“Hung thần” giã cào bay

Nhiều ngư dân đã phải tốn cả chục triệu đồng mua sắm lại ngư lưới cụ vì bị “hung thần”giã cào bay càn quét, nhiều người bức xúc dùng cả thuốc nổ để trị...
Nỗi ám ảnh của ngư dân nghèo
Không những xé toạc, cuốn phăng tất cả lưới và ngư cụ nằm trong khu vực hành nghề, những chiếc tàu giã cào bay sẵn sàng tông vào ghe, thuyền của bất cứ ngư dân nào dám ra ngăn cản, truy đuổi. Lão ngư Lê Văn Thanh (61 tuổi, ở xã Đức Minh, huyện Mộ Đức) lắc đầu: Những ngư dân bãi ngang thường nghèo. Vì nghèo nên chỉ khi trời yên biển lặng, chúng tôi mới dám chèo thuyền ra biển thả lưới gần bờ để kiếm sống qua ngày. Từ khi tàu giã cào bay xuất hiện, dân nghèo bãi ngang còn khốn khó hơn vì hải sản không còn để khai thác, đấy là chưa nói bị tàu giã cào cuốn phá lưới.
Tại xã Đức Minh có trên 200 ghe, thuyền máy đánh bắt ven bờ thì 100% ghe thuyền bị tàu giã cào đôi phá hại ngư lưới cụ. Người ít thì thiệt hại vài trăm ngàn đồng, nhiều thì hàng chục triệu đồng. Ngư dân Trần Thanh Vân (34 tuổi, Đức Minh) kể: Hơn nửa tháng trước, tôi mới vừa thả lưới xong chưa kịp nghỉ, thì thấy cặp tàu giã cào bay lù lù chạy ngang qua đầu lưới phía bên kia. Tôi hò hét báo hiệu đã thả lưới nhưng tàu kia vẫn càn quét qua khiến tôi mất 1/2 số lưới, thiệt hại hơn 6 triệu đồng.
 
 
Đại đa số phương tiện đánh bắt của ngư dân bãi ngang là thuyền chèo tay, hay gắn máy công suất nhỏ.

Không “may mắn” như anh Vân, khoảng 10 ngày trước, hơn 20 tay lưới của ngư dân Nguyễn Văn Thành (45 tuổi, ở cùng xã) cũng bị một đôi giã cào bay cào sạch. Anh Thành phải tốn 15 triệu đồng để mua lại lưới mới. “Từ đây đến Tết cổ truyền mà trời yên biển lặng, may ra mới thu hồi lại được số tiền bỏ ra mua lại dàn lưới này” - anh Thành thở dài.
Nuốt uất giận vào trong
Để tránh họa giã cào bay, ngư dân bãi ngang vừa thả lưới, vừa trông chừng, đồng thời cột phao làm hiệu. Ngư dân Nguyễn Văn Lâm (xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức) lắc đầu: Nhiều hôm trời êm, chỉ riêng ở khu vực biển Đức Minh số lượng giã cào bay hoạt động lên đến cả trăm chiếc chong đèn sáng rực trời để cào, kéo. Chúng tôi không còn chỗ để thả lưới nữa. Thả ở đâu cũng gặp giã cào bay.
Không chỉ dân đánh lưới mà ngay cả số thả bóng để bắt mực, hay trồng chà để câu cá cũng không thoát khỏi thiệt hại vì giã cào bay. Muốn làm được một cây chà dụ cá đến trú để câu, ngoài tốn 200.000-300.000 đồng mua các loại vật liệu, ngư dân phải bỏ rất nhiều công sức để làm, rồi hì hục kéo ra biển, chọn địa điểm thả. Sau đó phải đợi một thời gian cá mới đến. Thế nhưng chẳng may hôm đó chà nằm trên đường của giã cào bay hành nghề, chắc chắn sẽ bị cào đi mất.
Một số ngư dân đưa thuyền ra ngăn cản khi thấy giã cào bay hoạt động tại khu vực thả lưới, thả chà. Nếu thấy đông thuyền, ghe chạy ra thì tàu giã cào bay tránh đi, còn nếu chỉ có 1-2 chiếc thì tàu giã cào bay không những không chạy mà còn tông cho hư thuyền ghe của ngư dân. Một ngư dân tên Hùng, ở bãi ngang huyện Tư Nghĩa, kể: Mới đây, khi phát hiện một cặp giã cào bay đang kéo lưới vào đúng mấy cây chà của mình, tôi liền chạy thuyền máy ra để ngăn. Tuy nhiên, chiếc giã cào bay không thèm đếm xỉa gì đến lời cảnh báo, cứ lao đến, ủi thẳng vào. Cũng may anh Hùng né kịp nhưng thuyền của anh đã bị chiếc giã cào bay va vào làm hỏng phần mũi, đồng thời bị quay vòng suýt chìm. Thấy mấy người trên chiếc giã cào bay mặt mày lạnh tanh, anh Hùng đành quay thuyền chạy vào bờ và uất ức đứng nhìn theo mấy cây chà đang bị giã cào bay cào đi.
Giã cào bay là tên mà ngư dân ở các vùng bãi biển ngang tỉnh Quảng Ngãi đặt cho những chiếc tàu hành nghề khai thác hải sản bằng hình thức giã cào ở ven bờ. Những chiếc giã cào này thường có công suất trên 90 CV, tốc độ 12-15 hải lý/giờ. Tàu giã cào bay luôn đi cặp. Sau khi thả lưới xong, 2 tàu sẽ chạy song song với nhau để kéo lưới. Với chiều dài của dàn lưới giã cào bay từ 500-1.500m và thả sâu đến tận đáy, mắt lưới lại nhỏ nên các loại hải sản tôm, cua, cá, mực lớn bé nằm giữa 2 tàu gần như bị quét sạch.
Công Xuân (danviet.vn)

Phân loại tin: