Bảo tồn các loài thủy sản đặc hữu, quý, hiếm ở Việt Nam

Việt Nam có hệ sinh thái biển phong phú, đa dạng và mang những nét đặc trưng của vùng bán đảo nhiệt đới, là nơi sinh sống và phát triển của nhiều loài thủy sản đặc hữu, quý, hiếm, trong đó có những loài không tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới. Tuy nhiên hiện nay, nhiều loài thủy sản quý, hiếm đang có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng cao. Để tìm hiểu về vấn đề này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Xuân Lập - Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) về thực trạng và giải pháp quản lý, bảo tồn các loài thủy sản đặc hữu, quý, hiếm tại Việt Nam.

 

Ông Đinh Xuân Lập - Phó Giám đốc ICAFIS

     PV: Xin ông cho biết thực trạng và những nguyên nhân chủ yếu làm suy giảm giống và loài thủy sản quý, hiếm ở Việt Nam?

     Ông Đinh Xuân Lập: Với chiều dài hơn 3.000 km và nhiều dạng địa hình bờ biển khác nhau (vịnh, thềm lục địa dốc, cửa sông, đảo và quần đảo, rạn san hô, đầm phá...), biển Việt Nam có sự đa dạng cao về thành phần các giống loài thủy sản. Các nghiên cứu đã chứng minh nguồn lợi thủy, hải sản Việt Nam phong phú, đa dạng gồm trên 2.000 loài cá, gần 6.000 loài động vật đáy, 653 loài tảo, 5 loài rùa, 12 loài rắn biển... Trong đó, có nhiều giống loài thủy sản quý, hiếm như cá (anh vũ, tra dầu, trà sóc…), tôm hùm, mực; rùa biển (vích, đồi mồi, quản đồng, rùa da, đồi mồi dứa, hiện cả 5 loài đều được đưa vào Sách đỏ Việt Nam)… đã xác định được khu vực phân bố. Cụ thể, tại vùng biển nông như vịnh Bắc bộ, biển Đông Tây Nam bộ là nơi phân bố của các loài cá liệt, lượng, khế, phèn khoai, trác, hố, mối, nục sồ, mực nang và mực ống. Vùng biển miền Trung và giữa biển Đông là các loại cá thu ngừ, kiếm cờ, nục heo, ó, dơi, kiếm… Tôm, cua, rùa biển có ở nhiều vùng biển, nhất là khu vực vịnh Bắc bộ và Đông Nam bộ. Phổ biến ở nhiều vùng biển còn có nhiều loài thân mềm (tu hài, hàu, vẹm, ốc hương…) có trữ lượng chỉ đứng sau cá…

     Theo đánh giá của Viện nghiên cứu nguồn lợi thủy sản Việt Nam, những năm gần đây, các giống, loài thủy sản tự nhiên đang bị suy giảm nghiêm trọng cả về số lượng, đặc biệt nguồn lợi hải sản ven bờ và thủy sản nội đồng. Trong đó, đặc biệt có một số loài thủy, hải sản quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao như rùa biển, hải ngưu, ốc đụn, cá cúi (phân bố chủ yếu ở vịnh Hạ Long, vùng ven biển Khánh Hòa, Côn Đảo và Phú Quốc); cá sạo, cá kẽm mép vẩy đen, cá đù (Cù Lao Chàm - Quảng Nam); ốc sứ mắt trĩ, trai tai tượng (đảo Thổ Chu, Côn Đảo)… Nguyên nhân làm các loài này suy giảm và đứng bên bờ tuyệt chủng là do việc khai thác của ngư dân bằng ngư cụ hủy diệt (xung điện, kích điện), sử dụng lưới mắt nhỏ, kích cỡ không đúng quy định… Tình trạng đánh bắt vào các vùng cấm, khai thác cả cá thể chưa lớn (cá, mực, tôm con) khá phổ biến, dẫn tới nguồn lợi càng suy giảm mà còn lãng phí tài nguyên. Việc xây dựng các đập thủy điện, các đê ngăn lũ… làm cản trở đường di cư của các loài thủy, hải sản. Mặt khác, môi trường nước đang dần bị hủy hoại do nước thải từ thành phố, cụm dân cư, khu công nghiệp, làng nghề, các loại hóa chất dùng trong nông nghiệp đã tác động xấu tới sự sinh sản, phát triển của các loài thủy, hải sản. Ngoài ra, quá trình phát triển, đô thị hóa, xây dựng các công trình ven biển, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội... cũng góp phần làm ô nhiễm, suy giảm chất lượng môi trường sống của các loài thủy sản; thu hẹp, mất dần diện tích rừng ngập mặn, bãi cỏ biển, rạn san hô vốn là nơi sinh trưởng của các loài hải sản trong giai đoạn ấu trùng và con non.

