Cửa Vạn- Ước mơ cho em: Cảm nhận của một sinh viên tình nguyện

06/11/2011
 Trung thu năm nay, tham gia tình nguyện viên Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Phát triển nông thôn chúng tôi có dịp ra làng chài Cửa Vạn, một làng nổi trên vịnh Hạ Long thơ mộng để tổ chức  lễ ra quân cho dự án : “ Ước mơ cho em”. Ngày chúng tôi xuất phát từ bến Đoan, trời mưa to, gió lớn, nhưng chúng tôi ai nấy đều tràn đầy nhiệt huyết, hăng hái xách những chiếc túi nặng trịch bước xuống tàu. Sau hơn nửa tiếng đồng hồ cưỡi sóng, ngửi mùi gió, nếm vị mưa, làng chài Cửa vạn đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Đó là một làng chài nhỏ, những ngôi nhà nhỏ, thấp được bố trí hai bên sườn núi. Trước hiên nhà nào cũng có thuyền, không thuyền đánh cá thì sẽ là thuyền câu mực, là thuyền để đi lại trong khu vực làng. Ngoài vịnh mưa to là vậy mà vào đến làng chài nhỏ sóng êm và gió cũng nhẹ đi rất nhiều. Trong làn mưa trắng, Cửa Vạn khép mình trong dãy các hòn đảo nhỏ hình cánh cung, nhấp nhô, chập chờn nhưng đâu đó vẫn thấy toát lên một nét ấm áp từ những ánh mắt nhìn, những nụ cười trẻ thơ.
 
                      
Một góc làng nổi Cửa Vạn
 
Địa điểm chúng tôi dừng chân là trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn- nơi trưng bày, giới thiệu những nét văn hóa tôn giáo truyền thống đặc sắc và những nét đời sống tiêu biểu của những cư dân làng chài sinh sống nơi đây. Trung tâm văn hóa nổi nằm giữa những hòn đảo hình cánh cung, là điểm cuối, phải xuyên qua làng mới tới được. Khi tàu cập vào điểm dừng của trung tâm, chúng tôi được hai anh trong ban quản lý ra tận nơi giúp đỡ và xách đồ lên bè hộ. Mới thế thôi mà đã thấy được sự mến khách của những người con Hạ Long- những người con của di sản.
 
Đến Cửa Vạn, chúng tôi biết được rằng ở đây người ta sống thiếu thốn lắm, điện nước đều không đủ, phải dùng tiết kiệm. Điện thì phải chạy máy phát không thì dùng thay thế bằng đèn dầu, tất cả các hoạt động đều tranh thủ diễn ra vào ban ngày, còn ban đêm thì chỉ có bóng tối bao phủ. Có chăng là ánh trăng trên trời kia làm đèn để soi tỏ mặt nhau mà trò chuyện. Về nước ngọt thì càng khó, ở đây không có nước ngọt người dân phải mua nước ngọt từ các tàu buôn hàng tuần trở nước ra đây với giá 15.000 đồng một phi 200 lít nên mọi sinh hoạt phải dùng rất tiết kiệm. Lúc trời mưa có thể hứng nước mưa và dùng thoải mái hơn một chút nhưng họ cũng không dám dự trữ quá nhiều vì như thế bè của nhà họ có thể sẽ bị nghiêng và dễ bị chìm. Họ cũng có tivi, nhưng chỉ một vài nhà có và dùng cũng rất hạn chế (khi chạy máy phát điện hoặc dùng bình ắc quy) , chứ không được dùng nhiều như trong đất liền. Điện thoại liên lạc thì tậm tịt lúc có sóng lúc không, mà còn phải dùng tiết kiệm vì không đủ điện để xạc pin.
 
Chuyến đi vào làng vừa là để mời các đại diện của các ban, hội, đoàn tham dự lễ ra quân dự án “Ước mơ cho em”, vừa là để chúng tôi có cơ hội đến thăm lớp học dành cho các em nhỏ. Trường cấp 1 Cửa Vạn là một lớp học nổi nhỏ bé với những chiếc bàn ghế nho nhỏ đã bắt đầu xiêu vẹo, thư viện thì chỉ thấy kệ sách mà không thấy sách báo gì.. Sự thiếu thốn trong học tập của các em, khiến tôi thấy bàng hoàng và thương cảm. Các em  thiếu từ sách giáo khoa cho đến sách tham khảo, đồ dùng học tập thì hạn hẹp mà những dụng cụ thực hành thì càng thiếu trầm trọng hơn. Đâu có cái gọi là sách riêng ở đây, các em phải truyền tay nhau đến từng quyển sách tập đọc. Ngoài biển xa xôi thiếu thốn là thế, vậy mà các cô giáo tại đây vẫn kiên trì theo các em, vận động các em học tập. Tấm lòng ấm áp, đầy nhiệt huyết của các cô giáo cũng bù đắp được một phần sự thiếu thốn về vật chất của các em.
 
 
 Một góc nhỏ ở căn nhà nổi làm chỗ vui chơi của các em học sinh
 
Ngày thứ hai, buổi lễ ra quân dự án: “ Ước mơ cho em” được diễn ra trong sự góp mặt các các ban ngành địa phương, người dân và thanh thiếu niên tại Cửa Vạn, đại diện MSD và RECERD và cả những cán bộ của trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn.  Qua các bài phát biểu, có ý kiến của đại diện các bên, tôi càng thấy và hiểu thêm ý nghĩa của những chương trình mang tính cộng đồng như thế này. “Ước mơ cho em” là cho em can đảm, động lực để dám mơ ước, là giúp các em biến ước mơ của mình thành hiện thực; là để các em có nền tảng về xã hội, văn hoá, giáo dục mà phát triển. Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai, xây dựng cho các em nền tảng để được giáo dục thành một công dân tốt có ích cho xã hội là việc vô cùng quan trọng. Dự án này được triển khai đúng dịp đầu năm học là một thuận lợi cho các em sẵn sàng bước vào một cuộc chinh phục tri thức mới. Thật ý nghĩa và cảm động cho những tấm lòng đầy nhân ái.
 
Chuyến đi kéo dài trong 2 ngày 1 đêm, điều mà tôi thấy và cảm nhận được rõ nhất ở nơi đây chính là tình người ấm áp. Những người dân ở đây, họ thân thiện, hiền lành và chất phác. Họ mời chúng tôi nếu có dịp thì quay trở lại và họ sẽ còn tiếp đón nồng hậu hơn nữa. Trong cái hoàn cảnh đó, tôi tự nhiên thấy mình bịn rịn, chẳng muốn rời đi. Rời Cửa Vạn, điều tôi mong muốn nhất là được quay lại và dùng hết khả năng có thể giúp đỡ các em cải thiện phần nào công việc học tập, tu dưỡng đạo đức. Tôi mơ ước được đóng góp một phần nào đó, dù là nhỏ bé, vào sự trưởng thành, vào tương lai của những mầm non Cửa Vạn. Hy vọng nhiều dự án và các hoạt động thực tế, giúp ích cho người dân nơi đây như “ Ước mơ cho em” sẽ ra đời, gắn kết cho sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền của cả nước.
 
Hoài Linh – Tình nguyện viên RECERD
Theo vicongdong.vn
 

Phân loại tin: