Hài hòa lợi ích để phát triển bền vững

Trong xu thế phát triển, bài toán về môi trường cho đến nay vẫn được xem là vấn đề phải đánh đổi của các nước đang phát triển. Tuy nhiên, theo các chuyên gia vẫn có thể dung hòa được cả hai yếu tố này nếu có sự chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo tiến sĩ Phạm Thái Lai, Tổng giám đốc Tập đoàn Siemens Việt Nam, Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ việc phát triển kinh tế, đô thị hóa quá nhanh. Theo tính toán, vào năm 2020 sẽ có 70% dân số thế giới sẽ di chuyển về các đô thị lớn để sinh sống. Ở Việt Nam, con số này vào khoảng 45% và đến năm 2030 sẽ là 60%. Việc dân số sinh sống ở các đô thị lớn ngày càng tăng đã và đang gây ra những mặt tiêu cực như quá tải về cơ sở hạ tầng, tác động đến môi trường không khí, nước và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Do đó, phát triển xanh là một trong những hướng đi tất yếu mà Việt Nam cần quan tâm một cách đặc biệt để thích ứng với tình trạng này. Chỉ có điều, việc phát triển xanh ở Việt Nam đang gặp một số khó khăn nhất định như nguồn vốn, công nghệ, nhân lực và nhận thức.

Ảnh minh họa: Geographyalltheway.com/Vietnamnet

Ảnh minh họa: Geographyalltheway.com/Vietnamnet

Đồng thuận với quan điểm trên, ông John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam và Lào, cho biết phát triển xanh là hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế thế giới hiện nay. Đó là tăng trưởng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế thuần mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên nuôi dưỡng cuộc sống con người, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải có những chính sách cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia, nhất là các doanh nghiệp tư nhân. Việt Nam không nên phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn FDI mà cần phải có những giải pháp hữu hiệu để có sự tham gia của toàn xã hội. Kinh nghiệm phát triển bền vững tại Đan Mạch cho thấy, chính phủ rất quan tâm xây dựng chính sách hỗ trợ về vốn, khung pháp lý cho các doanh nghiệp để đầu tư phát triển xanh. Hiện nay, Đan Mạch được xem là quốc gia hàng đầu trong việc sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển các sản phẩm xanh thân thiện với môi trường.

Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch EuroCham, cũng phân tích thêm, xét trong dài hạn, đầu tư vào kinh tế xanh sẽ cải thiện hiệu quả kinh tế và tăng tổng lượng của cải trên toàn cầu. Mặt khác, sự đầu tư đó sẽ đem lại hiệu quả trong việc phục hồi các nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo, giảm thiểu những rủi ro môi trường. Với các nước đang phát triển, mặc dù biết vậy nhưng về dài hạn nguồn vốn sẽ gặp nhiều trở ngại, vì các nước này còn phải tập trung nguồn lực cho xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Tuy nhiên, nếu có những giải pháp thích hợp đều có thể thực hiện được mục tiêu thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, sự hỗ trợ lẫn nhau và bằng nội lực của mỗi nước. Điều quan trọng, Chính phủ cần hoàn thiện khung pháp lý cho doanh nghiệp đầu tư vào phát triển xanh và hệ thống công cụ quản lý môi trường.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần hỗ trợ vốn từ hệ thống ngân hàng, các tổ chức… Cần triển khai các chương trình tuyên truyền, kêu gọi người tiêu dùng thay đổi tâm lý quay sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Có như vậy mới tăng kích cầu tiêu dùng xanh, tạo động lực để kích thích nền sản xuất xanh phát triển.

Theo Minh Hải/Sài Gòn Giải Phóng, 09/09/2013

 
 
ShareThis Copy and Paste

Phân loại tin: