Hướng tiếp cận mới trong bảo tồn biển

Bờ biển dài với sự đa dạng về các hệ sinh thái đã đem lại cho Việt Nam tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế dựa vào biển, đặc biệt là khai thác, nuôi trồng thủy sản và du lịch. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với một loạt vấn đề về môi trường và các hệ sinh thái biển do các hoạt động của chính con người gây ra. Trong bối cảnh này, một số khu bảo tồn biển đã được thành lập với mục tiêu kết hợp hài hòa việc khai thác với bảo tồn tài nguyên biển.

Hài hòa các lợi ích

Tại Việt Nam, có 15 khu bảo tồn biển (KBTB) được Chính phủ phê duyệt vào năm 2000. Quá trình hoạt động, một số KBTB đã thành công trong việc bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên để phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Trong đó, KBTB Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) là minh chứng sống động nhất cho sự kết hợp hài hòa giữa công tác bảo tồn và lợi ích kinh tế. Trước đây, do quản lý chưa chặt chẽ nên sản vật rừng cùng với tài nguyên biển Cù Lao Chàm bị xâm hại trầm trọng, nhất là các rạn san hô. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái vùng rạn và nguồn lợi thủy sản của vùng biển này. Tháng 10-2003, KBTB Cù Lao Chàm được thành lập, rạn san hô ở đây được bảo vệ nghiêm ngặt. Ban quản lý KBTB Cù Lao Chàm cũng đã thực hiện thành công chương trình phục hồi san hô cứng tại 4 điểm/vùng được lựa chọn. Cù Lao Chàm hiện có 135 loài san hô, trong đó có 6 loài lần đầu tiên ghi nhận ở vùng biển Việt Nam.

Nguồn lợi thủy sản ở đảo Cù Lao Chàm đã được bảo vệ. Ảnh: CTV

Bên cạnh hoạt động bảo tồn hệ sinh thái, Ban quản lý KBTB Cù Lao Chàm còn thực hiện các hoạt động tạo sinh kế bền vững cho người dân trong và xung quanh KBTB như: Chuyển đổi các tàu khai thác thủy sản thành tàu phục vụ du lịch, tuyển các ngư dân vào đội tuần tra bảo vệ của Ban quản lý, hướng dẫn và hỗ trợ người dân trong việc phát triển mô hình Homestay phục vụ khách du lịch, trồng nấm, rau sạch, chăn nuôi... Các hoạt động trên đã giúp bảo tồn nguồn lợi thủy sản, môi trường tự nhiên, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho người dân qua việc phát triển các dịch vụ du lịch.

Còn KBTB vịnh Nha Trang (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) là 2 đơn vị đi tiên phong trong quá trình đề xuất với chính quyền địa phương về mức thu phí bảo tồn biển. Việc thu phí đã phần nào giảm bớt áp lực về tài chính cho Ban quản lý KBTB, tạo cơ chế tài chính bền vững cho hoạt động của KBTB.

 

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Ngày 26/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 742 về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2015, Việt Nam sẽ thiết lập và đưa vào hoạt động 16 KBTB trải dài từ Bắc xuống Nam. Giai đoạn 2016 đến 2020 sẽ nghiên cứu, đề xuất quy hoạch phát triển mở rộng hệ thống KBTB, thiết lập và đưa vào hoạt động một số KBTB mới. Hiện tại, đã hoàn thiện hồ sơ thành lập KBTB Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) và Hòn Mê (Thanh Hóa).

Mặc dù Quy hoạch hệ thống các KBTB đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng trong quá trình triển khai thành lập các KBTB hiện gặp không ít khó khăn, đặc biệt là việc triển khai quy hoạch và thành lập các KBTB tại địa phương. Nguyên nhân là do hệ thống văn bản pháp lý về bảo tồn biển còn rất hạn chế và chồng chéo. Đây chính là rào cản và thách thức chủ yếu trong quá trình thành lập và phát triển mạng lưới KBTB tại Việt Nam. Ngoài ra, còn có các rào cản khác như sự tham gia của các cộng đồng, các xung đột về lợi ích, phát triển kinh tế với bảo tồn. Bên cạnh đó, sự phân cấp quản lý còn chưa phù hợp với thực tiễn, chưa xây dựng được bộ tiêu chí chuẩn đối với các KBTB.

Ông Lê Xuân Ái, Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo nói rõ: “Nghị định 57 chưa xác định được tiêu chí đánh giá tầm quan trọng quốc gia cũng như chưa xác định được khu vực nào là tầm quốc gia, khu vực nào là tầm quốc tế. Tuy nhiên, việc hình thành bộ máy cho nó và cơ chế vận hành theo quy chế, khuôn khổ pháp lý việc thực thi nhiệm vụ theo chúng ta công bố mới là quan trọng”.

Từ tháng 1/2012 đến tháng 6/2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho mạng lưới KBTB Việt Nam” do Chính phủ Đan Mạch tài trợ. Dự án đã mang lại những kết quả khả quan như đã xây dựng được Bộ tiêu chí lựa chọn, xác định thành lập một KBTB tại Việt Nam; xây dựng và ban hành được thông tư về quy định thành lập và quản lý KBTB cấp tỉnh; hoàn thiện xong dự thảo hướng dẫn khung Quy chế quản lý KBTB cấp tỉnh...

Ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Ban quản lý Dự án cho biết: Dự án đã rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp lý về bảo tồn biển ở Việt Nam để có được những bài học kinh nghiệm, các hướng dẫn về trình tự thủ tục thiết lập một KBTB, cách lập kế hoạch quản lý, các mô hình thu lệ phí, các tiêu chí để thành lập mới KBTB. Ngoài ra, Dự án đang tham gia hỗ trợ việc thiết lập mới một số KBTB trọng điểm cấp quốc gia như: Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Hải Vân – Sơn Chà (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng)... Dự án cũng đã có những đề xuất và kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước về những nội dung cần sửa đổi trong hệ thống chính sách, văn bản quản lý về lĩnh vực bảo tồn biển để sớm hoàn thiện, ban hành”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn cần phải hoàn thiện hơn nữa khuôn khổ pháp lý để thành lập và phát triển mạng lưới KBTB.

Xuân Hương

Theo Báo Biên phòng

 
 

Phân loại tin: