Hiện nay, đốt trước đã được áp dụng ở nhiều nơi, trong đó thực hiện triệt để nhất là đốt trước cho rừng trồng thông ở Lâm Đồng. Ngoài ra đốt trước còn được thực hiện ở Gia Lai, Đắc Lăk, Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Ninh v.v... Tuy nhiên, ở phần lớn các khu vực người ta tiến hành đốt trước theo kinh nghiệm, việc nghiên cứu hoặc tổng kết công nghệ đốt trước với mỗi loại rừng ở mỗi khu vực còn hạn chế. Bài báo này trình bày một phần kết quả của đề tài KC0824 về một số nội dung trong công nghệ đốt trước như mùa đốt trước, thời điểm đốt trước, thu gom vật liệu trong đốt trước, kiểm soát đám cháy trong đốt trước, an toàn trong đốt trước và chu kỳ đốt trước: - Mùa đốt trước Mùa đốt trước được xác định là khoảng thời gian trong năm mà vật liệu dưới rừng chưa khô hẳn, lớp phía trên đã khô song lớp dưới còn ẩm, lớp thảm khô đã có thể cháy song một phần cây bụi và cỏ còn tươi chứa nhiều nước, khó cháy. Vì vật liệu cháy chưa đủ khô nên khi bị đốt chúng không cháy hết mà vẫn còn lại 30 – 50%. Khi đốt trước đám cháy được hình thành, song lửa yếu và tốc độ lan tràn chậm, dễ bị tắt ở nơi vật liệu còn ẩm hơn hay nơi ít vật liệu hơn. Bằng việc tạo ra những đường băng nhỏ được cào bớt vật liệu khô, băng cây xanh chống cháy, giải rừng được vệ sinh, hay việc dùng dụng cụ thủ công đập trực tiếp vào ngọn lửa con người có thể khống chế được đám cháy trong đốt trước. Trong thực tế mùa đốt trước thường là vào đầu mùa khô khi những đám cháy đầu tiên có thể xuất hiện, và kết thúc khi các đám cháy sắp trở nên phổ biến, khó kiểm soát. Phân tích quy luật biến đổi của thời tiết và đặc điểm vật liệu cháy cho thấy mùa đốt trước ở Tây Nguyên cần bắt đầu vào cuối giữa tháng 1 và kết thúc vào giữa tháng 2 hàng năm. Tuy nhiên, đốt trước với rừng tự nhiên thường muộn hơn so với rừng trồng, nên bắt đầu vào tháng 2. - Thời điểm đốt trước, Thời điểm đốt trước là thời điểm trong ngày có thể thực hiện đốt trước một cách an toàn. Nó được xác định trên cơ sở phân tích quy luật diễn biến của độ ẩm vật liệu cháy theo thời gian trong ngày. Trên thực tế thời điểm đốt trước là thời điểm mà độ ẩm vật liệu cháy vượt quá một giới hạn nhất định để có thể kiểm soát được đám cháy, theo kết quả nghiên cứu của đề tài này thì đốt trước ở rừng thông cần thực hiện khi độ ẩm vật liệu cháy 30-50%, ở rừng khộp là 20-25%. Phù hợp với yêu cầu này thì thời điểm đốt cần bắt đầu vào khoảng 18 giờ hàng ngày và kết thúc trước 9 giờ sáng hôm sau. - Thu gom vật liệu cho đốt trước, Đốt trước ở các rừng trồng non có thể làm chết cây. Vì vậy, cần gom vật liệu cháy vào giữa những hàng cây để ngọn lửa không làm chết cây trồng. Khoảng cách gom vật liệu phải cách xa tán cây trồng ít nhất 2 lần chiều cao ngọn lửa. Việc thu gom vật liệu cháy đối với những rừng mới trồng tương đối tốn công sức. Vật liệu cháy trong trường hợp này chủ yếu là cỏ và cây bụi. Vì vậy, phải cắt trước khi thu gom. Trong đề tài này việc việc đốt trước với những rừng mới trồng được để xuất theo công nghệ đốt hai lần lặp, có thể mô tả bằng một số bước sau: (1)- Cắt và làm khô cỏ ở giữa những hàng cây trồng. Sau khi kết thúc mùa mưa chừng 1 tháng sử dụng máy cắt cỏ cách gốc chừng 30-40cm theo băng ở giữa những hàng cây trồng. Chiều rộng băng bằng khoảng 2/3 khoảng cách giữa hai hàng cây. (2)- Đốt cỏ lần 1. Chờ cho đến khi các thân cỏ bị cắt đã khô nhưng những cây cỏ không bị cắt vẫn tươi tiến hành đốt lần 1. Lần đốt này không làm cháy gốc cỏ ở băng cắt nhưng làm chúng bị chết nóng. Một phần vật liệu cháy tinh ở băng cỏ còn tươi cũng bị cháy song chúng không tạo ngọn lửa lớn làm chết cây con. (3)- Đốt cỏ lần 2. Chờ cho đến khi các gốc cỏ ở băng cắt bị chết đã khô, tiến hành đốt lần 2. Các ô cỏ quanh cây trồng vẫn chỉ bị cháy một phần phía ngoài, do đó, không làm chết cây trồng. Sau hai lần đốt phần lớn gốc cỏ cùng với những chồi mới mọc của chúng ở băng trống đã bị cháy. Mặt đất còn lại những tàn than và gốc cỏ bị chết nóng. Chúng tạo thành băng trắng ngăn cản sự lan tràn của các đám cháy có thể hình thành trong thời kỳ nguy có nguy cơ cháy cao. Theo công nghệ này những ô cỏ tươi không bị cắt có tác dụng như những lớp áo che chở cho cây trồng. Ngọn lửa do đốt trước tạo ra làm cho chúng bị cháy táp một phần và không còn là vật liệu nguy hiểm để tạo thành đám cháy lớn trong thời kỳ có nguy cơ cháy rừng cao. - Kiểm soát đám cháy, Kiểm soát đám cháy là một trong những nội dung quan trọng của đốt trước. Kiểm soát sẽ đảm bảo duy trì cường độ cháy và tốc độ làn tràn của lửa không vượt quá giới hạn nhất định, không bùng phát thành cháy rừng, không làm chết cây trồng và dừng lại ở những ranh giới định trước. Việc kiểm soát đám cháy được thực hiện bằng phối hợp nhiều yếu tố kỹ thuật khác nhau như chọn thời điểm đốt, tạo băng trắng ngăn cản cháy lan, vệ sinh rừng để không cho cháy mặt đất trở thành cháy tán, đốt trước nhiều lần, và trực tiếp dập tắt đám cháy khi bùng phát không theo dự kiến. : (1)- Chọn thời điểm đốt trước Kết quả phân tích trên đã cho thấy thời điểm đốt trước là thời điểm mà độ ẩm vật liệu cháy còn ở mức 20-30% với rừng khộp (và cây lá rộng nói chung), 35-50% với rừng thông (và cây lá kim nói chung). Độ ẩm này đảm bảo một phần vật liệu cháy ở lớp dưới không bị cháy do còn ẩm ướt. Lượng nhiệt toả ra của quá trình cháy phải tiêu tốn phần lớn cho sấy khô các vật liệu cháy. Thời điểm đốt trước là vào sau 18 giờ hàng ngày cho đến 9 giờ sáng hôm sau. Đây là thời kỳ nhiệt đột không khí đã hạ thấp, vật liệu cháy hút nước của không khí làm độ ẩm của nó tăng lên, ngoài ra đây cũng là thời điểm nhiệt độ không khí trong ngày đã giảm xuống, độ ẩm không khí tăng lên và gió không quá mạnh. Vì vậy, dễ dàng kiểm soát ngọn lửa. (2)- Tạo băng ngăn cản cháy lan Ngọn lửa trong đốt trước có thể cháy lan theo các hướng khác nhau. Vì vậy, để khống chế ngọn lửa không cháy vào cây trồng, không cháy ra ngoài diện tích thiết kế cần tạo những băng ngăn cách ngọn lửa với vật liệu ẩm hơn hoặc không còn vật liệu cháy. Băng ngăn cách có thể là những dải rừng hỗn giao các loài cây bản địa. Chúng là những loài cây thường xanh tạo nên độ tàn che cao, có khả năng giữ nước và làm cho đất cũng như vật liệu ẩm ướt. Khi ngọn lửa lan đến những dải rừng này sẽ tự tắt vì vật liệu cháy ít hơn hoặc ẩm hơn. Băng ngăn cách cũng có thể được tạo ra bằng việc giữ lại những băng cây bụi thảm tươi không bị cắt. Chúng còn hàm lượng nước cao trong thân nên khi lửa trong đốt trước lan đến sẽ tự tắt do vật liệu cháy trở lên ẩm ướt. Băng ngăn cách cũng có thể được tạo ra bằng cách dọn sạch vật liệu cháy trên mặt đất. Khi lửa lan đến sẽ tự tắt do hết vật liệu cháy. (3)- Vệ sinh rừng Trong một số trạng thái rừng mới trồng đặc biệt là rừng thông thì sự kết hợp của cỏ và cây bụi mặt đất với những cành lá khô ở