Bất cập về quản lý khai thác nước ngầm ở Kiên Giang

Hiện nay, việc quản lý, bảo vệ, kiểm soát khai thác tài nguyên nước ngầm trên địa bàn tỉnh Kiên Giang còn nhiều bất cập. Nguy cơ nguồn nước tại tỉnh bị ô nhiễm và cạn kiệt trong thời gian tới rất khó khắc phục.
Hiện nay, việc quản lý, bảo vệ, kiểm soát khai thác tài nguyên nước ngầm trên địa bàn tỉnh Kiên Giang còn nhiều bất cập. Nguy cơ nguồn nước tại tỉnh bị ô nhiễm và cạn kiệt trong thời gian tới rất khó khắc phục.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang, tổng trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất của tỉnh hơn 1,6 triệu m3/ngày và toàn tỉnh hiện có khoảng 100.000 giếng khoan vùng nông thôn, với lưu lượng khai thác hơn 300.000m3/ngày. 

Tình trạng khai thác nguồn nước ngầm quá mức của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phục vụ sinh hoạt, sản xuất chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Giếng khoan khai thác nước ngầm với lưu lượng lớn không được cấp phép, không theo quy hoạch xuất hiện ngày càng nhiều. Giếng khoan lưu lượng vừa và nhỏ thi công không đúng kỹ thuật phát triển nhanh ảnh hưởng đến nguồn nước dưới đất.

Ngoài ra, còn nhiều những giếng khoan bị hư hỏng, xuống cấp không còn sử dụng chưa được trám, lấp hoặc trám, lấp không đúng kỹ thuật đang gây suy thoái nguồn nước ngầm. 

Điều bất cập là ngành chức năng tỉnh Kiên Giang chưa thống kê chính xác số lượng giếng khoan bị hư hỏng để có kế hoạch xử lý, trám lấp bảo vệ nguồn nước ngầm. Hiện nay, tỉnh có hai trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất quốc gia do Trung ương đầu tư từ năm 1995, tuy nhiên do địa bàn tỉnh rộng, diễn biến nước dưới đất phức tạp, trong khi các dữ liệu quan trắc động thái nước ngầm còn mỏng nên hai trạm này chưa đánh giá hết diễn biến động thái nước dưới đất để có kế hoạch khai thác hợp lý, hiệu quả và bền vững.

Để quản lý, bảo vệ và kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo sự phát triển bền vững tài nguyên nước ngầm, tỉnh Kiên Giang kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ đầu tư thêm trạm quan trắc động thái nước dưới đất tại vùng U Minh Thượng. 

Tỉnh triển khai thực hiện dự án điều tra, quy hoạch vùng cấm, vùng hạn chế xây dựng mới các công trình khai thác nước dưới đất, phục vụ quản lý tài nguyên nước dưới đất đến năm 2020. 

Trước mắt, ngành chức năng tỉnh siết chặt quản lý cấp phép khai thác tài nguyên nước ngầm gắn với tăng cường công tác tuyên truyền trong cộng đồng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và nâng cao ý thức bảo vệ, không gây ô nhiễm nguồn nước; thống kê chính xác số giếng khoan bị hư hỏng, không còn sử dụng để xử lý. Năm 2013, các ngành chức năng tiến hành trám, lấp 785 giếng nước khoan xuống cấp tại hai huyện An Biên, Tân Hiệp và thành phố Rạch Giá đồng thời, khuyến cáo các hộ dân, nhất là vùng nông thôn, không tự ý khoan giếng khai thác nước ngầm.../.
 

Lê Huy Hải (TTXVN)
 
 
 
 

Phân loại tin: