Với 3.260km bờ biển, 3.000 đảo ven bờ và 2 quần đảo ngoài khơi, vùng bờ biển, các hệ sinh thái (HST) cũng như cộng đồng dân cư ven biển nước ta là những đối tượng dễ bị tổn thương trước thiên tai, đặc biệt là nước biển dâng, bão lũ và sóng thần – những thảm họa thấy trước, trong khi Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ vùng ven biển châu Á.
Phải giữ “của ăn, của để”
HST vùng bờ biển gồm rừng ngập mặn, rong tảo, cỏ biển và các rạn san hô là bức tường vững chắc bảo vệ bờ biển khỏi tác động phá hủy của sóng bão, là cạm bẫy tự nhiên sàng lọc chất ô nhiễm… Đó là “cơ sở hạ tầng tự nhiên” quý giá và hơn thế, một khi còn các HST vùng bờ thì tôm cá còn và sinh kế người dân ven biển cũng được bảo đảm. PGS.TS Nguyễn Chu Hồi ví nó giống như bộ rễ của cây, mà lợi ích con người gặt hái được ở trái cây muốn đều và trường tồn thì bộ rễ phải khỏe mạnh.
Hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai ở Thừa Thiên-Huế là một ví dụ. Là một trong những đầm phá rộng nhất thế giới, tiếp nhận nước biển và nước ngọt từ Trường Sơn nghèo thành phần dinh dưỡng, nhưng nhờ vai trò của HST thảm cỏ nước bên trong mà đầm phá này được làm giàu dinh dưỡng và trở thành “đầm nuôi thủy sản tự nhiên” khổng lồ rộng tới 21.600 ha.
Song vùng ven bờ nói chung đã và đang bị khai thác nguồn lợi quá mức. Từ lấy gỗ, củi tới mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, tốc độ mất rừng ngập mặn lên tới 15.000ha/năm, số lượng sinh vật phù du và sinh vật dưới đáy làm thức ăn cho các loài thủy sản cũng giảm đáng kể.
“Các cụ nhà ta xưa răn dạy làm sao cho có của ăn của để, đừng để đời cha ăn mặn, đời con khát nước chính là nói về phát triển bền vững”, TS Nguyễn Chu Hồi nói. Nhiều giải pháp khoa học quản lý và khai thác bền vững các HST thế giới áp dụng thì ta hoặc chưa áp dụng, hoặc áp dụng chưa thành công. Nâng cao dân trí về vị thế, vai trò và nguyên tắc sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững vùng bờ biển đang là thách thức lớn.
Đầu tư cho HST vùng bờ là đầu tư cho tương lai
Hiện Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) là điều phối quốc tế và Bộ TN&MT (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) là cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện “Chương trình Cải thiện môi trường – ứng phó BĐKH”, với hai dự án khu vực là Sáng kiến Rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) và Cải thiện sức chống chịu của cộng đồng vùng ven biển với biến đổi khí hậu cho ba nước Việt Nam – Campuchia và Thái Lan (BCR).
Là thành viên của MFF 3 năm qua, Ban điều hành MFF đã hỗ trợ Việt Nam triển khai 15 dự án về phục hồi hệ sinh thái và cải thiện sinh kế ven biển, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên ven biển phong phú, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh sinh thái với kinh phí hơn 1 triệu USD.
TS. Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội đại diện Chương trình tại Việt Nam – IUCN cho biết cách tiếp cận của các dự án này là đi từ dưới lên, thực hiện từ cấp cộng đồng, tạo điều kiện cho người dân địa phương tiếp cận thông tin và tham gia ngay từ đầu, như lập quỹ cộng đồng cho hộ phụ nữ nghèo vay vốn chuyển nghề, phát huy kiến thức bản địa, trồng rừng ngập mặn, nâng cao nhận thức cả ở trường phổ thông cơ sở, với các cuộc thi tìm hiểu vai trò HST ven biển…
“Chủ đề khá phong phú nhưng mỗi dự án nhỏ sẽ là một thực hành tốt, cao hơn là một mô hình. Nếu đạt được yêu cầu sẽ nhân rộng trong nước và chia sẻ với bạn bè trong khu vực Nam Á và Đông Nam Á, thông qua diễn đàn khu vực hàng năm”, ông Hồi nhấn mạnh.
Trung tuần tháng 9 vừa qua, tại Quảng Nam lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo Khu vực lần thứ 10 Sáng kiến MFF, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao sức chống chịu và cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển. Tháng 10 tới, Diễn đàn khu vực về vùng bờ biển sẽ diễn ra tại Sóc Trăng.
Còn thiếu nguồn nhân lực chuyên sâu
Chương trình “Cải thiện môi trường – ứng phó BĐKH” đang xây dựng kế hoạch giai đoạn 2014-2016. Sẽ không chỉ tập trung đầu tư cho HST rừng ngập mặn, mà mở rộng ra các HST vùng bờ quan trọng không kém là HST rạn san hô, thảm cỏ biển, dừa nước, đầm phá. Mở rộng cả vấn đề sinh kế, quản lý vùng bờ biển và quy hoạch không gian biển, mở rộng áp dụng ra đến các đảo ven bờ.
“Quản lý biển, đảo, rồi cả đại dương nữa là lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành. Để thực hiện được những vấn đề nói trên, phải có một đội ngũ cán bộ có trình độ hiểu biết rộng và kỹ năng thành thạo”, PGS Chu Hồi nhấn mạnh. Từ năm 2010 đến nay, PGS Chu Hồi đã trực tiếp chủ trì cùng với các cơ quan trong nước tổ chức dịch, biên soạn sách tham khảo, tài liệu tập huấn về quy hoạch không gian biển phục vụ kịp thời các cơ quan, các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý và nhà khoa học.
Nước ta cũng gửi đi nước ngoài đào tạo được một số cán bộ trẻ nòng cốt theo hướng này. Trong nước đã tập huấn cho khoảng 60 cán bộ địa phương và trung ương, chủ yếu ở Hải Phòng – địa phương đi đầu trong áp dụng quy hoạch không gian biển. Sắp tới, phải tiếp tục ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực và xác định rõ hành lang pháp lý cho loại hình quy hoạch không gian biển để sớm áp dụng đại trà ở ba cấp TƯ, vùng và tỉnh có biển.
“Cán bộ quản lý biển đảo phải có nền tảng kiến thức cơ bản về lĩnh vực chuyên ngành, thiếu phải “đi xây” chứ làm kiểu mò mẫm dưới đáy đại dương thì sẽ còn nợ đọng nhiều chính sách, trong khi biển “nổi sóng” hàng ngày”, ông Hồi nói.
Theo Kim Vũ/Đại Đoàn Kết, 24/09/2013