     PV: Trong những năm qua, Nhà nước đã có những chính sách gì để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong đó đặc biệt là công tác bảo tồn, tái tạo giống và các loài thủy sản quý, hiếm, thưa ông?

     Ông Đinh Xuân Lập: Thời gian vừa qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như công tác bảo tồn, tái tạo các loài thủy hải, sản quý hiểm như: Luật Thủy sản năm 2017; Quyết định số 742/QĐ-TTg năm 2010 về quy hoạch, thiết lập 16 khu bảo tồn biển, Quyết định 1479/QĐ-TTg năm 2008 về quy hoạch, thiết lập 45 khu bảo tồn thủy sản nội địa; Nghị định số  33/2010/NĐ-CP về quản lý hoạt động khai thác thủy sản; Thông tư 19/2018/TT-BNNPTNT hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản…và mới đây nhất là Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản 2017, trong đó có nội dung về quản lý loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm… Có thể nói, việc ban hành các chính sách trên đã giúp bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản đang bị cạn kiệt, nhất là các giống, loài thủy, hải sản quý, hiếm có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học; gắn với quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy hải, sản nhằm phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững, đồng thời giữ gìn tính đa dạng sinh học của tài nguyên sinh vật biển Việt Nam.

Trạm cứu hộ các loài cá quý, hiếm Láng Sen

     Tuy nhiên, công tác bảo tồn các loài  thủy, hải sản quý, hiếm ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, do nhận thức của người dân còn thấp, nhiều người còn chưa biết cách nhận diện loài quý, hiếm. Bên cạnh đó, một số địa phương đã triển khai các dự án bảo tồn, nhân giống các loài thủy, hải sản quý, hiếm nhưng thực hiện ở diện tích hẹp nên chưa đủ phạm vi để bảo vệ, hay bảo tồn loài vì các loài thủy, hải sản tự nhiên thường hoạt động trên vùng rộng. Cùng với đó, công tác cứu hộ các loài thủy, hải sản quý, hiếm chưa được quan tâm, tình trạng người dân đánh bắt các loài thủy, hải sản quý, hiếm vẫn diễn ra tại nhiều địa phương, trong khi chế tài xử phạt việc buôn bán, sử dụng các loài thủy sản quý, hiếm chưa đủ sự răn đe nên một số người vẫn có sở thích săn tìm các sản phẩm quý, hiếm này để làm thuốc…

     PV: Ông có thể cho biết kết quả một số mô hình quản lý, bảo tồn các loài thủy sản đặc hữu quý, hiếm được triển khai thực hiện ở một số địa phương trên cả nước?

     Ông Đinh Xuân Lập: Từ những năm 1990, được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tại Vườn quốc gia  (VQG) Côn Đảo đã hình thành các khu vực bảo tồn rùa biển và bãi đẻ của rùa. Tổ chức Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) phối hợp với Ban Quản lý VQG Côn Đảo triển khai hệ thống gắn thiết bị vệ tinh theo dõi đường di cư của rùa biển. Nơi đây hiện đã hình thành 16 khu vực để rùa đẻ trứng, với hơn 2.400 tổ, số rùa nở đã được kiểm soát và thả về biển hơn 197.000 con. Qua thống kê cho thấy, số lượng rùa mẹ lên bãi đẻ trứng, số tổ trứng và số rùa con thả về biển tăng dần qua các năm. Cùng với Côn Đảo, nhiều địa phương cũng đã hình thành khu bảo tồn (KBT) biển, trong đó có việc bảo tồn và phát triển các cá thể rùa biển như: VQG Núi Chúa ở tỉnh Ninh Thuận, với tổng diện tích hơn 7.300 ha. Hàng năm có 3 loài rùa biển đến sinh sản gồm: Rùa xanh, đồi mồi và đồi mồi dứa. Tại KBT biển Cù Lao Chàm đã lập Trạm bảo tồn và cứu hộ rùa biển, giảm thiểu các tác nhân ảnh hưởng và gây tử vong cho rùa biển, cũng là nơi đầu tiên thực hiện bảo tồn chuyển vị rùa biển.

     Ngoài rùa biển, mô hình bảo vệ các rạn san hô, là nơi quần tụ của các giống loài thủy sản cũng được tỉnh Bình Định triển khai. Năm 2017, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định đã phối hợp với Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) triển khai Chương trình “Bảo vệ rạn san hô gắn với phát triển du lịch” trong khuôn khổ của Dự án “Tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng ngư dân quy mô nhỏ và hệ sinh thái biển tại KBT biển cấp địa phương tại Bình Định”. Để bảo vệ các rạn san hô, UBND tỉnh Bình Định đã tiến hành khoanh vùng các khu vực cấm khai thác, đánh bắt hải sản bằng phương pháp hủy diệt, giã cào đáy tại rạn vùng tiếp giáp; Không neo đậu tàu (trừ tàu du lịch) xả thải dầu nhớt tại các vùng bãi rạn và lân cận; Tiến hành công tác khôi phục lại rạn - diệt các loài rong biển cạnh tranh với san hô, động vật ăn san hô, trồng các loại rong có ích tự làm sạch môi trường.

