Hội thảo về truy xuất nguồn gốc đối với các hộ nuôi tôm quy mô nhỏ ở Cà Mau

13/06/2011
Hội thảo về truy xuất nguồn gốc đối với các hộ nuôi tôm quy mô nhỏ ở Cà Mau
Ngày 10 tháng 6 năm 2011 tại hành phố Cà Mau, đại diện RECERD đã tham dự Hội thảo “Phát triển nuôi tôm bền vững: truy xuất nguồn gốc đối với các hộ nuôi tôm quy mô nhỏ” do WWF Việt Nam, và Sở NN PTNTN tỉnh Cà Mau tổ chức.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của trên 60 đại biểu, chủ yếu là nông dân và cán bộ địa phương của 2 tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau. Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu (Binca seafood, Đại dương, Seanamico), doanh nghiệp thu mua thủy sản (Butler Choice), đại diện thương lái, trung tâm ICAFIS thuộc Hội nghề cá Việt Nam, hội thủy sản Cà Mau và Sóc Trăng, các doanh nghiệp chứng nhận (BUREAU VERITAS), đại học Cần Thơ cũng tham gia và đóng góp ý kiến tích cực cho hội thảo.
“Nông dân chúng tôi không tiêm chích tạp chất hay sử dụng kháng sinh bị cấm nhưng lại thường bị đổ oan là thủ phạm. Chúng tôi mong muốn có một cơ chế nào đó kiểm soát mạnh mẽ hơn, không để tiếng oan cho người nuôi tôm”. Ông Nguyễn Thành Lập, đại diện HTX Tân Dân, Đầm Dơi, Cà Mau phát biểu.
Hội thảo đều thừa nhận vai trò quan trọng của lực lượng thương lái trong việc thu gom, tập kết sản phẩm cho nông dân sản xuất nhỏ và cấu nối liên lết với các nhà máy chế biến, tuy nhiên đây cũng là mắt xích tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến mất vệ sinh an toàn thực phẩm, khó truy xuất nguồn gốc.

“Nạn tiêm chích tạp chất, làm xấu hình ảnh con tôm Việt Nam thời gian qua chủ yếu do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún khiến doanh nghiệp không thể thu mua trực tiếp của nông dân mà phải phụ thuộc vào thương lái. Mỗi khi khan hiếm hàng, việc kiểm tra tại trạm tiếp nhận của một số doanh nghiệp chưa được chặt chẽ, vì vậy đã để lọt lưới một số lô hàng, ảnh hưởng lớn đển uy tín và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, do mạng lưới thương lái dày đặc, lại phân tán nên quản lý nhà nước và kiểm soát toàn diện đối với các lực lượng này là điều rất khó thực hiện”-một đại biểu ẩn danh trong hội thảo cho biết.

Sau khi đại diện tư vấn ICAFIS trình bày dự thảo mô hình truy xuất nguồn gốc cho các xã điểm dự án của WWF Việt Nam tại Cà Mau và Sóc Trăng, nhiều ý kiến góp ý được đưa ra nhằm hoàn thiện mô hình và lưu ý trong quá trình thực hiện. Ông Trương Quốc Bình, Phó chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Cà Mau cho rằng, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và tập huấn để người dân thực hiện ghi chép các thông tin trong quá trình nuôi là việc làm hết sức cần thiết, bởi tập quán người nông dân ngại ghi chép, giấy tờ.

                     
Hội thảo về truy xuất nguồn gốc đối với các hộ nuôi tôm

“Thực hiện truy xuất nguồn gốc từ ao nuôi là công việc không chỉ có ý nghĩa lớn về nâng cao chất lượng sản phẩm và trách nhiệm xã hội, mà còn giúp cho cả người nuôi, nhà doanh nghiệp chế biến và người tiêu dùng được lợi, việc này có thể làm tăng giá trị sản phẩm cho những lô hàng có truy xuất nguồn gốc rõ ràng”. Ông Phạm Quốc Lâm, đại diện Butler Choice cho biết.
Tiến sỹ Flavio Corsin, Giám đốc ICAFIS bổ sung “Việt Nam có khoảng gần một nửa triệu nông dân nuôi tôm quy mô nhỏ, phần lớn tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long, và nếu thực hiện thành công truy xuất nguồn gốc đối với nhóm hộ này, thì tác động của việc làm ấy là không hề nhỏ”.

“Đúng là thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với các hộ sản xuất nhỏ là không đơn giản, tuy nhiên nếu chúng ta không làm ngay thì có lẽ vấn đề sẽ không bao giờ giải quyết được. Dự án của WWF có thể sẽ là cơ hội để nông dân nuôi tôm quy mô nhỏ ở 2 tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau đi tiên phong trong thay đổi thực hành ghi chép để thực hiện truy xuất thông qua mô hình tổ hợp tác và HTX”. Ông Tưởng Phi Lai,  Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Phát triển Nông thôn (RECERD) nhấn mạnh.
Sau hội thảo, dự án của phía WWF Việt Nam có thể sẽ thí điểm thực hiện truy xuất nguồn gốc ở 21 tổ hợp tác/hợp tác xã nuôi tôm của 2 tỉnh Cà Mau và Sóc Trăng trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy chứng nhận và Thực hành quản lý tốt hơn đối với các hộ nuôi tôm quy mô nhỏ ở Việt Nam” do DANIDA tài trợ thông qua WWF Đan Mạch. Một trong những mục tiêu của dự án là tăng cường sự tham gia của nông dân sản xuất nhỏ vào xây dựng bộ tiêu chuẩn nuôi tôm bền vững (ShAD) và từng bước đạt được chứng chỉ của Hội đồng Nuôi trồng thủy sản bền vững (ASC) sau 3 năm thí điểm dự án.

 
Để biết thêm thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ Ông Tưởng Phi Lai email : lai.recerd@gmail.com
Tưởng Phi Lai

Phân loại tin: