Đến dự Hội thảo có các đại biểu đến từ nhiều thành phần khác nhau gồm đại diện Sở NN và PTNT Bến Tre, Chi cục Khai thác và BVNLTS Bến Tre, Hội thủy sản Bến Tre, Ban Quản lý cảng cá Ba Tri, Bình Đại, RECERD, các nhà máy chế biến bột cá, nhà máy sản xuất thức ăn nuôi thủy sản, thương lái, và ngư dân. Ngoài ra, đến dự Hội thảo còn có các doanh nghiệp thu mua thủy sản, đại diện lãnh đạo các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới như Tesco, Seachill v.v..
Dự án Cải tiến Nghề lưới kéo ở Bến Tre được thiết kế với mục tiêu tăng cường quản lý nghề lưới kéo thông qua công cụ thị trường. Các bên trong chuỗi cung ứng sản phẩm nghề lưới kéo cùng làm việc để xác định vấn đề, tìm giải pháp và xây dựng một kế hoạch hành động nhằm giải quyết các vấn đề của nghề lưới kéo, từng bước đưa nghề này theo hướng có trách nhiệm hơn.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Cao Văn Viết, PGĐ Sở NNPTNT Bến Tre nhấn mạnh, “Bên cạnh những thành tựu và tầm quan trọng đối với sinh kế của cộng đồng, nghề lưới kéo ở Bến Tre cũng tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết. Để cải tiến nghề lưới kéo ở Bến Tre, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ trong đó ưu tiên thực hiện tổ chức lại sản xuất và cải tiến ngư cụ theo hướng có trách nhiệm hơn”.
“Đây là dự án thứ 4 mà tổ chức Đối tác Thủy sản bền vững triển khai ở khu vực Đông Nam Á, sau các dự án ở Thái Lan, Phillipin và Inđônêxia”, ông Duncan Leadbitter, đại diện của SFP phát biểu. Ngoài các dự án của SFP, hiện Bộ NN và PTNT Việt Nam đang phối hợp với FAO triển khai một dự án tương tự ở Kiên Giang, đồng thời WWF triển khai dự án Cải tiến nghề cá ngừ đại dương ở khu vực miền trung và dự án Cải tiến nghề khai thác ghẹ ở Kiên Giang.
Theo kế hoạch, dự án sẽ triển khai qua 5 bước 1) Thành lập một Nhóm công tác nhiều bên 2) Thực hiện Đánh giá nghề cá 3) Xác định nhu cầu cải tiến nghề cá 4) Xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động và 5) Báo cáo tiến độ thực hiện và chia sẻ thông tin.
Hội thảo tập trung thảo luận về cách tổ chức thực hiện dự án ở Bến Tre, bàn bạc một số giải pháp có thể hỗ trợ cải tiến nghề lưới kéo trong khi quan tâm đến sinh kế của ngư dân; phạm vi của dự án cũng như nguồn tài chính để thực hiện một số biện pháp cải tiến nghề này.
Tưởng Phi Lai