     Để bảo vệ các loài cá, mô hình sử dụng kiến thức bản địa và xây dựng trạm cứu hộ các loài cá quý trong bảo tồn; phát triển các loài thủy sản quý, hiếm ở KBT đất ngập nước (ĐNN) Láng Sen. Mô hình được triển khai nhằm phục vụ công tác cứu hộ loài cá quý, hiếm trên địa bàn tỉnh Long An và các địa phương khác lân cận KBT ĐNN Láng Sen. Trạm cứu hộ các loài cá quý, hiếm được xây dựng trong khuân khổ Dự án “Sử dụng tri thức địa phương để giám sát và hỗ trợ quản lý hoạt động đánh bắt thủy sản, chú trọng vào các loài cá quan trọng quốc tế là vồ cờ, trà sóc và tra dầu ở hệ thống sông Mê Công trên địa phận tỉnh Long An, Việt Nam”,  do Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban quản lý KBT ĐNN Láng Sen phối hợp triển khai, Quỹ đối tác về các hệ sinh thái trọng yếu (CEPF) tài trợ kinh phí. Trạm cứu hộ được trang bị các bể xử lý bệnh, bể dưỡng, thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác cứu chữa và điều trị bệnh cho cá trước khi thả lại tự nhiên, 2 cán bộ có chuyên ngành thủy sản của KBT được phân công phụ trách trạm, một đường dây nóng phục vụ cho việc thông tin về phát hiện các loài quý, hiếm giữa người dân và KBT được thiết lập, đồng thời, được thông báo rộng rãi đến cộng đồng và các cơ quan liên quan. Dự án cũng tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu cho cán bộ KBT về cách cứu hộ và điều trị bệnh cho cá.

     PV: Từ những kinh nghiệm trong thực tiễn, ông có kiến nghị, đề xuất gì đề phục hồi, phát triển các nguồn gen giống, loài thủy sản quý, hiếm này?

     Ông Đinh Xuân Lập: Công tác bảo tồn, phục hồi và phát triển các loài thủy, hải sản quý, hiếm có ý nghĩa quan trọng hiện nay. Trước hết, cần rà soát, bổ sung và xây dựng mới các văn bản quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ các giống, loài thủy hải sản quý, hiếm; trước mắt là các văn bản về quản lý các khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa bảo đảm phù hợp quy định của Luật Thủy sản, Luật Đa dạng sinh học và thực tiễn của ngành, địa phương; Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo vệ tái tạo các giống, loài thủy, hải sản quý, hiếm;

Khóa tập huấn bảo vệ các loài cá quý, hiếm ở KBT Láng Sen

     Hàng năm, thả bổ sung vào một số thủy vực tự nhiên các loài thủy sản bản địa, quý hiếm, loài có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học nhằm khôi phục nguồn lợi, tăng mật độ quần thể của các loài thủy sản đã bị khai thác cạn kiệt, lập lại cân bằng sinh thái, ổn định quần xã sinh vật thủy sinh trong các thủy vực; Phục hồi một số hệ sinh thái điển hình như: San hô, cỏ biển, rừng ngập mặn tại các vùng biển có điều kiện và có vị trí quan trọng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Thả rạn nhân tạo, tạo sinh cảnh, nơi cư trú, sinh sản và sinh trưởng của các loài thủy sản ở một số khu vực có điều kiện thuận lợi; nghiên cứu, lựa chọn giống bố, mẹ và hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhân tạo một số loài thủy sản có nguy cơ tuyệt chủng.

     Kiểm soát các hoạt động của tàu cá nhằm bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sinh trên các vùng biển. Nghiên cứu gắn chíp điện tử theo dõi sự di cư đối với một số loài động vật thủy sản có giá trị kinh tế và khoa học như: Rùa biển, cá ngừ đại dương…

     Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho ngư dân làm nghề khai thác thủy sản và thanh thiếu niên, học sinh các cấp tại địa phương ven biển về bảo vệ các loài thủy, hải sản quý, hiếm; đồng thời huy động các tổ chức xã hội và nghề nghiệp tham gia vào hoạt động bảo vệ tái tạo nguồn lợi thủy sản.

     PV: Xin cảm ơn ông!

Trần Tân (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2019)

Phân loại tin: