Chủ tàu “bạc mặt” vì thiếu ngư dân

Thời gian gần đây, nhiều chủ tàu đánh bắt cá xa bờ ở Quảng Ngãi phải đối mặt với tình trạng thiếu ngư dân.
Đã gần 1 tuần trôi qua kể từ khi người chồng từ Vũng Tàu gọi điện thoại về nói tìm gấp 5 người đi biển, thế nhưng dù chạy tìm khắp nơi chị Võ Thị Thuận (42 tuổi), ở thôn Thạch By, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, cũng mới chỉ tìm được 2 người.

Vì 3 chuyến vừa rồi đánh bắt kém hiệu quả, không đủ chi phí tiền dầu, đá lạnh... nên 1/3 số bạn (ngư dân làm thuê) trên 2 chiếc tàu cá của gia đình chị Thuận đã bỏ đi tàu khác. “Không đủ tiền mua nhiên liệu, lương thực để ra khơi thì có thể vay mượn, mua nợ được, chứ không tìm đủ bạn thì tàu chỉ còn cách neo bờ mà thôi”- chị Thuận giọng đượm buồn.
 

Không ít tàu cá trong số này phải neo bờ, bỏ dở chuyến đi vì thiếu ngư dân.
Không ít tàu cá trong số này phải neo bờ, bỏ dở chuyến đi vì thiếu ngư dân.

Ông Nguyễn Văn Sanh (50 tuổi) - chủ tàu cá mang số hiệu QNg 9604 Ts, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cho hay: Cũng vì không tìm được bạn mà vào đầu vụ khai thác năm nay, ông đã phải neo tàu hơn 1 tháng. Sau đó nhờ người quen tìm giúp ở các huyện lân cận mới có đủ người để tàu xuất bến.

Cách đây gần 2 tháng, dù nhận thông tin đưa tàu ra đánh bắt vì có luồng cá lớn từ một tàu của người quen, thế nhưng chủ tàu Lê Trung ở xã An Hải (Lý Sơn) cũng bó tay vì thiếu bạn. Để rồi sau đó, anh Trung không khỏi nuối tiếc khi biết trừ chi phí tàu cá của bạn mình thu về gần 600 triệu đồng.

Tình trạng tàu cá neo bờ, bỏ chuyến vì thiếu người đi xảy ra khá phổ biến ở Quảng Ngãi. Riêng tại xã Phổ Thạnh, ước tính vụ đánh bắt năm nay trên 100 tàu phải nằm bờ, bỏ dở chuyến đi vì thiếu bạn.

Theo thống kê, hiện số tàu cá đánh bắt xa bờ trong toàn tỉnh khoảng 1.700 chiếc, với mỗi chiếc cần từ 6-8 ngư dân. Nhiều chủ tàu tâm sự: Tuy thu nhập từ đi biển cao hơn từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/năm so với nhiều nghề khác ở trên bờ, nhưng đổi lại phải lênh đênh hàng tháng trời trên biển, đối mặt với nhiều nguy hiểm. Vì vậy mà những năm gần đây, sau một thời gian ra khơi hàng loạt ngư dân trẻ đã bỏ biển, để chuyển sang làm nghề khác ở trên bờ. Bên cạnh đó, nhiều gia đình ngư dân cho con đi học đại học, cao đẳng... nên lượng lao động tham gia đi biển ngày một giảm.

Để có đủ lao động, ngoài tìm kiếm từ các tỉnh thành khác, chủ tàu còn dùng nhiều cách để giữ chân ngư dân. Theo đó trước vụ đánh bắt và khi xuất bến, một khi ngư dân hỏi thì dù không có, chủ tàu vẫn phải đi vay để cho mượn từ vài đến hàng chục triệu đồng/người. Dù vậy, chỉ cần 2-3 phiên ra khơi lỗ vốn, thì lao động trên sẽ bỏ sang đi tàu khác ngay.
 

 Theo danviet.vn
 

Phân loại tin: