"Đai xanh" ở nơi xung yếu

Nhiều xã ven biển ở Thanh Hóa đã bớt nỗi lo mất người, mất nhà hay của cải mỗi khi bão về. Bởi rừng ngập mặn đã phủ xanh hàng ngàn ha mặt nước, sẵn sàng giảm bớt sức công phá của bão ngay ở cửa biển.

 

Do huyện Nga Thủy và huyện Hậu Lộc tiếp giáp với Biển Đông nên những người dân ở đây thường xuyên phải đối mặt với bão lũ. Xã Nga Thủy và xã Đa Lộc là hai địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nhất do các diễn biến bất thường của thời tiết gây ra. Trận bão năm 2005 đã khiến xã Đa Lộc chịu tổn thất trị giá 80 tỉ đồng. Rừng ngập mặn được coi là giải pháp tối ưu nhất để giảm thiệt hại thiên tai. Vì vậy, chính quyền địa phương và người dân đã cùng chung sức khôi phục diện tích rừng đã mất.
Chính phủ và đặc biệt các tổ chức quốc tế (Quỹ Nhi đồng Anh, Tổ chức Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế...) đã đầu tư nhiều dự án nhằm khôi phục rừng ngập mặn - "đai xanh" để hạn chế tác động của bão lũ đến cuộc sống của người dân. Ví dụ, Tổ chức Care đã cùng người dân địa phương trồng và phát triển 412ha rừng ngập mặn tại hai xã từ tháng 1/2007 đến tháng 8/2013.
Rừng ngập mặn ở đây bao gồm hai loại cây chính: cây đước và cây bần chua (trong ảnh). Nhờ người dân tập trung diệt con hà - một loại sinh vật thường bám vào cây con và lấy hết dưỡng chất của cây, các cây trồng đều phát triển tốt và có chiều cao từ 3-5m.
Rừng ngập mặn không chỉ hạn chế sức tàn phá của gió bão mà còn cung cấp nguồn thủy hải sản cho ngư dân ven biển. Theo tổ chức GIZ, một ha rừng ngập mặn cung cấp 1,08 tấn thủy hải sản.
Bên cạnh đó, rừng ngập mặn cũng góp phần gia tăng đa dạng sinh học trong vùng vì đây cũng là nơi cư trú của nhiều loài chim. Đặc biệt, rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ sự phát thải khí nhà kính - nguyên nhân chính gây là biến đổi khí hậu. Ví dụ như tại khu vực trồng rừng ở Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định và Nghệ An của Tổ chức Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế và các hội chữ thập đỏ trong nước, rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ được ít nhất 16,3 triệu tấn CO2. Giả sử giá của 1 tấn khí thải CO2 là 20 USD và áp dụng mức thâm hụt là 7,23%, nó cho kết quả là 218,81 triệu USD, theo ông Đặng Văn Tạo, Giám đốc Chương trình giảm thiểu rủi ro thảm họa tại VN.
Do nhận thức được những lợi ích to lớn do rừng ngập mặn mang lại, chính quyền đã tạo điều kiện để người dân địa phương tham gia lập kế hoạch trồng và phát triển rừng ngập mặn. "Ủy ban nhân dân huyện đã ra quyết định công nhận cộng đồng có quyền quản lý rừng ngập mặn", ông Nguyễn Viết Nghị, Quản lý dự án rừng ngập mặn tại Thanh Hóa cho biết. "Cộng đồng xây dựng các quy định về quản lý rừng ngập mặn phù hợp với điều kiện của địa phương và pháp luật hiện hành".
Sự tham gia của cộng đồng đã mang đến sự bền vững của rừng ngập mặn. Và rừng ngập mặn cũng tạo thêm nghề mới cho người dân - ươm cây giống.
Đến nay, dự án rừng ngập mặn của CARE đã xây dựng ba vườn ươm, cung cấp được 2.400 cây giống.
Cây giống vườn ươm có khả năng thích ứng các điều kiện thời tiết và địa bàn khắc nghiệt, do đó, thường được trồng tại khu vực cửa biển. "Rừng trồng năm 2007 đã bảo vệ đê biển qua bão số 6 và 7 năm 2013", ông Nguyễn Viết Nghị, người quản lý dự án ở Thanh Hóa từ những ngày đầu cho biết
Rừng ngập mặn ở cửa biển đã tạo ra nguồn thức ăn phù du giàu chất dinh dưỡng cho ngao. Đồng thời, chòi canh ngao cũng trở thành điểm dừng chân cho những khách du lịch muốn tận hưởng cảm giác sống "trên là bầu trời bao la, dưới là sóng biển rì rào".
Nhờ đó, nhiều bà con đã khai thác nguồn lợi thủy hải sản ở rừng ngập mặn và mang bán, góp phần phong phú thêm bữa ăn của người dân địa phương. Ngoài ra, một số hộ dân cũng được tạo thêm nghề mới như nuôi giun quế để có thức ăn chăn nuôi gà vịt, chăm lúa, sắn bằng phân vi sinh...
Nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đã đến thăm quan học tập mô hình phát triển rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng của Thanh Hóa.
Việt Nam hiện có 200.000 ha rừng ngập mặn và dự kiến sẽ phát triển lên 323.000 ha vào năm 2020, theo ông Nguyễn Quốc Dựng, Viện Điều tra Quy hoạch rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, khu vực Bắc Trung Bộ sẽ trồng mới 2.000ha.

 

Minh An

 
 

Phân loại tin: