Nguồn lực cho công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS) đang còn hạn chế cả nhân lực lẫn vật lực. Cả nước chỉ có 67 tàu kiểm ngư phục vụ số tàu thuyền kể trên. Số lượng thanh tra viên và cán bộ phòng, ban hiện không đủ kiểm soát hoạt động khai thác trên vùng biển Việt Nam. Trang thiết bị kiểm tra kiểm soát vừa thiếu vừa yếu, lại không đủ kinh phí triển khai rộng khắp. Các quy định, chế tài quản lý, bảo vệ NLTS chưa đủ mạnh. Luật và nhiều quy định dưới luật về khai thác, bảo vệ NLTS có nhưng thực thi chưa nghiêm. Trong khi đó, chi phí quản lý, kiểm tra, kiểm soát rất tốn kém.
Toàn thế giới hiện có khoảng 51 triệu ngư dân; trong đó 50 triệu ngư dân (chủ yếu ở các nước đang phát triển) khai thác theo quy mô nhỏ. Nhiều nhà nghiên cứu và quản lý đang tích cực tìm phương pháp quản lý mới. Một trong những phương pháp được coi là triển vọng nhất, đang được hầu hết các nước áp dụng đó là tiếp cận phối hợp quản lý người sử dụng (chính là ngư dân) và các cấp chính quyền thông qua cơ chế đồng quản lý (hoặc quản lý dựa vào cộng đồng).
Cần chính sách phù hợp
Đồng quản lý nghề cá ở Việt Nam đang đối mặt 3 thách thức chính từ góc độ pháp lý, tài chính, nhân lực.
Đến nay, sau gần 20 năm thí điểm phương thức đồng quản lý nghề cá, việc xây dựng khung pháp lý vẫn chưa hoàn thiện. Khó khăn lớn nhất hiện nay của các mô hình vẫn là quyền khai thác - quyền được khai thác NLTS ở một vùng nước nhất định, do cấp có thẩm quyền xác lập và giao cho một tổ chức tiếp nhận, nhằm hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ NLTS, ở cấp cơ sở (hoặc 1 ngư trường), chưa được hướng dẫn cụ thể, để các cấp có thẩm quyền trao cho các mô hình đồng quản lý cấp cơ sở. Đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết các điều khoản liên quan thực hiện đồng quản lý. Đây cũng là khó khăn lớn nhất đối với hầu hết các mô hình đồng quản lý nghề cá đang thí điểm hiện nay.
Khó khăn thứ hai là tài chính. Hầu hết các mô hình đồng quản lý nghề cá hiện nay vẫn dựa vào nguồn tài chính hỗ trợ từ bên ngoài (từ nhà nước, nhà tài trợ, tổ chức phi chính phủ…) chứ không từ bản thân các ngư trường mà cộng đồng nghề cá ấy tạo nên. Vì thế, tính tự chủ về quyền và trách nhiệm của các “ban quản lý đồng quản lý” chưa cao, hầu hết bị phụ thuộc; khi dự án kết thúc, nguồn tài chính không còn thì mô hình lại trở về như ban đầu.
Thứ ba, nhận thức và năng lực của ngư dân cũng như cán bộ cơ quan chức năng (từ trung ương đến địa phương) về đồng quản lý nghề cá còn nhiều hạn chế, chưa chuẩn bị đủ số lượng và chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện việc này.
>> Theo các chuyên gia Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC) và Trung tâm Nghề cá Thế giới (World Fish), ở Việt Nam hiện nay người dân chưa thực sự phối hợp với nhà nước trong quản lý NLTS; mối quan hệ giữa quyền và lợi chưa được xem xét, giải quyết thỏa đáng; nếu quyền khai thác được áp dụng sẽ tạo sự thay đổi lớn đối với cộng đồng tham gia bảo vệ NLTS.
Xuân Lập (RECERD)