giữa các DN thủy sản” – ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP phân tích.

 

Ngọc Minh
Theo danviet.vn

Phân loại tin: