Bãi bỏ giấy phép con gây khó cho doanh nghiệp

Tổng cục Thủy sản vừa quyết định bãi bỏ Công văn 707 được nhiều DN kinh doanh TĂCN thủy sản phản ánh là “giấy phép con”, gây khó cho họ trong bối cảnh kinh tế đang suy thoái.
Như NNVN đã phản ánh, để quản lý TĂCN, Chính phủ đã ban hành Nghị định về quản lý và xử phạt vi phạm hành chính mặt hàng này. Sau đó Bộ NN-PTNT ban hành Thông tư số 66 quy định chi tiết và có hiệu lực thi hành từ năm 2011. Sau khi Thông tư 66 ra đời, các DN sản xuất TĂCN thủy sản vẫn gặp rất nhiều khó khăn vì cấp thừa hành là Tổng cục Thủy sản (TCTS) hơn 1 năm qua đưa ra nhiều thủ tục mới vượt quyền tại Công văn 707/TCTS.

Sau khi hàng chục DN thức ăn thủy sản cùng ký tên “kêu cứu”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo phải sớm giải quyết cho DN (NNVN đã phản ánh trong bài “DN TĂCN thủy sản khổ vì giấy phép con”. Theo đó, ông Phạm Anh Tuấn – Phó Tổng Cục trưởng TCTS đã ký Công văn số 1115/TCTS thông báo bãi bỏ Công văn 707/TCTS (ban hành ngày 26/5/2011), đồng thời khẳng định tất cả các thủ tục đăng ký vào “Danh mục thức ăn thủy sản được phép lưu hành tại VN” phải thực hiện theo Thông tư 66.
Tuy nhiên, nhiều DN kinh doanh TĂCN cả trên cạn và thủy sản vẫn đang kiến nghị Bộ NN-PTNT cho lùi thời gian thực hiện Thông tư 66 đến ngày 1/6/2013 và thông báo rộng rãi đến các cơ quan kiểm tra, thanh tra trên cả nước biết để họ không bị xử phạt oan ức như hiện nay.

Tại sao oan ức? Một DN cho biết: “Hiện số cơ sở sản xuất thức ăn và chất bổ sung cho động vật trên cạn và thủy sản lên tới khoảng 700 DN. Trong khi đó, dù Thông tư 66 có hiệu lực từ năm 2011 nhưng mãi tới ngày 13/6/2012 Cục Chăn nuôi mới tổ chức hội nghị hướng dẫn cho các DN phía Nam (chậm tới hơn 7 tháng so với quy định); còn TCTS lề mề hơn khi đến giờ vẫn chưa tổ chức hội nghị hướng dẫn cho DN. Chính vì thế, dù hàng trăm DN chạy đôn chạy đáo để đăng ký, nhưng không biết đến bao giờ mới được 2 Cục này đưa đủ vào danh mục được lưu hành để “chạy đua” với thanh tra địa phương đang xử phạt vô tội vạ như hiện nay?”.

Nhiều DN khẳng định, thức ăn cùng chất bổ sung cho động vật trên cạn và thủy sản chiếm khoảng 70% giá thành chăn nuôi. Thức ăn có chất lượng tốt sẽ giúp động vật lớn nhanh, tăng thêm sức kháng bệnh và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hơn ai hết, những DN làm ăn chân chính rất tôn trọng hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng và an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh đối với sản phẩm của từng đơn vị. Tuy nhiên, các DN cũng đề nghị hành động quản lý phải đúng luật, công khai, minh bạch và nhằm vào một mục tiêu duy nhất là phát triển bền vững ngành chăn nuôi VN. Vì thế, các DN đề nghị TCTS và Cục Chăn nuôi phải công khai thủ tục và công khai danh tính của những người có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Thông tư 66 của Bộ NN-PTNT, giúp DN biết và liên hệ làm việc một cách minh bạch, đúng luật.

theo nongnghiep.vn

Phân loại tin: