Lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái vào quá trình phát triển

Đến năm 2014, Dự án toàn cầu Dịch vụ hệ sinh thái sẽ thực hiện mục tiêu quan trọng nhất là lồng ghép các dịch vụ hệ sinh thái (HST) vào quá trình ra quyết định chính sách phát triển, bảo tồn đa dạng sinh học.
Việt Nam là một trong 4 địa điểm được đầu tư triển khai Dự án dịch vụ HST, ba địa điểm còn lại là Chile, Nam Phi và Lesotho, Trinidad và Tobago. Đây là dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEC) tài trợ thông qua chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), trong đó, Việt Nam được tài trợ khoảng 1,1 triệu USD cho chương trình này.
Tại Việt Nam, dự án được triển khai thí điểm tại Cà Mau do Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE) chủ trì thực hiện và được triển khai thông qua ba hợp phần chính bao gồm xây dựng các công cụ hỗ trợ cho việc lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái (HST) vào quá trình ra quyết định; lồng ghép dịch vụ HST vào khung chính sách và pháp luật hiện hành nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững dịch vụ HST; tạo ra diễn đàn trao đổi giữa các nhà khoa học và nhà lạp chính sách nhắm đảm bảo lồng ghép dịch vụ HST trong quá trình ra quyết định.
Dự án này được Thủ tướng phê duyệt năm 2009 và đưa vào triển khai từ năm 2010. Tuy nhiên, đến cuối năm 2011, dự án mới chính thức đi vào hoạt động. Sau hơn một năm triển khai, những kết quả về việc đánh giá HST rừng ngập mặn đã hoàn tất.
 
 
 
du lịch HST rừng ngập mặn (ảnh internet)

Theo kế hoạch, trong năm 2012 đến giữa năm 2013, các nhà nghiên cứu sẽ lượng hóa các dịch vụ HST bằng nhiều công cụ khác nhau, trong đó có công cụ về toán học, bản đồ học để đưa ra hệ thống con số chi phí lợi ích, tính toán cho vấn đề dịch vụ HST. Từ nửa cuối năm 2013 đến 2014, dự án sẽ thực hiện mục tiêu quan trọng nhất là lồng ghép các dịch vụ HST vào quá trình ra quyết định chính sách phát triển, bảo tồn đa dạng sinh học.
Cà Mau được chọn là nơi thí điểm thực hiện dự án bởi đây là  nơi ven biển tận cùng phía Nam của Việt Nam với hệ thống sông rạch chằng chịt, diện tích rừng lớn với 100.387 ha. Nền kinh tế của tỉnh chủ yếu dựa vào việc nuôi trồng thủy sản và trồng lúa. Việc thực hiện thí điểm sử dụng dịch vụ HST từ rừng ngập mặn bằng cách cung cấp mô hình nuôi tôm kết hợp với trồng rừng tại Cà Mau đã bước đầu cho tín hiệu khả quan.
Mô hình này giúp làm sạch nước có chứa chất thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản. Hiện tại đã có 210 hộ gia đình nhận giao khoán đất lâm nghiệp để nuôi trồng thủy sản theo mô hình rừng tôm.
PGS.TS Mai Trọng Thông, Viện Địa lý (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nhận định việc nuôi tôm lồng ghép với dịch vụ HST hiện là vấn đề khá nhạy cảm do phải đảm bảo mục đích phát triển kinh tế vừa phải bảo vệ môi trường, không làm thay đổi môi trường sống của các cá thế khác.
Vấn đề đặt ra là dự án sẽ xem xét các mô hình khác nhau để tìm ra mô hình phù hợp vừa bảo vệ được diện tích rừng ngập mặn vừa phát triển nuôi trồng thủy sản. Bà Juhrbandt, chuyên gia của dự án cho biết, những hoạt động của dự án ở Cà Mau tập trung chủ yếu vào các dịch vụ HST rừng ngập mặn.
Theo đó, các nhà nghiên cứu sẽ tập trung đánh giá các dịch vụ HST để xác định giá trị kinh tế có tính đến tác động của biến đổi khí hậu. Các đánh giá tác động về kinh tế và HST cũng được tính toán khi có sự thay đổi mục đích sử dụng đất. Ngoài ra, khả năng biến đổi các lợi ích khác nhau giữa việc phát triển rừng ngập mặn với nuôi trồng thủy hải sản và một số hoạt động kinh tế khác cũng được xem xét.

TS Thông cho biết thêm, những chính sách có thể lồng ghép dịch vụ HST sau khi dự án kết thúc là chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản của nhà nước đối với ĐBSCL; chính sách bảo vệ môi trường vùng sản xuất tôm, bảo vệ vùng nuôi tôm, kênh rạch nuôi tôm trong rừng ngập mặn để đảm bảo phát triển kinh tế gắn với bền vững HST.

Theo Kinh tế Việt Nam và Thế giới
 

Phân loại tin: