Cần nâng cao hơn nữa việc liên kết trong phát triển chuỗi giá trị thủy sản

24/11/2011
 
“Cần nâng cao hơn nữa việc liên kết trong phát triển chuỗi giá trị thủy sản”: đó là kiến nghị của hầu hết đại biểu tham dự hội thảo chiến lược thủy sản xuất khẩu thông qua  phân tích chuỗi giá trị tổ chức tại TPHCM ngày 22 tháng 11 năm 2011.
 
Do liên kết yếu kém nên đã xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, đồng thời làm ảnh hưởng đến giá bán của sản phẩm thủy sản Việt Nam. Trước đây, cá tra fillet của Việt Nam đã có giá lên đến 5.0-5.5 USD/kg nhưng nay chỉ còn 2.4-2.8USD/kg. Ông Nguyễn Văn Chiêu, một đại biểu của TP HCMC phát biểu.
 
Nhiều đại biểu cho rằng, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nên đóng vai trò đầu tàu trong nâng cao chuỗi giá trị thủy sản Việt Nam, tuy nhiên, trong thời gian qua doanh nghiệp đã thực sự làm tốt vai trò “anh cả” của mình chưa? Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển thì phải tạo ra nguồn cung nguyên liệu ổn định, trong khi ngư dân là người sản xuất trực tiếp, làm khá tốt vai trò của mình là tạo ra nguồn cung sản phẩm khá lớn, nhưng doanh nghiệp có lẽ cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa, để làm tốt “vai” của mình là tiêu thụ sản phẩm và mang lại lợi ích cho ngành, cho ngư dân. Ông Võ Thiên Lăng, chủ tịch Hội nghề cá Khánh Hòa phát biểu.
 
Để nâng cao chuỗi giá trị thì phải tăng cường cả liên kết ngang (giữa ngư dân, nông dân với nhau) và liên kết dọc (nhà cung cấp đầu vào, người sản xuất, thương lái, doanh nghiệp chế biến) thông qua hợp đồng. Tuy nhiên, cái khó là chúng ta có quá nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ, phân tán và chỉ khi người nông dân, ngư dân tập hợp trong các tổ chức, để nâng cao năng lực tài chính và kỹ thuật và tạo ra lượng sản phẩm đủ lớn để hợp đồng với doanh nghiệp chế biến trực tiếp. Thêm vào đó, hợp đồng tiêu thụ thủy hải sản chỉ có thể phát triển nếu Nhà nước vào cuộc, cải thiện môi trường pháp lý để hạn chế tình trạng “phá hợp đồng”. Hiện đa số ngân hàng và các công ty bảo hiểm chưa mặn mà với bảo hiểm cho thủy sản là bởi chưa có môi trường pháp lý hoàn chỉnh để hạn chế rủi ro. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất nhỏ phải thuê luật sư tư vấn về pháp lý, đặc biệt là tư vấn các điều khoản hợp đồng; và thuê kỹ sư hướng dẫn về kỹ thuật để sản xuất sản phẩm an toàn, chất lượng, đúng yêu cầu thì có thể giải quyết được các vấn đề hiện nay. Ông Trần Văn Phẩm, đại diện một doanh nghiệp chế biến hải sản ở Sóc Trăng chia sẻ.
 
Trong bối cảnh nghề cá nhỏ như ở Việt Nam: có quá nhiều tàu thuyền và ao hồ nhỏ thì có lẽ vai trò của thương lái sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng. Doanh nghiệp thường hạn chế rủi ro bằng cách làm việc với thương lái, vì họ có khả năng tập hợp, thu gom sản phẩm nhanh; ngoài ra nhóm này còn đầu tư, tạm ứng trước, cho vay vốn, mua giống, thức ăn v.v..cho sản xuất trong khi doanh nghiệp thì khó hoặc không thể làm vì có quá nhiều hộ sản xuất nhỏ. Ở Ấn Độ, mô hình cộng đồng trong nuôi tôm phát triển nhanh chóng nhưng vẫn không thể “cắt” được khâu thương lái, do nông dân phụ thuộc về tài chính của thương lái. Ông Willem, ĐH Wageningen chia sẻ sau hội thảo.
 
Khi bàn về chuỗi giá trị xuất khẩu thủy sản thì điều quan trọng là xác định được các nút thắt. Cả chuỗi chỉ bền vững nếu như chúng ta giải quyết tốt nút thắt ở từng khâu, và làm tốt việc liên kết giữa các khâu để tăng giá trị xuất khẩu. Chẳng hạn như trong ngành tôm, thì dịch bệnh có thể xem như một nút thắt quan trọng, vì khi dịch bệnh xảy ra nguồn cung tụt xuống sẽ ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu và doanh nghiệp chế biến sẽ rất khó để tìm nguồn thay thế. Ông Flavio Corsin, Giám đốc Trung tâm ICAFIS phát biểu.
 
Có lẽ tất cả chúng ta đều nhìn thấy vấn đề rồi, bây giờ không phải là trong chuỗi giá trị, ai có “công”, ai có “tội”, trách nhiệm như thế nào mà là làm sao để bắt tay, hợp tác với nhau để cùng phát triển. Hiệp hội phải là cầu nối gắn kết lại, đặc biệt là những người sản xuất quy mô nhỏ, họ còn thiếu và rất cần sự hỗ trợ. Hiệp hội cũng cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong liên kết các tác nhân trong chuỗi giá trị và vận động chính sách đối với nhà nước, thay mặt thành viên để tìm kiếm sự hỗ trợ, xây dựng thiện chí hợp tác, và đàm phán với các bên liên quan. Bà Trần Thị Thu Nga, chủ tịch Hội nghề cá Bến Tre phát biểu.
 
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng lên hệ Ông Tưởng Phi Lai email lai.recerd@gmail.com
Tưởng Phi Lai
 

Phân loại tin: