Làng tái định cư không đất...

Hiện nay nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo của tỉnh Bình Phước không có đất ở và đất sản xuất, trong đó có một làng mà 100% số hộ không còn một thước đất cắm dùi. Người dân nơi đây quen gọi là “làng tá điền”…
LTS: Bắt đầu từ số báo này, trên trang 13 của các số báo NTNN hàng ngày sẽ có trang Dân tộc và Miền núi, thay vì chỉ 2 trang trong một tuần như hiện nay. Báo NTNN rất mong nhận được sự cộng tác của bạn đọc, chuyên gia, nhà quản lý.... để nội dung trang báo thêm hấp dẫn, phong phú. Các tin, bài cộng tác xin gửi về địa chỉ ntnnhn@gmail.com. Xin trân trọng cảm ơn!

“Làng tá điền” …

Cơn mưa như trút nước khiến con đường vào khu tái định cư ấp Thuận Tân, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú lầy lội nước. Chúng tôi phải tá túc nhờ nhà ấp phó Nông Văn Minh chờ ngớt mưa, để vào thăm bằng được “làng tá điền” Thuận Tân. Anh Minh cho biết: Làng có 44 hộ, không ai còn một mảnh đất cắm dùi, đều phải đi làm thuê, làm mướn cho các chủ trang trại kiếm sống qua ngày.

Làng hình thành từ dự án khu tái định cư cho đồng bào DTTS huyện Đồng Phú năm 2002. Trong số 20.000 căn nhà xây cho đồng bào thì có tới 1.800 căn bị đồng bào chê không vào ở. Theo anh Minh, sở dĩ bà con “làng tá điền” không trả lại nhà Nhà nước vì họ nghèo quá, không còn sự lựa chọn nào khác.
 

Những căn nhà tạm bợ ở “làng tá điền” Thuận Tân.
Những căn nhà tạm bợ ở “làng tá điền” Thuận Tân.

Vào dự án Thuận Tân, các hộ đồng bào đều được cấp 1 - 1,2ha đất trồng và mỗi hộ được vay 5 - 10 triệu đồng. “Do không biết cách đầu tư sản xuất, ăn vào vốn vay, nên đến hạn phải trả cho ngân hàng, không còn cách nào khác, bà con phải bán đất đi và trở thành trắng tay” - anh Minh giải thích nguyên do cả làng không còn thước đất…

Cơn mưa vừa tạnh, anh Minh dẫn chúng tôi đến nhà chị Thị Út ở ngay đầu làng. Mới 38 tuổi mà trông chị như cụ bà 70 bởi cái nghèo, cái đói hằn rõ trên khuôn mặt người quả phụ này. Chồng chết vì bệnh sốt rét hồi đầu tháng 2 vì không tiền mua thuốc, bỏ lại cho chị 6 đứa con trong căn chòi chật hẹp 20m2. Cả nhà chị phải đi làm thuê kiếm sống. Hiện 2 con gái lớn của chị đã đi lấy chồng, chị và đứa con gái 13 tuổi vẫn đi cạo mủ thuê. Nhưng độ này, giá mủ cao su tụt giảm nên các chủ trại không có nhu cầu mướn lao động, nhất là những lao động nhỏ tuổi như con gái chị.

Đến nhà bà Thị Ớt ở giữa làng. Năm nay bà Ớt đã 56 tuổi, được coi là bậc trưởng lão trong “làng tá điền” này. Bà có tới 8 người con và thuộc diện “cùng đinh nhất”… vì không nhà, không đất, phải ở nhờ nhà của đứa cháu. 5 người con của bà đã có gia thất, còn 3 đứa nhỏ không học hành gì, hiện chỉ theo mấy người lớn tuổi làm thuê qua ngày.

Quê tối... như mực

Trong làng, người được coi là có học vấn cao nhất là anh Điểu Bảy với hơn chục năm làm tổ trưởng, quản lý cả “làng tá điền”. Nhưng anh cũng vẫn bị xếp vào loại tay trắng, không đất, không vườn, với món nợ ngân hàng 20 triệu đồng kéo dài hơn chục năm nay vẫn chưa trả được.
 

Trao đổi về vấn đề trên, ông Huỳnh Thanh - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Phước khẳng định chắc chắn: Đề án giảm nghèo cho đồng bào dân tộc sống ổn định, có đất sản xuất sẽ sớm được hoàn thiện vào cuối năm 2015...

Chúng tôi ghé thăm nhà anh Điểu Lốc, người được cả làng quý mến vì chuyên mối mai tìm kiếm việc làm cho cả làng. Sinh năm 1977, Điểu Lốc trông khá tráng kiện, khỏe mạnh, biết việc, lại có kỹ thuật trồng, chăm cao su nên không bao giờ lo thiếu việc. Anh bảo vừa đi làm bên xã Nghĩa Trung (Bù Đăng) về.

Anh khoe với chúng tôi, thường được trả ngày công khá hậu hĩnh, bình quân trên 250.000 đồng/ngày. Thậm chí có ngày anh được chủ trại “thưởng” trả tới 300.000 đồng. Khác với các hộ trong “làng tá điền”, Điểu Lốc có chiếc điện thoại hiệu Nokia mà nhờ nó anh có mối liên hệ với các chủ trại và phân phối việc cho cả làng.

Mới khoảng 6 giờ tối mà trời đã tối đen như mực. Cả “làng tá điền” không một ánh điện. Chúng tôi đành phải chia tay anh Lốc và “làng tá điền”. Trên đường về, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp những người đi làm thuê về. Nhìn cái bóng lầm lũi của họ mà lòng tôi nghẹn đắng...
 

 

Phân loại tin: