Hội thảo Định hướng Chiến lược Thủy sản xuất khẩu thông qua phân tích chuỗi giá trị thủy sản

22/11/2011
 
Ngành Thủy sản Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm vừa qua, bên cạnh những thành công đạt được, ngành cũng đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc đảm bảo tính cạnh tranh cũng như tính bền vững của ngành. Để tìm giải pháp vượt qua những thách thức ấy, việc định hướng, tìm kiếm, xác định một chiến lược phát triển phù hợp là điều vô cùng cần thiết, không chỉ cho sự phát triển của ngành mà còn cho sinh kế của hàng triệu người dân.
 
Ngày 22 tháng 11 2011, tại thành phố Hồ Chí Minh Tổ chức Hỗ trợ Nhập khẩu từ các nước đang phát triển Hà Lan (CBI) và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy Sản Việt Nam (VASEP) đã phối hợp tổ chức hội thảo “Định hướng Chiến lược Phát triển xuất khẩu Thủy sản Việt Nam vào Thị trường Châu Âu”.  Hội thảo có sự tham dự của nhiều bên liên quan trong chuỗi sản xuất thủy sản như các doanh nghiệp chế biến, chuyên gia nghiên cứu từ các trường đại học, tổ chức phi chính phủ, đại diện từ cơ quan quản lý của nhà nước, hiệp hội, ngân hàng vv..
 
Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Phát triển nông thôn và LEI-Đại học Wageningen Hà Lan là đơn vị tư vấn, cung cấp thông tin đầu vào-dự thảo kết quả chính phân tích chuỗi giá trị thủy sản xuất khẩu đối với 4 nhóm ngành hàng: tôm nước lợ; cá tra; cá ngừ và thân mềm hai mảnh.
 
Nội dung chính của hội thảo bao gồm (i) đánh giá, nghiên cứu những phân ngành trong chuỗi giá trị về những khó khăn trở ngại và giải pháp (ii) cùng xây dựng và chia sẻ quan điểm về những trở ngại chung và giải pháp (iii) tìm kiếm cơ hội và cùng hợp tác để giải quyết những khó khăn trở ngại cùng các biên liên quan (iv) xây dựng kế hoạch hành động để thúc đẩy sự hỗ trợ cho ngành công nghiệp.
 
Thông qua hình thức thảo luận, làm việc nhóm trên một số mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như tôm, cá tra, cá ngừ, nghêu, các bên tham gia đã nêu bật nên những khó khăn, trở ngại đáng kể nhất đối với ngành cũng như đưa ra những giải pháp tiềm năng.  Những khó khăn được liệt kê bao gồm (i) khó khăn đảm bảo sự ổn định về sản lượng, chất lượng sản lượng (ii) thiếu sự phối hợp giữa nhà sản xuất, nhà cung cấp nguyên liệu và nhà chế biến (iii) thiếu liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, ngân hàng, chính phủ…(iv) thiếu tính bền vững (v) thiếu đầu tư hạ tầng công nghệ (vi) cạnh tranh không công bằng, rào cản thương mại (luật chống bán phá giá, tiêu chuẩn).
 
Những giải pháp được đề xuất được nêu lên bao gồm tăng cường lên kết quản lý giữa những bên liên quan trong chuỗi sản xuất, cải thiện chất lượng cũng như tính áp dụng của các chính sách của nhà nước cho ngành thủy sản, tăng cường tính bền vững của ngành sản cũng như sự hỗ trợ từ những bên liên quan như về cơ sở hạ tầng, nguồn vốn, kỹ thuật, vv.
 
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 80 đại biểu, đến từ các cơ quan nhà nước (Sở NN PTNT); các Hiệp hội (VCCI, VASEP, Hội nghề cá, Hội cá ngừ, nghêu, tôm); các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và cung ứng dịch vụ đầu vào, thương lái và nhà sản xuất. Ngoài ra, còn có các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ; ngân hàng, các nhà tài trợ và truyền thông.
 
Hội thảo là cơ hội để tất cả các bên trong chuỗi ngành hàng thủy sản chia sẻ, phân tích, tương tác và hiểu rõ hơn về ngành và về nhau. Các thông tin và nội dung thảo luận còn là cơ sở để tìm kiếm những giải pháp phù hợp và có tính thực tế trong việc thúc đẩy, tăng cường tính hợp tác, liên kết để cải thiện tính bền vững của ngành cũng như đem lại giá trị  và lợi ích cho tất các các tác nhân trong chuỗi ngành hàng thủy sản.
 
Mai Thành Chung
 

Phân loại tin: