Trong thông báo phát đi ngày 20-6, WWF cho biết, sau một thời gian kết hợp với các nhà khoa học để nghiên cứu về quần thể, sự phân bố, các mối đe dọa cũng như các biện pháp để ngăn chặn sự tuyệt chủng của loài này và đã xác định hiện có khoảng 200 cá thể trưởng thành sống ngoài tự nhiên.
Theo WWF thì cá tra khổng lồ (còn có tên là cá tra dầu) hằng năm phải di cư lên thượng nguồn sông Mê Kông để sinh sản và kiếm mồi. Vì thế, việc các nước cho xây dựng những con đập trên dòng chảy chính của sông Mê Kông sẽ khiến loài cà dài 3 mét, nặng 300kg bị tuyệt chủng.
Thông báo của WWF nhấn mạnh, cá tra dầu sông Mê Kông tượng trưng cho sự vẹn toàn sinh thái của dòng Mê Kông vì loài này rất dễ bị tổn thương dưới áp lực đánh bắt và sự thay đổi của dòng sông. Tình trạng của loài cá tra không lồ này là chỉ số sức khỏe của toàn bộ dòng sông, và sự duy trì nòi giống loài là một phần quan trọng trong quản lý bền vững lưu vực sông Mê Kông.
WWF cho biết, cho đến đầu những năm 1990, quần thể loài này vẫn còn tương đối nhiều ở ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, từ đó tới nay, số lượng loài này đã bị giảm mạnh và chỉ được tìm thấy tại một số nơi trên sông Mê Kông và các nhánh của nó tại Lào, Campuchia và Thái Lan.
Một người dân bên con cá tra khổng lồ vừa mới bắt được. Ảnh: Zeb Hogan |
Mặc dù Thái Lan, Lào và Campuchia đều đã ban hành những quy định về đánh bắt cá tra dầu Mê Kông, trong đó Thái Lan và Campuchia nghiêm cấm đánh bắt, nhưng loài này vẫn bị đánh bắt bất hợp pháp hoặc bị đánh bắt không chủ ý.
Các nhà khoa học thả lại dòng sông. Ảnh: Zeb Hogan |
Theo WWF, các nước chỉ có thể bảo tồn được loài cá tra dầu sông Mê Kông khi có sự cam kết từ tất cả các nước trong khu vực hạ lưu sông Mê Kông, cũng như từ các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ - điều mà hiện nay đang thiếu.
Ngoài loài cá tra không lồ, theo các tổ chức bảo tồn thiên nhiên một loài cá nước ngọt có kích thước lớn khác là cá heo nước ngọt Irrawaddy cũng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì môi trường nước trên sông Mê Kông đang bị ô nhiễm.