Theo Cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Bộ NNPTNT VN, chỉ riêng trong năm 2010, Indonesia đã bắt giữ 76 tàu với hơn 700 ngư dân VN đánh bắt trái phép trên vùng lãnh hải của họ. Lời mời của phía Indonesia nhằm chấp dứt tình trạng đánh bắt bất hợp pháp rồi bị bắt của một số ngư dân VN trong thời gian qua.
Ngư dân VN đang có cơ hội tốt ra biển nước ngoài khai thác để tăng thu nhập.
Tại cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp (DN) và ngư dân VN diễn ra tại TP.HCM vào ngày hôm qua (14.10), ông Rear Admiral Syahrin Abdurrahman - Tổng Cục trưởng Tổng cục Kiểm ngư (Bộ Thủy sản và Các vấn đề về biển Indonesia), đã bày tỏ mong muốn chấp dứt tình trạng trên và Indonesia sẵn sàng “trải thảm đỏ” mời các DN và ngư dân VN sang hợp tác đầu tư khai thác, đánh bắt và chế biến thủy hải sản hợp pháp tại đất nước họ.
Hiện nay Indonesia có vùng biển với trữ lượng thủy hải sản rất lớn nhưng kỹ thuật khai thác, bảo quản, chế biến thủy hải sản còn hạn chế nên hàng năm đều không khai thác hết sản lượng khai thác cho phép.
Theo ông Đỗ Anh Dũng - Giám đốc Công ty CP Đại Dương, đơn vị đã hợp tác đánh bắt trên ngư trường Indonesia từ năm 2009 đến nay cho biết, trung bình một tàu cá có thể khai thác được 50 tấn/tháng với các loại thủy hải sản có trọng lượng lớn, chất lượng tốt, còn tàu câu cá ngừ đại dương thì có sản lượng khoảng 20 tấn/tháng.
Ngoài việc tạo điều kiện cho các DN chế biến sản phẩm thủy sản đánh bắt đầu tư, phía Indonesia cũng rất mong muốn các DN nuôi và chế biến tôm, cá basa của VN sang hợp tác đầu tư tại vùng Pagua. Vì đây là vùng có điều kiện tự nhiên khá tương đồng với miền Tây Nam Bộ của VN, với diện tích khoảng 400.000km2 trong khi dân số chỉ có 2 triệu người.
Nhiều quy định khắt khe
Theo ông Hoàng Đình Yên - Phó Cục trưởng Cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NNPTNT), với tình hình thiếu nguyên liệu sản xuất trong nước như hiện nay, các DN đang khá quan tâm đến ngư trường Indonesia. Hiện đã có 5 DN VN có giấy phép khai thác, đánh bắt tại một số vùng biển Indonesia là Công ty Đại Dương (Bình Định), Thiên Triều, An Thái, Long Hải Long (đều ở TP.HCM) và Nam Cường (ở Tiền Giang).
Ông Hoàng Đình Yên cũng lưu ý các DN về các điều kiện để có giấy phép đánh bắt ở vùng biển Indonesia khá phức tạp, đòi hỏi rất nhiều giấy tờ và khá nghiêm ngặt.“Ngoài việc xây dựng đội tàu cá, phía bạn yêu cầu DN VN phải xây dựng một nhà máy chế biến thủy hải sản tại đất nước họ và thuê nhân công người Indonesia vào làm việc. Đây là những điều kiện hết sức ngặt nghèo vì ở nước ta, đội ngũ DN chế biến thủy hải sản và đội tàu cá của ngư dân tách biệt hẳn nhau, nên để có thể đầu tư sang Indonesia, 2 thành phần này phải hợp tác với nhau” – ông Yên phân tích.
Ngoài ra, một số khó khăn khác mà các DN VN đã gặp phải khi sang đánh bắt tại Indonesia cũng được nêu ra tại cuộc họp là các tàu khai thác sai vùng biển phía bạn quy định, đánh bắt các loại thủy hải sản khác với giấy phép được cấp, không đóng phí nhập khẩu tàu, không bật thiết bị định vị toàn cầu lên, thuyền viên vi phạm quyền và nơi đi lại,…
“Có trường hợp DN ở Tiền Giang hợp tác với ngư dân ta đưa tàu sang khai thác tại vùng biển Indonesia. Hợp đồng đã ghi rõ thời hạn đi là 1 năm, ấy thế mà đi chưa được mấy ngày, thuyền trưởng và thuyền viên cứ vô tư quay tàu chạy về rồi chạy qua lại nước bạn và bị bắt” - ông Yên cho hay.
Nguồn: Ngọc Minh