phần dưới tán có thể làm cho vật liệu cháy phân bố tương đối liên tục theo chiều cao. Khi ngọn lửa mặt đất lan đến chúng dễ dàng phát triển thành cháy tán và gây cháy rừng không kiểm soát được. Vệ sinh rừng trong những trường hợp này làm cho lửa trong đốt trước được hạn chế trong đám cháy mặt đất mà không phát triển thành cháy tán rừng. (4)- Đốt trước nhiều lần Đốt trước nhiều lần kết hợp với kỹ thuật phát làm khô một phần vật liệu cháy vào những thời điểm khác nhau sẽ đảm bảo tạo được sự khác biệt về khả năng cháy của những diện tích khác nhau. Nhờ đó, định hướng được ngọn lửa trong đốt trước lan trên những diện tích này mà không lan trên những diện tích khác. (5) Trực tiếp dập tắt đám cháy khi bùng phát không theo dự kiến Trong một số trường hợp những băng ngăn cách được tạo ra để ngăn cản cháy lan không đảm bảo, vệ sinh rừng chưa triệt để, hoặc thời tiết diễn biến không như dự kiến v.v... thì ngọn lửa trong đốt trước vẫn có thể lan qua băng ngăn cách ở chỗ này hay chỗ kia, leo lên tán cây ở chỗ này hay chỗ khác, hoặc tàn than cuốn ra khỏi diện tích đốt trước và tạo thành đám cháy ngoài dự kiến v.v... Vì vậy, trong qúa trình đốt trước người ta phải bố trí lực lượng theo dõi và sẵn sàng dập trực tiếp vào ngọn lửa khi chúng bùng phát ngoài dự kiến. - An toàn trong đốt trước và An toàn là nội dung quan trọng cần thực hiện trong đốt trước. Để đảm bảo an toàn người thực hiện được trước cần được tập huấn để nắm vững kỹ thuật đốt trước, phải được trạng bị đầy đủ bảo hộ lao động và những thiết bị dập cháy khi cần thiết. Ngoài ra hoạt động đốt trước cần được thực hiện theo những phương án đã được phê duyệt bởi các cơ quan chức năng có đủ chuyên môn và thẩm quyền. - Chu kỳ đốt trước và tỷ lệ diện tích đốt trước hàng năm Chu kỳ đốt trước là khoảng thời gian lặp lại hoạt động đốt trước tính bằng năm. Chu kỳ đốt trước càng dài thì ảnh hưởng tiêu cực của nó đến hoàn cảnh sinh thái càng ít. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chu kỳ đốt trước dài sẽ làm cho khối lượng vật liệu cháy tích tụ được tăng và nguy cơ cháy rừng cũng lớn lên, việc kiểm soát ngọn lửa trong đốt trước trở lên khó khăn. Vì vậy, người ta thường xác định chu kỳ đốt trước là khoảng thời gian dài nhất mà ngọn lửa trong đốt trước vẫn có thể kiểm soát được. Như vậy, chu kỳ đốt trước được quyết định trên cơ sở phân tích quy luật tích tụ vật liệu cháy và sự phụ thuộc của cường độ cháy vào khối lượng vật liệu. Theo hướng dẫn của Cục kiểm lâm thì chu kỳ đốt trước được xác định chung cho các loại rừng là khoảng 5-6 năm và tỷ lệ diện tích đốt trước hàng năm là khoảng 15-20%. Tuy nhiên, nghiên cứu ở Tây Nguyên cho thấy, trong điều kiện cực kì khô hạn ở đây thì chu kì đốt trước được xác định là 3-4 năm với rừng khộp và 4-5 năm với rừng thông. Như vậy, tỷ lệ diện tích đốt trước hàng năm với rừng khộp khoảng 25-30% còn với rừng thông là 20-25% |
Tác giả: TS. Bế Minh Châu, PGS.TS Vương Văn Quỳnh |
Đốt trước là một biện pháp kĩ thuật dùng lửa để làm giảm 50 –70% khối lượng vật liệu ngay từ đầu mùa khô. Với ngọn lửa yếu đốt trước không làm tổn hại đáng kể đến sinh trưởng của cây rừng, đến điều kiện thổ nhưỡng và hoàn cảnh sinh thái nói chung. Do làm giảm khối lượng vật liệu cháy, chủ yếu là vật liệu cháy tinh, mà đốt trước có tác dụng làm giảm khả năng bén lửa gây cháy rừng vào thời kỳ nóng hạn nhất.
Rừng khộp ở Tây Nguyên vào mùa khô