Bảo tàng thuỷ sản: cá sông còn một chút này…

Triển lãm chuyên đề “Sưu tập thuỷ sản sông Đồng Nai” đang diễn ra tại bảo tàng Đồng Nai, kéo dài đến 30.10. Đây là bộ sưu tập mẫu động vật cá, thuỷ sinh đặc hữu mà những người có tấm lòng với thiên nhiên đã dày công nghiên cứu từ hơn bảy năm qua nhằm lưu giữ nguồn gen thuỷ sản quý, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường và tạo “của để dành” cho thế hệ sau học tập, tìm hiểu thiên nhiên.

Kẻ săn, người giữ

Sông Đồng Nai có chiều dài 586km và lưu vực 38.600 km², là hệ thống sông duy nhất của Việt Nam có nguồn gốc nội sinh, nghĩa là sông bắt nguồn từ trong nước, chảy qua địa bàn nhiều tỉnh, thành phố và đổ ra vùng biển Việt Nam. Nhiều năm trở lại đây, hệ thống sông này bị tác động mạnh từ quá trình phát triển công nghiệp, thuỷ điện… dẫn đến nguồn thuỷ sinh bị suy giảm nghiêm trọng, nhiều loài cá đặc hữu ở đây đứng bên bờ tuyệt chủng. Ông Lưu Văn Du, giám đốc bảo tàng Đồng Nai cho biết hệ thống sông Đồng Nai có khoảng 300 loài cá, trong đó 17 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam. “Nếu trước đây trên sông Đồng Nai, ngư dân thường bắt gặp cá ngựa xám, ngựa xương, cá cóc đậm, các loài cá trèn, những loài thuộc họ cá lăng và cá chạch sông… thì nhiều năm trở lại đây, những loài đặc hữu này rất hiếm gặp”, ông Du dẫn chứng.

Với nhiều bạn trẻ, có rất nhiều loài thuỷ sinh lần đầu họ nhìn thấy. Ảnh: Phan Thượng

Với nhiều bạn trẻ, có rất nhiều loài thuỷ sinh lần đầu họ nhìn thấy (Ảnh: Phan Thượng/sgtt.vn)

Nhằm lưu giữ những mẫu vật tiêu biểu, quý hiếm và có giá trị kinh tế cao, từ năm 2006 bảo tàng Đồng Nai đã phối hợp với chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Đồng Nai sưu tầm và nghiên cứu để bảo tồn giống, nguồn gen, thực hiện bộ mẫu động vật thuỷ sản bổ sung cho nội dung về lịch sử tự nhiên ở bảo tàng. Hiện bảo tàng đã có danh sách 164 loại cá thuộc 27 bộ và 85 họ sống trong môi trường nước ngọt và nước lợ; 61 loài cá sống hoàn toàn trong nước ngọt tại lòng hồ Trị An; 93 loài sống trong nước mặn và nước lợ thuộc thuỷ vực xã Phước An, huyện Nhơn Trạch…

Quy trình thực hiện lưu giữ như sau: đầu tiên là thu thập các mẫu cá, thuỷ sinh ở các vùng trong tỉnh, sau đó lấy mẫu đưa về phòng thí nghiệm xử lý, bảo quản theo đúng kỹ thuật. Các mẫu cá khi thu thập phải đang ở tuổi trưởng thành và được bảo tồn nguyên vẹn, từ cái vây cho đến vẩy, mắt, răng… Kế tiếp, xử lý tiêu bản mẫu bằng cách chích thuốc và ướp phoocmôn formalin nguyên chất vào các vị trí đặc thù, những chỗ dễ gây thối rữa như miệng, mang, bụng… và được ngâm trong một hỗn hợp dung dịch để giữ thể trạng, tránh phân huỷ. Để kéo dài tuổi thọ, các tiêu bản này phải được bảo quản trong phòng lạnh. Sau đó, đặt vào thùng thuỷ tinh tương ứng với kích thước của mẫu cá hay thuỷ sinh khác như chúng đang vùng vẫy, bơi lội trong sông nước tự nhiên. Cuối cùng, xây dựng “hồ sơ lý lịch” cho từng mẫu với đầy đủ thông tin khoa học như tên loài, nơi phân bổ, cân nặng, giá trị, cho đến kỹ thuật nuôi trồng… để người tham quan biết.

“Của để dành” cho mai sau

Triển lãm giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập 1.091 tiêu bản cá thể đã xử lý hoá chất nhằm bảo tồn lâu dài của 84 loài thuỷ sản gồm cá, tôm, cua, hến, nhuyễn thể…; 50 ảnh tư liệu và 50 hiện vật là các loại ngư cụ khai thác, đánh bắt thuỷ sản… “Những tiêu bản mẫu được sắp xếp theo đặc trưng của từng loài và trong trạng thái giống như đang bơi trong hồ, chứ không phải là những tiêu bản đã xử lý khô. Đây là một cách làm tương đối mới lạ và độc đáo. Công chúng có thể tận mắt nhìn thấy những mẫu động vật được ngâm tẩm trong dung dịch formalin với hình dáng mẫu vật được cố định trên giá khung một cách rất tự nhiên…”, ông Du nói.

Ghi nhận từ triển lãm cho thấy với những người lớn tuổi, tiêu bản xác ướp cá gợi họ nhớ lại thời xa xưa với những loài cá mà bây giờ hầu như không còn gặp trong tự nhiên: cá duồng, cá ét, cá đù, cá leo, cá chai… Còn với những bạn trẻ, triển lãm đem lại nhiều thú vị vì có rất nhiều loài thuỷ sinh lần đầu tiên họ nhìn thấy.

Ông Du cho biết nếu thời gian tới có điều kiện, bảo tàng sẽ mở rộng quy mô của khu lưu giữ với các loại cá nước mặn sưu tầm ở các tỉnh thành khác. Ông tâm sự: “Tâm nguyện của chúng tôi khi thực hiện công việc này là nhằm giáo dục cho mọi người ý thức bảo vệ môi trường, biết thực trạng và có những hành động thiết thực, góp phần bảo tồn những loài cá q uý để con cháu sau này biết về sự phong phú, đa dạng của các loài cá, sinh vật ở sông Đồng Nai”.

Theo Khiết An – Phan Thượng/sgtt.vn, 18/09/2013

 
ShareThis Copy and Paste

Phân loại tin: